Karatedo Việt Nam phải nhanh mới kịp

Thông tin karatedo được chọn là môn thi đấu chính thức tại Olympic 2020 (Nhật Bản) mở thêm cơ hội cho nhiều quốc gia tìm huy chương (trong đó có Việt Nam).

Bốn năm chuẩn bị không dài, và karatedo Việt Nam đang tìm cơ hội cho mình, bắt đầu từ giải VĐTG 2016. Đội tuyển Việt Nam đã lên đường sang Áo dự giải. Xét về chuyên môn, không ai rõ bằng những nhà quản lý môn võ này (thuộc Tổng cục TDTT) và bản thân ban huấn luyện đội tuyển để biết ta mạnh và yếu ở đâu.

Trong lịch sử các giải karatedo VĐTG mà Việt Nam từng thi đấu, chúng ta chỉ có thành tích đã đạt được tổng cộng 1 HCV, 3 HCB. Chiếc HCV duy nhất là của cựu tuyển thủ Nguyễn Hoàng Ngân (nội dung kata). Trưởng bộ môn karatedo (Tổng cục TDTT) – ông Vũ Sơn Hà - đã chia sẻ: “Tại giải VĐTG, chúng ta và nhiều quốc gia đang tập luyện phát triển võ karatedo của châu Á biết thêm được sự thăng tiến, đầu tư ở tất cả các nước trên thế giới. Lúc này, nhiều quốc gia tại châu Âu hay khu vực Mỹ-Latin đã có VĐV đạt tầm thế giới võ karatedo”. Không sai nếu bảo, cuộc thi đấu tại giải VĐTG 2016 để tuyển Việt Nam thẩm định chắc chắn nhất kế hoạch cần hướng trọng tâm vào thế mạnh nào của mình để hướng cho mục tiêu 4 năm sắp tới tại Olympic 2020.

Karatedo nữ Việt Nam nhiều cơ hội tranh chấp huy chương hơn so với các nội dung nam.

Hiện tại, kế hoạch đầu tư và định hướng tập huấn, tập luyện chuẩn bị cho mục tiêu dài hơi Olympic 2020 đang được bộ môn karatedo xây dựng. Báo cáo, bảo vệ kế hoạch sẽ phải sớm thực hiện trước lãnh đạo Tổng cục TDTT. Bởi vì, có kế hoạch có chỉ tiêu thì mới bắt tay làm được.

Tuyển karatedo Việt Nam thi đấu giải VĐTG 2016 cử đội hình nữ tham dự, không có VĐV nam. Yếu tố nữ vẫn là cơ sở để karatedo Việt Nam nhiều cơ hội tranh chấp huy chương hơn so với các nội dung nam. Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn từng khẳng định với quan điểm, karatedo Việt Nam phải xây dựng đội ngũ VĐV trọng điểm hiệu quả từ SEA Games, Asian Games rồi mới có cơ hội tại Olympic chứ không thể dựa vào cảm quan bên ngoài. Trước đây, lúc nhiều môn võ như taekwondo, wushu được tổ chức trong các đại hội thể thao châu Á, quốc tế, võ sĩ của Việt Nam đã rất thăng hoa đạt huy chương, thứ hạng. Khi môn võ phổ cập hơn, nhiều quốc gia đầu tư hơn thì chúng ta đã tụt lại về thành tích. Không ai muốn những “vết xe đổ” như vậy bị lặp lại.

HLV Lê Tùng Dương đang là HLV trưởng tuyển quốc gia, chuyên tâm chính vào nội dung kumite (đối kháng). HLV Nguyễn Hoàng Ngân nhận nhiệm vụ huấn luyện nội dung kata (biểu diễn). Để đi một chặng đường 4 năm tập luyện tối đa sắp tới, Tổng cục TDTT và bộ môn karatedo vẫn có hướng thuê thầy ngoại cho đội tuyển. Các chuyên gia Hassan (Iran) và Maksim Ivansikovs (Latvia) từng được thuê về huấn luyện đội tuyển. Họ có thành công nhất định trong một thời gian vừa đủ với đội tuyển nhưng lại không quá nổi bật. Mọi ý định vẫn hướng về một ông thầy Nhật Bản (nơi sản sinh môn võ karatedo). Tuy vậy, trên mặt bằng chuyên môn thế giới, võ sĩ Nhật Bản và HLV Nhật Bản vào lúc này không phải áp đảo nhất. “Chúng ta nếu tìm chuyên gia ngoại sẽ là người hiểu được tố chất của VĐV Việt Nam, làm việc lâu dài cùng đội tuyển thì mới xây dựng hiệu quả trong một chu kỳ chứ không thể ngắn hạn”, ông Vũ Sơn Hà từng cho biết.

* Giải VĐTG 2016 tại Áo từ ngày 23-10 tới 1-11. Việt Nam thi đấu với Trang Cẩm Lành, Trần Thị Khánh Vy, Nguyễn Thị Ngoan, Hồ Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Hồng Anh, Bùi Thị Ngọc Hân, Nguyễn Thị Phương.

Theo SGGP

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/cac-mon-khac/karatedo-viet-nam-phai-nhanh-moi-kip-372-204023.html