ITA: Khẩn trương thực hiện Dự án Nhiệt điện Kiên Lương

Dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương với tổng vốn đầu tư khoảng 6 – 6,2 tỷ USD, với tổng công suất 4.400MW, được xây dựng theo hình thức tổng thầu EPC, trên diện tích 265ha...

Dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương (Kien Luong Coal – Fired Power Plant Complex – KLPP) là dự án nhiệt điện lớn với tổng vốn đầu tư khoảng 6 – 6,2 tỷ USD được Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn Tân Tạo – ITACO đầu tư (Công văn chấp thuận số 1385/TTg-KTN, ngày 25/8/2008), với tổng công suất 4.400MW, được xây dựng theo hình thức tổng thầu EPC, trên diện tích 265ha và nằm hoàn toàn trên mặt biển, thuộc ấp Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, Kiên Giang, cách Hà Tiên 20km. Đây là một trong các dự án trọng điểm quốc gia về điện trong Quy hoạch điện VI. Toàn bộ dự án xây dựng gồm 3 giai đoạn từ 2009 – 2018; trong đó, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 có công suất 1.200 MW (gồm 2 tổ máy 600 MW x 2), giai đoạn 3 có công suất 1.000 MW (2 tổ máy 50MW x 2). Sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia dự kiến 8.100 tỷ đến 8.640 tỷ KWh/năm. Giai đoạn 1 của dự án (Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1) có vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD được xây dựng trên diện tích 100ha sử dụng nhiên liệu chính là than nhập khẩu với tổng nhu cầu than đá cho nhà máy khoảng 3,5 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ đi vào vận hành vào năm 2013 – 2014. Chìa khóa từ cảng biển nước sâu Trước đây, KLPP đã được nhà đầu tư tên tuổi của nước ngoài vào nghiên cứu trong thời gian 7 năm, và cuối cùng đã phải bỏ cuộc. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, ITACO đã thuê những chuyên gia tư vấn hàng đầu thế giới cùng nhiều tư vấn trong nước. Sau gần 1 năm đưa tàu biển có đầy đủ trang thiết bị vào nghiên cứu dựa trên những số liệu của các viện nghiên cứu của Việt Nam, đã đưa ra kết luận: KLPP không khả thi vì không có cảng biển, và việc xây dựng cảng biển tại Kiên Lương là tốn kém và không kinh tế. Vẫn không đầu hàng, ITACO quyết định thuê thêm tư vấn nước ngoài Mott Macdonald – Anh (tư vấn kỹ thuật), Black & Veatch – Mỹ (tư vấn nghiên cứu khả thi), là những tập đoàn kinh nghiệm hàng đầu trên thế giới cùng nhiều chuyên gia cao cấp nước ngoài, tiếp tục khảo sát phối hợp với việc mua dữ liệu thông tin của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Sau 12 tháng nghiên cứu, các chuyên gia đã tìm ra giải pháp để biến quy hoạch của dự ánTrung tâm Nhiệt điện Kiên Lương trở thành khả thi. Đó chính là việc xây dựng cảng biển nước sâu trên đảo Nam Du nằm trong vịnh Kiên Giang, cách bờ biển An Biên (Kiên Giang) 54 km. Sáu tháng sau đó, ngày 12/1/2009, bằng Kết quả thẩm định số 0318/BCT-NL, Bộ Công Thương đã chính thức phê chuẩn bản thiết kế cơ sở hoàn chỉnh của nhà máy giai đoạn 1 do chủ đầu tư báo cáo. Ngày 23/7/2009, UBND tỉnh Kiên Giang chính thức cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCN số 56121000615) Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 (KL1). Đặc biệt, theo đề xuất của Bộ Tài chính, Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 là dự án đầu tư nguồn điện nằm trong quy hoạch điện VI về phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 nên được áp dụng điều 3 của Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, quy định: các dự án nguồn điện, đường dây đấu nối với hệ thống điện quốc gia giai đoạn 2006-2015 do các doanh nghiệp trong nước đầu tư được thực hiện theo Quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 9/11/2005 của TTCP. Trên cơ sở đó, tại Công văn số 5040/VPCP-KTTH, ngày 27/7/2009, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cấp bảo lãnh của Chính phủ cho Dự án Nhà máy KL1 thuộc KLPP. Suốt gần 3 năm (2007-2010), chủ đầu tư ITACO đã làm việc với các tư vấn hàng đầu thế giới để đảm bảo nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến, bảo vệ được môi trường và đảm bảo tính khả thi cao trong việc thu xếp tài chính trong thời điểm thế giới đang bị khủng hoảng tài chính. Các tư vấn quốc tế của Dự án gồm: Tư vấn kỹ thuật Mott McDonald (Anh), Tư vấn về than Marston (Mỹ), tư vấn tài chánh Standard Charter (Anh), Tư vấn thuế Delloitte (Mỹ), Kiểm toán KPMG (Mỹ), Tư vấn bảo hiểm Willis (Mỹ), Tư vấn luật pháp Shearman & Sterling (Mỹ). Gian nan chở đá lấp biển! Nhận định về KLPP, ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, người trực tiếp ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho ITACO, bấy giờ khẳng định: Sự hiện diện của KLPP cùng cảng Nam Du không chỉ đáp ứng nhu cầu phụ tải đang gia tăng mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo Kiên Giang, tạo nên sức hấp dẫn mới của Kiên Giang trước các nhà đầu tư. Hơn thế nữa, nó sẽ hình thành sự liên kết với các trung tâm kinh tế khác, tạo bước đệm cho công nghiệp toàn vùng ĐBSCL phát triển. Nhưng với một dự án được xây dựng trên biển thì việc san lấp mặt bằng là một khó khăn không nhỏ. Với tổng khối lượng san lấp cho cả 3 giai đoạn của Dự án là rất lớn, lên đến 48 triệu m3 nên việc tìm nguồn nguyên liệu để san lấp có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, mặc dù rất tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để tìm nguồn nguyên liệu san lấp tại chỗ nhưng theo văn bản trả lời chính thức của UBND tỉnh Kiên Giang thì các mỏ nguyên liệu mà ITACO đề nghị khai thác hoặc đã giao cho nhà đầu tư khác (như Hòn Heo, Trà Đuốc…), hoặc thuộc khu vực cấm, phục vụ mục đích quân sự, quốc phòng (núi Vĩnh, núi Mây, Mũi Cọp), do đó hiện trên địa bàn huyện Kiên Lương gần như không còn nguồn nguyên liệu. Dù vậy, đến nay Dự án đã nạo vét được 5,5 triệu m3 bùn, thực hiện san lấp được trên 88ha của dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 (chiếm 70% khối lượng san lấp); trong đó, gồm 60ha mặt bằng cho nhà máy, 10ha cho đường sá, hệ thống kỹ thuật, hệ thống điện, hồ chưa nước, cống hộp, sân đậu trực thăng, công viên cây xanh và 18ha khu tái định cư, văn phòng, nhà ở chuyên gia và công nhân…. Ngoài ra, hàng trăm ngàn cừ lá sen có chiều rộng 1m và dài từ 28-44m, nặng 15-25 tấn, được sản xuất theo công nghệ độc quyền của hãng Misubishi (Nhật Bản) đã được chuyên chở và thi công để tạo nên một hệ thống đê bao cho toàn bộ vùng dự án. Đến giữa tháng 9/2010, nhà thầu đóng cọc đã thi công được 6,5km/8km cừ vây đê bao chắn sóng. Nhận xét về hệ thống đê bao chắn sóng này, Kỹ sư Lê Văn An, Anh hùng lao động, Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ điện nông nghiệp và thủy lợi (Agrimeco) trực thuộc Bộ NN&PTNT, đơn vị có trên 45.000 kỹ sư và công nhân khắp cả nước, cho biết: “Đây là đê bao chắn sóng lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam sử dụng hệ thống cừ lá sen độc quyền công nghệ của hãng Mitsubishi mà đến nay Việt Nam chưa làm được và cũng chưa từng có công trình nào tại Việt Nam áp dụng giải pháp này”. Ông An cũng thông tin thêm: Vào tháng 10/2010, Agrimeco sẽ đưa một lực lượng quy mô lớn kỹ sư, công nhân cùng hàng nghìn trang thiết bị, máy móc vào Kiên Lương để thi công đào hồ trữ nước ngọt, đồng thời cùng lúc lấy đất đào hồ để lấp biển, hỗ trợ khắc phục việc khan hiếm nguồn nguyên vật liệu san lấp. Hy vọng mặt bằng thi công sẽ được giao vào tháng 12/2010 Cùng với việc san lấp mặt bằng, đến nay ITACO đang khẩn trương xây dựng cơ sơ hạ tầng và các công trình phụ trợ của nhà máy: đã xây dựng xong tuyến đường nối hệ thống giao thông quốc gia với khu nhà máy, cơ bản thực hiện tuyến đường nội bộ chính có chiều dài khoảng 5km, hệ thống cấp điện và cấp nước đã được kéo đến hàng rào nhà máy. Song, do áp lực nước yếu, chủ đầu tư đã phải xây dựng hệ thống bể chứa có thể tích trên 10 triệu m3 và xây dựng nhà máy cấp nước với công suất 50.000m3/ngày đêm để bảo đảm cung cấp nước cho cả 3 nhà máy điện của KLPP. Làm việc với Ban chỉ đạo Triển khai thực hiện quy hoạch KLPP tại Kiên Giang vào sáng 28/9/2010, ông Thái Văn Mến, Tổng giám đốc ITACO cho biết, hiện ITACO đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn và sẽ cố gắng khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 vào tháng 12/2010. Theo Ban chỉ đạo Dự án KLPP, để có thể kịp khởi công giai đoạn 1 vào cuối năm nay, cần khắc phục được 3 khó khăn lớn. Đó là thiếu nguyên liệu san lấp mặt bằng để nâng cao độ từ -4m và -13m lên độ cao +3,27m; thứ hai là chờ bảo lãnh vay vốn của Chính phủ (GGU), và khó khăn thứ ba là đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với Công ty mua bán điện (ETPC) thuộc EVN. Về khó khăn nguyên liệu san lấp, tại cuộc họp, ITACO tiếp tục kiến nghị lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho phép tiến hành khai thác các mỏ tại núi Hòn Tre, núi Ông Cọp, núi Huỷnh và núi Sơn Trà. Tuy nhiên, ông Võ Duy Linh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Kiên Giang cho biết, các mỏ nguyên liệu mà ITACO đề nghị khai thác hoặc đã giao cho nhà đầu tư khác, hoặc thuộc khu vực cấm, phục vụ mục đích quân sự, quốc phòng, do đó hiện trên địa bàn huyện Kiên Lương gần như không còn nguồn nguyên liệu. Giám đốc Sở KH&ĐT Kiên Giang Lê Khắc Ghi đề nghị, ITACO nên tập trung giải quyết khó khăn thứ 2 và khó khăn thứ 3, là đạt thỏa thuận mua bán điện với EVN, và được Chính phủ bảo lãnh vay vốn; trong đó, vấn đề vốn là khó khăn lớn nhất. Về vấn đề vốn, bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo, cho biết hiện đang tích cực cùng hơn 15 đơn vị tư vấn trong và ngoài nước làm việc với các ngân hàng lớn của các tổ chức tín dụng quốc tế và Tổng công ty bảo hiểm Sinosure (Trung Quốc) về việc vay vốn cho dự án. ITACO cũng đã nhận được những ý kiến phản hồi cam kết tích cực từ các ngân hàng; đặc biệt, Sinosure đã có Văn bản 24/8/2010 đồng ý nguyên tắc cung cấp bảo hiểm vốn vay cho dự án. Tuy nhiên, theo bà Hoàng Yến, việc xem xét cho vay chính thức chỉ được thực hiện khi có GGU và Hợp đồng PPA với EVN. Về đàm phán GGU, bà Hoàng Yến cho biết, ITACO đang đợi phê duyệt của Chính phủ về các nội dung bảo lãnh và cam kết đã được Bộ Công Thương trình ngày 9/7/2010, tại Tờ trình số 6829/TTr-BCT, và Văn bản giải trình bổ sung số 8343/BCT-NL ngày 18/8/2010 sau khi đã được các bộ, ngành liên quan thống nhất. ITACO và các công ty liên doanh đã chi phí cho những công việc trên từ đầu (tháng 7/2007) đến nay xấp xỉ 1.800 tỷ đồng. Dự kiến sẽ chi thêm 400 tỷ đồng nữa từ nay đến cuối năm từ nguồn vốn trái phiếu đã phát hành để kịp giao đất cho chủ đầu tư là nhà máy điện vào tháng 12/2010. Ông Phạm Vũ Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để ITACO triển khai dự án, bởi đây là dự án trọng điểm quốc gia. Ông cũng đề nghị ITACO nên phối hợp với địa phương để tìm nguồn nguyên liệu san lấp tại chỗ, nếu không có buộc phải mua từ nơi khác chuyển đến. Về phía huyện Kiên Lương, ông Hồng chỉ đạo tập trung làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho chủ đầu tư. Với một công trình khổng lồ như Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương, bên cạnh chủ trương của Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang thì sự nỗ lực của chủ đầu tư cũng như các đơn vị trực tiếp liên quan là cực kỳ quan trọng để đảm bảo cho dự án thực hiện đúng tiến độ, góp phần thực hiện tốt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025. Xuân Thái Thời báo kinh tế Việt Nam

Nguồn StoxPlus: http://stox.vn/stox/view_news_detail/71543/1/197/ita-khan-truong-thuc-hien-du-an-nhiet-dien-kien-luong.stox