IMF tuyên bố hợp tác để giảm thâm hụt thương mại toàn cầu

Đã có sự thay đổi trong quan điểm về chủ nghĩa bảo hộ của các thành viên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Trong Hội nghị thượng đỉnh mùa Xuân diễn ra cuối tuần qua, IMF đã bỏ qua cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ mà thay vào đó, tuyên bố hợp tác để giảm thâm hụt thương mại toàn cầu.

Tuyên bố trên được các nhà quan sát đánh giá là có chung hướng đi với chính sách của chính quyền Washington. Việc thay đổi này cho thấy sự khác biệt về quan điểm ngay trong IMF.

Cuộc họp Mùa xuân của IMF tại Washington, Mỹ.

Hồi đầu tuần, các cuộc thảo luận của IMF đã tập trung vào khả năng chính sách bảo hộ có thể gây ra hạn chế thương mại và cản trở tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, vào cuộc họp cuối tuần qua, IMF đã không nhắc đến cam kết chống lại chính sách bảo hộ.

Trong khi Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ có thể làm giảm tăng trưởng toàn cầu thì theo Giám đốc Ngân hàng T.Ư Mexico Agustin Carstens, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Tài chính Tiền tệ quốc tế (IMFC), hầu hết các nước đều có một số hạn chế thương mại và chủ nghĩa bảo hộ là một thuật ngữ "mơ hồ". Thay vào đó, Chủ tịch IMFC tuyên bố, các thành viên sẽ "làm việc cùng nhau" để giảm thâm hụt thương mại toàn cầu thông qua các chính sách phù hợp.

Ông James Boughton - cựu quan chức của IMF phân tích, một số quan chức đã quyết định tập trung vào nền kinh tế toàn cầu đang phát triển thay vì những rủi ro từ rào cản thương mại mới của Mỹ và quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu của Anh (Brexit).

Ngoài ra, IMF cũng bày tỏ sự quan ngại trước việc chủ nghĩa dân túy có khả năng trỗi dậy trong cuộc bầu cử Pháp, đe dọa tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Khả năng việc lãnh đạo cánh hữu Marine Le Pen - là người phản đối Liên minh châu Âu (EU) - có thể giành được chiến thắng đã tăng thêm lo ngại về sự lan rộng của chính sách bảo hộ. Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde thừa nhận, rủi ro về sự thay đổi trong đời sống chính trị đang thống trị cuộc họp Mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB).

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp là đòn đe dọa thứ 3 liên tiếp trong chưa đầy một năm với những người ủng hộ thương mại tự do, sau quyết định rời EU của Anh và chính sách hạn chế nhập cư cũng như giành lại việc làm cho công nhân Mỹ của chính quyền dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, sự thay đổi cho phù hợp với chính sách mới của Washington cho thấy, tín hiệu IMF sẽ hợp tác với Mỹ để giải quyết các vấn đề tài chính. Bà Christine Lagarde khẳng định, IMF và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể cùng nhau hợp tác để cải thiện hệ thống giao dịch thương mại toàn cầu.

Bà Lagarde cũng nhấn mạnh, thương mại tự do phải được coi là một động lực thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời khẳng định, IMF muốn tìm kiếm các giải pháp nhằm đảm bảo tất cả những lợi ích thương mại phải dựa trên sự công bằng và tạo ra một sân chơi bình đẳng.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tin-hieu-moi-tu-imf-286289.html