Ì ạch gói 30.000 tỷ đồng

Sau hơn 7 tháng thực hiện, gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất cho người thu nhập thấp mua nhà giải ngân rất chậm. Nguyên nhân là trong bối cảnh nợ xấu ám ảnh, năng lực trả nợ của đối tượng vay còn hạn chế, nên NH khó nới lỏng “hầu bao” cho vay.

Theo thống kê mới nhất tính đến giữa tháng 1, NHNN đã có các văn bản xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 15 doanh nghiệp với số tiền 1.390 tỷ đồng. Trong đó đã giải ngân cho 8 doanh nghiệp với số tiền 380,45 tỷ đồng.

Song song đó, các NH cũng cam kết cho vay 1.994 khách hàng với số tiền khoảng 720 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân gần 482 tỷ đồng. Như vậy, sau khoảng 7 tháng thực hiện, số tiền giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng mới đạt 2,8%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng dù đã có nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc được đưa ra.

Để tạo động lực thúc đẩy tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, hồi tháng 1, NHNN đã ban hành Quyết định 21/QĐ-NHNN về mức lãi suất các NHTM áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15-5- 2013 là 5%/năm, giảm 1% so với trước đó.

Mới đây, NHNN cho biết có thể tiếp tục điều chỉnh tăng thời hạn vay vốn lên đến 15 năm thay vì 10 năm để người dân có điều kiện tích lũy vốn mua nhà. Đồng thời, NHNN sẽ nghiên cứu điều chỉnh tăng tỷ lệ cho vay đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, Bộ Xây dựng cũng cho biết đang nghiên cứu để ban hành thông tư liên tịch cho phép người mua nhà được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai để vay vốn trong gói 30.000 tỷ đồng.

Song theo một chuyên gia kinh tế, dù chính sách hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đang đưa ra khá tích cực, nhưng để người dân có thu nhập thấp tiếp cận vốn vay mua nhà từ gói 30.000 tỷ đồng vẫn còn là điều khó khăn, trong đó khung pháp lý đang là cản trở lớn nhất lại chưa có cơ chế phù hợp.

Đơn cử, để được NH cho vay tiền mua nhà, người vay buộc phải chứng minh khả năng trả nợ, trong khi việc chứng minh này đối với những người có thu nhập thấp tại Việt Nam rất khó. Trong khi đó, nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh của các NH nên chất lượng tín dụng trong những năm tới sẽ được siết chặt, dẫn tới khả năng tiếp cận vốn vay của người thu nhập thấp cũng sẽ hạn chế.

Theo kinh nghiệm trên thế giới, để giúp người thu nhập thấp có thể sở hữu nhà ở, một số nước đã thành lập một tổ chức dành riêng những đối tượng có nhu cầu mua nhà giá thấp. Tổ chức này này sẽ nhận trách nhiệm giám sát việc trả nợ NH, thậm chí đứng ra chịu trách nhiệm với NH về việc trả nợ của cộng đồng.

Song song đó, sẽ kết nối với các doanh nghiệp, nhà tài trợ có năng lực tài chính tốt để đứng ra bảo lãnh cho người vay. Với sự bảo lãnh đó, NH sẽ yên tâm trong cung cấp vốn. Do vậy các cơ quan quản lý nước ta phải tính đến phương án này để tháo gỡ khó khăn cho người thu nhập thấp trong việc sở hữu nhà ở.

Hiện nay, phân khúc giá cao và trung bình của thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng ứ đọng, tồn kho, nhiều doanh nghiệp bắt đầu đổ xô sang phân khúc nhà ở xã hội giá thấp để vừa có thể gỡ khó, vừa được vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Trước tình trạng này, các NHTM đang có sự cân nhắc kỹ trong quá trình xét duyệt cho vay để tránh những hệ lụy về sau. Bởi nếu doanh nghiệp vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng nhưng lại không dùng tiền vay để xây nhà ở xã hội như ký kết mà sử dụng vào mục đích khác, như vậy khi món nợ cũ còn chưa giải quyết được lại phát sinh thêm món nợ mới.

Hoặc trường hợp doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết, sử dụng nguồn vốn vay để xây dựng nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, nhưng khi dự án hoàn thành lại không tiêu thụ được, cũng sẽ góp phần làm gia tăng nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản. Vì vậy, gói 30.000 tỷ đồng dù nóng lòng cũng khó có thể giải ngân như kỳ vọng đặt ra.

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20140213/i-ach-goi-30-000-ty-dong.aspx