IS vứt xác 40 cựu nhân viên an ninh Iraq xuống sông

IS đã sát hại 40 cựu thành viên lực lượng an ninh Iraq tại khu vực gần thành phố Mosul vào ngày thứ Bảy vừa qua và đã ném thi thể các nạn nhân xuống sông Tigris.

Theo Reuters, ngày 1/11, phát ngôn viên của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, bà Ravina Shamdasani cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã sát hại 40 cựu thành viên lực lượng an ninh Iraq tại khu vực gần thành phố Mosul vào ngày thứ Bảy vừa qua và đã ném thi thể các nạn nhân xuống sông Tigris.

IS cũng đã vận chuyển khoảng 25.000 dân thường bằng các xe tải và xe buýt nhỏ từ thị trấn Hammam al-Alil, phía Nam Mosul vào sáng sớm 31/10 để làm lá chắn sống, để bảo vệ các mục tiêu của IS, bà Ravina Shamdasani cho biết.

Phần lớn các xe tải này đều đi về hướng huyện Tal Afar để tránh máy bay tuần tra, nhưng một số xe buýt cũng đã đến được Abu Saif, cách phía bắc của Hammam al-Alil 15 km, bà cho biết.

IS luôn là nỗi kinh hoàng với người dân thế giới.

Khoảng 50.000 binh sỹ Iraq, các tay súng thuộc lực lượng người Kurd, các lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Sunni và Hồi giáo dòng Shia tham gia cuộc tấn công giải phóng Mosul.

Các lực lượng Iraq ngày 1/11 đã tiến vào Mosul và giành quyền kiểm soát trụ sở đài truyền hình nhà nước ở thành phố này. Đây là thắng lợi đầu tiên của quân đội Iraq kể từ khi chiến dịch giải phóng thành phố Mosul từ IS được bắt đầu cách đây hai tuần.

Trước khi cuộc tấn công nổ ra hôm 17/10, có khoảng 3.000 đến 5.000 tay súng IS đóng ở Mosul, cùng với hơn 1,5 triệu dân thường.

Hơn 17.700 người dân đã sơ tán và theo dự báo trường hợp xấu nhất của Liên hợp quốc, khoảng 700.000 người khác cũng có thể rời khỏi thành phố này.

Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) luôn là nỗi kinh hoàng với người dân thế giới nói chung và là vấn đề gây đau đầu các quốc gia trên thế giới.

Trong tiết lộ mới đây của một thành viên của tổ chức khủng bố này, Abu Ahmad, sự ra đời của tổ chức khủng bố này mới được người ta biết đến.

Theo đó, Abu Bakr al-Baghdadi chính là người đã manh nha khai sinh ra tổ chức này và hắn cũng góp phần phát triển chi nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda tại Iraq.

Ngay khi mới khai sinh, tổ chức này đã xâm nhập vào gần như mọi mặt đời sống của người dân ở các thành phố và thị trấn thuộc miền Đông Bắc Syria và tổ chức này được vận hành một cách quy củ, giống hệt như một chính phủ hiện đại.

Chúng thu phục lòng dân ở những nơi chúng lập thủ phủ bằng lối cai trị khoa học và cố tỏ ra thấu tình đạt lý. Tỉnh Raqqa, phía Đông Syria là minh chứng rõ nhất về phương pháp quản lý của tổ chức này.

Ở thủ phủ tỉnh này, tổ chức IS kiểm soát gần như tất thảy mọi thể chế và mọi dịch vụ công. IS xây dựng một cơ cấu giống với một chính quyền hiện đại trong chưa đầy một năm kiểm soát dưới sự cai trị của thủ lĩnh Baghdadi.

Dù những kẻ lãnh đạo IS rất thực dụng nhưng chúng luôn cố tỏ ra mình là một chính phủ thực thụ chứ không phải chỉ có lộng hành quyền lực. Thủ lĩnh Baghdadi tách nhánh quân sự ra khỏi nhánh hành chính, phân công các chiến binh chỉ được làm nhiệm vụ cảnh sát và binh lính. Baghdadi bổ nhiệm các bộ trưởng phụ trách các thể chế và phát triển các ngành tương ứng.

Cả chiến binh và công nhân viên chức đều nhận lương từ một bộ có tên gọi là Nhà Tài chính Hồi giáo, có nhiệm vụ giống như bộ tài chính và ngân hàng với nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo.

Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tổ chức IS.

IS cũng tịch thu nhà của những người không phải Sunni hay từ các nhân viên chính phủ Assad đã bỏ trốn khỏi khu vực để phân cho các chiến binh. Ngoài ra, IS cũng trả khoảng 400-600 USD mỗi tháng, đủ để trang trải cho cuộc sống ở mức cơ bản ở Syria cho mỗi chiến binh.

Các hộ nghèo được tặng tiền và một góa phụ có thể được nhận 100 USD để nuôi con. Giá cả cũng được IS điều tiết để duy trì ở mức thấp. Các thương gia “thổi giá” đều bị trừng phạt, cảnh báo và cho “sập tiệm” nếu bị bắt quả tang tái phạm. Nhóm IS cũng đánh thuế Hồi giáo lên các thương gia và gia đình giàu có.

Hạnh Nguyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/is-vut-xac-40-cuu-nhan-vien-an-ninh-iraq-xuong-song-a305012.html