Indonesia và 'lá bài' bất ngờ trong vấn đề Biển Đông

Là quốc gia không có tranh chấp tại Biển Đông, Indonesia vốn giữ quan điểm không tham gia vào vấn đề 'nóng' này.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc liên tiếp khẳng định vùng biển quanh quần đảo Natuna của Indonesia là “ngư trường truyền thống” đã khiến Jakarta thay đổi.

Với tư cách là một trong những quốc gia sáng lập của ASEAN, Indonesia có vai trò thuận lợi để khởi xướng tiếng nói chung cho các quốc gia thành viên khác trong vấn đề Biển Đông, Johannes Nugroho - cây viết bình luận của tờ Jakarta Global nhận định.

Theo ông Johannes Nugroho, sự gắn kết với ASEAN của Jakarta đã suy yếu kể từ sau khi Tổng thống Suharto từ nhiệm vào năm 1998. Sự phức tạp của tình hình chính trị trong nước và hạn chế về ngân sách đã khiến Indonesia tập trung vào vấn đề trong nước hơn là các vấn đề địa chính trị trong khu vực.

Tài hải quân Indonesia (sẫm màu) tại vùng biển Natuna.

Đến thời kỳ của Tổng thống đương nhiệm Widodo, vào đầu nhiệm kỳ, ông Widodo cũng ít quan tâm đến chính sách ngoại giao với các nước ASEAN. Nhưng đến thời điểm hiện tại, mọi chuyện đã thay đổi.

Trung Quốc liên tục khẳng định vùng biển ở khu vực quần đảo Natuna là “ngư trường lịch sử của Trung Quốc”. Đặc biệt, sau 3 lần các tàu đánh cá Trung Quốc tiến vào vùng biển Natuna trong năm nay và tất cả đều được hỗ trợ và hộ tống bởi các cảnh sát biển Trung Quốc, Jakarta đã nhận ra rằng, chính sách không ủng hộ bên nào trong vấn đề tranh chấp Biển Đông mà nước này sử dụng không thể đứng vững được.

Kể từ thời điểm đó, chính quyền Tổng thống Widodo đã điều các tàu hải quân quanh vùng biển ở quần đảo Natuna và tuyên bố kế hoạch xây dựng quân đội và phát triển kinh tế trong khu vực, được ghi trong Sách Quốc phòng 2016 và chính sách biển của Indonesia.

Để bảo vệ chủ quyền đối với vùng biển ở quần đảo Natuna, Indonesia cũng nhận ra rằng, nước này cần sức mạnh tập thể của ASEAN và các quốc gia cùng chung tư tưởng. Tổng thống Widodo đã lưu ý hơn đến vai trò trung tâm của ASEAN. Sự tham gia chủ động tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua, nơi ông đã kêu gọi sự đoàn kết nội khối, có thể được là một thay đổi cốt lõi.

Ông Widodo cũng bàn thảo vấn đề Biển Đông với Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Tổng thống Philippines Duterte trong chuyến công du của 2 nguyên thủ đến Jakarta. Sau buổi hội kiến, Tổng thống Widodo đã phát biểu rằng, ông và người đứng đầu Philippines có nhiều điểm chung.

Gần đây nhất, lực lượng không quân Indonesia tuyên bố sẽ tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn nhất từ trước tới nay trong tuần này, gần một số đảo của nước này trên Biển Đông.Tổng thống Indonesai Joko Widodo hồi tháng 6 đã khởi xướng một chiến dịch chưa từng có tiền lệ nhằm thúc đẩy ngành ngư nghiệp, khai khoáng dầu mỏ và cơ sở vật chất quốc phòng gần đảo Natuna sau một loạt vụ đối đầu giữa hải quân Indonesia và tàu cá Trung Quốc tại đây.

Đối mặt với thách thức chưa từng có từ Trung Quốc trong vùng biển Natuna, ông Widodo cần sự trợ lực từ các lãnh đạo ASEAN, đặc biệt là các quốc gia có cùng chung vấn đề tranh chấp ở Biển Đông với Bắc Kinh.

Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã được chứng minh là một trong những thách thức lớn nhất mà ASEAN phải đối mặt trong những năm gần đây. Điều quan trọng là Indonesia, cùng các thành viên sáng lập khác, sẽ có khả năng mở đường cho một sự đồng thuận nội khối khi tăng cường tiếng nói trong ASEAN.

Lan Hương (Theo TodayOnline)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/indonesia-la-bai-bat-ngo-trong-van-de-bien-dong-224338.html