IR tốt gia tăng giá trị doanh nghiệp

Giá cổ phiếu lao dốc do tin đồn thất thiệt, trong khi thông tin chính thức khan hiếm, đã khiến thị trường định giá thấp hơn giá trị thực, khó huy động vốn. Đó là một trong những vấn đề doanh nghiệp (DN) niêm yết hay DN muốn huy động vốn thường xuyên phải đối mặt. Nhu cầu chuyển tải thông tin từ DN đến nhà đầu tư (NĐT) luôn cấp thiết, song hoạt động IR (quan hệ NĐT) dường như vẫn còn mới mẻ đối với không ít DN.

Giúp xử lý tin đồn

Tại buổi tọa đàm “IR - Bí quyết nâng giá trị DN” mới đây, ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch HĐQT CTCP Sơn Hà Sài Gòn, chia sẻ câu chuyện có thực của DN. Đó là vào thời điểm ông đang có chuyến công tác tại Hoa Kỳ, trên thị trường chứng khoán lan truyền tin đồn chủ tịch Sơn Hà đã... bị bắt? Hệ quả, giá cổ phiếu của DN lao dốc 3 phiên liên tiếp. Để xử lý tình huống này, Sơn Hà phải đăng tin lên website của công ty về chuyến công tác của chủ tịch và những ký kết làm ăn của DN cùng với ngày giờ cụ thể. Sau khi thông tin được đưa ra, cổ phiếu của DN đã tăng trần trở lại.

Thị trường hiện nay đã có nhiều sự lựa chọn hơn so với 10 năm trước và NĐT luôn cân nhắc trước khi bỏ tiền vào DN nào. Do đó nếu không đảm bảo công tác IR tốt sẽ khó thu hút NĐT. Cũng giống như sản phẩm sản xuất ra nếu không marketing không ai biết, cổ phiếu niêm yết không có IR NĐT sẽ không hiểu được giá trị nội tại của DN.

TS. Lê Đạt Chí

Một câu chuyện khác của ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch sàn bất động sản Nam Long. Ông Quang cho biết tại các buổi gặp gỡ chuyên gia phân tích đã giúp Nam Long tránh được một đợt khủng hoảng. Chuyện là công ty vẫn duy trì tổ chức các buổi gặp gỡ NĐT hàng quý. Tuy nhiên hạn chế là những buổi kết nối này NĐT nhỏ lẻ ít có điều kiện tham dự. Vào tháng 4 và 5-2016 Nam Long tổ chức sự kiện công bố về thông tin 2 tập đoàn Nhật Bản liên doanh - 2 cổ đông lớn của Nam Long - bỗng nhiên đặt lệnh bán toàn bộ cổ phần đang sở hữu tại Nam Long.

Thông tin này khiến NĐT cá nhân, đội ngũ phân tích chứng khoán, cổ đông Nam Long đặt vấn đề chuyện gì đang xảy ra với DN. Trong khi đó, các cổ đông bán cổ phần giải thích với Nam Long do bí mật kinh doanh nên không thể tiết lộ trước, đồng thời các giao dịch riêng lẻ phải tốn nhiều thời gian nên buộc phải bán ra thị trường. Lúc này Nam Long mới nhận ra các buổi chia sẻ trước đây đã phát huy tác dụng, khi 1-2 tuần sau đó các công ty chứng khoán giúp Nam Long tìm ra NĐT khác mua 2-5 triệu cổ phiếu. Điều này đã giải tỏa được câu chuyện cổ đông bán ra.

Theo những người trong cuộc, giải pháp giúp tháo gỡ các tình huống trớ trêu đến với DN đều liên quan đến hoạt động IR. Theo ông Lê Hoàng Hà, trước đây DN chỉ chú ý marketing cho sản phẩm, chưa chú trọng vào marketing thông tin về giá trị nội tại của DN. Với người tiêu dùng khi nào có sản phẩm mới quảng bá rộng rãi, trong khi với NĐT phải cho họ biết tương lai DN như thế nào, những thế mạnh gì. Và đây chính là hoạt động IR hướng tới nhằm giúp NĐT nhìn ra được cơ hội.

Thu hút NĐT

IR là gì? Ai là người có thể đảm nhận được công việc này? Và liệu IR với PR (Puplic Relations) có phải là một? Là người nghiên cứu nhiều về IR, TS. Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính Đại học Kinh tế TPHCM, nhìn nhận nếu marketing giúp các công ty giới thiệu sản phẩm và đẩy mạnh tiêu thụ, một nguồn thu lớn khác của DN nhưng ít được quan tâm chính là việc phát hành cổ phiếu. Để hoạt động này tiến triển, DN niêm yết phải quan hệ tốt với NĐT. Công việc này, lâu nay trên thị trường Việt Nam thường hiểu nhầm đó là PR, hoặc nghĩ nó giống như phiên bản marketing 2.0. Tuy nhiên liên quan đến hoạt động tài chính phải là IR chứ không phải là PR. IR là chuyển tải giá trị DN đến với các NĐT hiện tại và tiềm năng. Vai trò quan trọng tiếp theo của IR là liên quan đến tính thanh khoản cổ phiếu và phục vụ công tác phát hành. DN niêm yết cần vốn để đầu tư phát triển, tức công tác phát hành cổ phiếu với mức giá cao rất quan trọng. Ngoài ra, việc nâng cao giá trị thị trường và thanh khoản của cổ phiếu cũng là hoạt động không thể thiếu. Hỗ trợ cho những hoạt động này chính là IR.

Một buổi đối thoại cùng NĐT của DN.

Một minh chứng cụ thể là giá cổ phiếu NLG của Nam Long, thời điểm trước khi niêm yết là 27.000 đồng/CP nhưng trong 6 tháng sau đó liên tiếp giảm còn 16.000 đồng/CP. Chủ tịch Nam Long chia sẻ đây là bài học đầu tiên về IR DN này rút ra. Bởi Nam Long tự tin đang có nhiều quỹ đầu tư tham gia nên khi niêm yết đinh ninh sẽ “hữu xạ tự nhiên hương” đến NĐT trong và ngoài nước.

Sai lầm ở đây do suy nghĩ trên sàn chứng khoán có cả ngàn công ty niêm yết, chúng ta tốt rồi mọi người sẽ tự động biết đến, không cần phải có hoạt động IR. Bài học thứ hai là cho rằng Nam Long đã huy động vốn của những tập đoàn lớn trên thế giới, cứ thế áp dụng với thị trường trong nước, với NĐT nhỏ lẻ. Từ những bài học thực tế này, Nam Long đã chú trọng đến công tác IR và kể từ đó đến nay giá trị cổ phiếu cũng ổn định và cải thiện trở lại.

Để trả lời cho câu hỏi DN nên IR lúc nào là hợp lý, ông Thái Quang Trung, Phó Giám đốc Nghiên cứu khách hàng tổ chức Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, đúc kết IR phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Bởi IR là hàm ý duy trì mối quan hệ lâu dài. Dù hiện tại DN không có nhu cầu tăng vốn cũng không thể đợi đến lúc đó mới tiến hành. IR là một quá trình, không phải ngày một ngày hai và tuyển nhân viên biết làm là làm được. Minh chứng là những DN lớn niêm yết dù room khối ngoại đã đầy nhưng IR của họ vẫn rất tốt.

Minh Xuân

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161105/ir-tot-gia-tang-gia-tri-doanh-nghiep.aspx