Jamaica: Nơi nắm rõ bí mật của Apple trước cả thế giới

Jamaica, quốc đảo Trung Mỹ, là nơi chứa đựng những bí mật của Apple trước khi các sản phẩm của hãng ra mắt toàn cầu.

Apple thường kín tiếng về những dự án chưa công bố. Hãng âm thầm đăng ký thương hiệu mới như "Apple Watch", "Apple Pencil"... tại Jamaica, một quốc đảo xa xôi ở Trung Mỹ.

Việc làm này đơn giản để tránh né sự dòm ngó từ các đối thủ. Nếu đăng ký thương hiệu ngay tại Mỹ, các thông tin mật sẽ nhanh chóng bị giới truyền thông “đánh hơi”, khiến hãng mất lợi thế bất ngờ khi tung ra sản phẩm mới. Nhưng nếu việc đăng ký diễn ra ở một nước như Jamaica, thông tin đó sẽ được giữ bí mật đến tận 6 tháng.

Quốc đảo Jamaica không chỉ là thiên đường du lịch, mà còn là nơi cất giấu những bí mật của Apple. Ảnh: Irish News.

Theo luật US Trademark Act ở mục 44 (d), các hãng hay tổ chức được quyền đăng ký thương hiệu của họ tại văn phòng sở hữu trí tuệ nào đó nằm ngoài biên giới nước Mỹ. Sau khi đăng kí, hãng sẽ có 6 tháng để nộp giấy tờ có liên quan lên cơ quan Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO).

Đây là kẽ hở mà Apple, Microsoft hay các ông lớn công nghệ đã lợi dụng để âm thầm đăng ký các thương hiệu cho mình. Riêng với táo khuyết, hãng đã âm thầm đăng ký đến 343 thương hiệu, bản quyền... tại những nơi ngoài nước Mỹ.

Không tập trung ở một nước cụ thể nào, từng hãng công nghệ có địa điểm “bí mật” riêng để đăng ký và cất giấu tên sản phẩm trước khi tung ra. Apple lựa chọn Jamaica, Google chọn Tonga còn Microsoft đăng ký hầu hết thương hiệu của hãng tại Nam Phi. Chính hạ tầng cơ sở dữ liệu còn hạn chế của các quốc qia này khiến các thông tin đăng ký thương hiệu khó bị tìm thấy hay rò rỉ.

Tuy nhiên, nếu các đối thủ cử người trực tiếp đến các trụ sở văn phòng tại đây, họ có thể yêu cầu thông tin về những hồ sơ đăng ký và thường mất 3 tuần để có kết quả. Theo thống kê của hãng quản lí địa chỉ IP Alt Legal, có đến 65 quốc gia khác vẫn duy trì hệ thống dữ liệu "offline" dạng văn bản như Jamaica và họ không có ý định nâng cấp.

Theo luật sư Nehal Madhani từ Alt Legal, chiêu trò tự bảo vệ thương hiệu này còn khá mơ hồ và chỉ những hãng có thừa nguồn lực muốn bảo vệ bí mật sản phẩm của họ suốt 6 tháng mới nên áp dụng. Khoảng thời gian đó là lợi thế rất lớn đối với Apple, Samsung, Google nếu họ muốn giữ bí mật về tên sản phẩm đến phút chót.

Hoàng Vinh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/jamaica-noi-nam-ro-bi-mat-cua-apple-truoc-ca-the-gioi-post691386.html