IMF, EU cần mạnh tay để dừng tham nhũng ở Ukraine

Theo lộ trình, ngày 14/6, Ukraine phải ra mắt tòa án độc lập chống tham nhũng đầu tiên và bắt đầu tiếp nhận hàng chục vụ việc chống lại các quan chức cấp cao. Như vậy, đến thời điểm này, đáng lẽ một số lãnh đạo chính trị và quan chức đã bị kết án tham nhũng, tài sản của họ bị tịch thu... Nhưng cả 2 giả thiết đó đều đã không trở thành hiện thực, không đúng theo yêu cầu mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đặt ra đối với quốc gia này.

Các tổ chức quốc tế như IMF, EU cần mạnh tay để dừng tham nhũng tại Ukraine. Ảnh: Huffington Post

IMF xác định thời hạn chót cho Ukraine ra mắt tòa án độc lập chống tham nhũng là ngày 14/6, nhưng Ukraine đã "lờ" đi và thay vào đó, Tổng thống Petro Poroshenko và những người khác lại tìm cách để tránh thực hiện những cải cách tiến tới cuộc bầu cử tiếp theo.

Theo phân tích của tờ Huffington Post, điều này cho thấy Ukraine đã tuột mất một cơ hội. Bởi, nếu tòa án đặc biệt nêu trên được thiết lập sẽ là sự cam kết của Ukraine với thế giới rằng, nơi đây, pháp luật được thực thi, đồng nghĩa với việc IMF sẽ rót thêm 1 tỷ USD và Liên minh châu Âu (EU) sẽ chuyển thêm một khoản 600 triệu euro khác cho quốc gia này.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của tòa án chống tham nhũng cũng sẽ làm dịu đi những bức xúc của các nhà đầu tư nước ngoài - những người sẽ tới tấp đổ nguồn tiền vào giúp xây dựng nền kinh tế của Ukraine.

Pháp luật được thực thi cũng sẽ khiến những chính trị gia biến chất, những quan chức Nhà nước gian dối và cả nạn nhân của họ phải ra trước ánh sáng công lý, giúp làm trong sạch hệ thống chính trị; đồng thời, Nhà nước thu về những khoản thuế, công quỹ đã bị đánh cắp...

Tuy nhiên, theo Huffington Post, kịch bản tốt đẹp cho Ukraine đã không thể thực hiện. Chính quyền nước này, thay vì chọn đi theo hướng cải cách, đã gây áp lực với các nhà hoạt động chống tham nhũng và phe đối lập, cố gắng vận động Liên minh châu Âu ủng hộ quan điểm của mình.

Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, ông bị Tổng thống Ukraine Poroshenko thuyết phục rằng, một "văn phòng chống tham nhũng" hoạt động tốt hơn là một tòa án độc lập và Ukraine sẽ thực hiện “nước bài” này.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hệ thống tòa án tại Ukraine rõ ràng rất có vấn đề và "văn phòng chống tham nhũng" cũng sẽ vậy. Tính đến tháng 7, Cục Chống tham nhũng quốc gia của Ukraine (NABU) đã đệ trình 75 vụ việc, nhưng chỉ có 18 vụ được phán quyết, trong đó hầu hết là những vụ việc lẻ tẻ liên quan đến các kế hoạch tham nhũng nhỏ. Không có quan chức cấp cao nào bị kết án.

“NABU tin rằng, các văn phòng chống tham nhũng (thường được gọi là Juncker) không những sẽ thất bại mà còn làm cho hệ thống trở nên tồi tệ hơn", báo cáo của cơ quan này cho biết.

Bởi vậy, đây chỉ là "chiêu trò" cũ được các tầng lớp chính trị, kinh tế của Ukraine đưa ra. Thậm chí, theo nhận định của Huffington Post, chính quyền của ông Poroshenko đã quyết định từ bỏ khoản tiền 1 tỷ USD từ IMF, một phần do họ có thể trông đợi vào khoản tiền 600 triệu euro mà EU hứa hẹn.

Không nên để tham nhũng có đất tràn lan, và các tổ chức quốc tế cần mạnh tay với Ukraine. Cụ thể bằng các biện pháp như: EU cũng nên ấn định thời hạn cho việc thành lập tòa án chống tham nhũng; IMF, EU không rót thêm một xu nào cho Ukraine cho tới khi tòa án này được đưa vào hoạt động và cần áp dụng hình phạt đối với việc không tuân thủ...

Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, cảnh sát chống tham nhũng và các công tố viên cần được trao quyền. Bên cạnh đó, có chế độ khoan hồng đối với những người tự nguyện thừa nhận hành vi phạm tội, công khai tài sản, thu nhập trên toàn thế giới trong vòng 5 năm qua, thực hiện truy thu thuế trong 5 năm có cộng thêm các khoản tiền lãi...

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/imf-eu-can-manh-tay-de-dung-tham-nhung-o-ukraine_t114c52n121966