Hy vọng 2014!

Các thị trường mới nổi giảm tốc, châu Âu còn ảm đạm, Nhật Bản đang phục hồi, cả hành tinh vẫn phụ thuộc nhiều vào sự chuyển động từ "hai anh cả" Mỹ và Trung Quốc.

Ảnh minh họa.

2013 - một năm nỗ lực vượt qua khó khăn, kinh tế thế giới đã và đang có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn, tuy tăng trưởng chậm nhưng bền vững hơn. Năm 2014, nhiều tổ chức cũng như các chuyên gia kinh tế tại các định chế tài chính hàng đầu thế giới đã nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi từ nửa cuối năm 2013, được đánh giá theo ba trụ cột chính: sự tăng trưởng nhanh hơn của các nền kinh tế phát triển, sự ổn định của các nước mới nổi và tiếp tục các chính sách kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương các nước. Kinh tế thế giới năm 2014 được nhận định sẽ tăng trưởng 3,5%, tốt hơn năm 2013 (2,9%).

Vươn lên trong nghịch cảnh

Lạc quan về triển vọng của năm 2014, nhưng Báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 do Liên Hợp Quốc (LHQ) vừa công bố, vẫn thận trọng nhận định: "Kinh tế toàn cầu đang cải thiện nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro". Đánh giá tổng thể, LHQ cho rằng việc khu vực đồng euro chấm dứt thời kỳ suy thoái kéo dài, kinh tế Mỹ cũng như một số nền kinh tế lớn đang nổi, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, đang hồi phục là những yếu tố kích thích kinh tế thế giới tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo LHQ, thị trường việc làm vẫn ẩn chứa nhiều thách thức và các luồng lưu thông vốn quốc tế đến các nền kinh tế mới nổi chưa ổn định. Đề cập các yếu tố rủi ro có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, LHQ phân tích các hậu quả liên quan đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngừng chương trình cứu trợ kinh tế có thể sẽ dẫn đến việc tăng mạnh lãi suất dài hạn tại các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Việc chấm dứt chương trình này được dự báo sẽ đẩy các thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng các nhà đầu tư bán tháo tài sản thế chấp, ảnh hưởng đến các nguồn đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi.

Bên cạnh đó, còn một loạt yếu tố tiêu cực khác như hệ thống ngân hàng còn yếu, thực lực kinh tế của khu vực Eurozone chưa ổn định, bất đồng nội bộ nước Mỹ về các vấn đề liên quan đến ngân sách và trần nợ. Ngoài ra, những căng thẳng địa chính trị ở Tây Phi và nhiều nơi khác cũng là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro lớn.

Có nhiều điểm tương đồng với dự báo của LHQ, Standard & Poor (S&P) - một trong ba cơ quan có quyền uy nhất về đánh giá kinh tế trên thế giới, cho rằng 2013 là một năm thiếu động lực, thậm chí còn thụt lùi hơn năm 2012, nên năm tới, kinh tế thế giới vẫn đứng trước nhiều nhân tố bất lợi, trong đó có cả việc Trung Quốc tiến hành cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế, nên đầu tư sẽ giảm sút, tăng trưởng GDP chững lại, từ đó tác động không nhỏ tới kinh tế thế giới… Tuy nhiên, theo S&P, bên cạnh đó cũng có những yếu tố có lợi, vì vậy kinh tế thế giới 2014 vẫn có thể vươn lên trong nghịch cảnh, có thể đạt mức 3,6%-3,8%.

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới 2014 mới nhất, EIU - Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro thuộc The Economist (Anh) đã đưa ra con số 3,6% là tăng trưởng GDP toàn thế giới trong năm này. Nếu thành hiện thực, thì đây sẽ là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011.

Chưa có thay đổi về "vai vế"

Với những tính toán của hãng phân tích Breakingviews, trong quá trình phục hồi một cách thận trọng của nền kinh tế thế giới, Mỹ và Trung Quốc sẽ quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014. Sự phụ thuộc vào hai động lực chủ chốt này của thế giới một phần đã phản ánh sự tăng trưởng trì trệ ở những nơi khác. Mặc dù Mỹ chiếm 1/4 sản lượng kinh tế toàn cầu, còn Trung Quốc chiếm chưa đầy 1/10, song hai quốc gia này sẽ tạo ra gần một nửa mức tăng trưởng GDP của cả thế giới trong năm tới.

Sự trở lại của nền kinh tế số 1 thế giới được dự báo với nhiều tín hiệu tích cực. Năm 2013, với tốc độ tăng trưởng đều đặn, 2 triệu việc làm mới đã được tạo ra, tỷ lệ thất nghiệp về mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, quan trọng là niềm tin của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp được cải thiện đáng kể. Trong cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Obama tin tưởng rằng, 2014 sẽ là một năm đột phá của nước Mỹ. EIU dự báo GDP của Mỹ tăng 1,7% năm 2013 và lên mức 2,6% năm 2014.

Nền kinh tế thứ hai sẽ tăng trưởng chậm lại và có thể chỉ đạt mức khoảng 7% trong hai năm 2014 và 2015, nhưng Trung Quốc được cho là một ẩn số lớn, bởi những cải cách mạnh mẽ của nước này được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi lớn, bền vững hơn cho nền kinh tế và từ đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm tới. Nhưng tốc độ ở mỗi quốc gia và khu vực có sự chênh lệch rất lớn. Sự hồi phục của Mỹ đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ đóng góp gần 25% vào tăng trưởng GDP toàn cầu. Mặc dù quyền số của Trung Quốc nhỏ hơn rất nhiều, song với mức tăng trưởng khoảng 7-8% thì sự đóng góp của quốc gia này không thua kém gì so với Mỹ.

Phần của châu Âu trong tổng sản lượng toàn cầu tương đương với của Bắc Mỹ, song lục địa này sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong năm tới. Tương tự, quy mô kinh tế Nhật Bản cũng gần bằng với Trung Quốc, song ngay cả với sự góp sức đắc lực của chương trình Abenomics thì tăng trưởng của Nhật Bản chỉ khoảng 1,4%, tức là đóng góp khoảng 4% cho tăng trưởng của toàn cầu.

Tính toán của Breakingviews cũng cho thấy kinh tế thế giới rất nhạy cảm với những thay đổi về tốc độ tăng trưởng. Bất kỳ khả năng tăng hoặc giảm tốc ở Mỹ sẽ đều có ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới, không chỉ qua thương mại và đầu tư mà còn thông qua những thay đổi trong chính sách in tiền của FED. Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chỉ 6% thì mức đóng góp của quốc gia này vào tăng trưởng toàn cầu sẽ dưới 20%. Nếu châu Âu tăng trưởng mạnh lên mức khoảng 1,8% thì sự đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng thế giới cũng sẽ đạt mức tương tự như vậy (khoảng 1,8%).

Sự năng động của những thị trường mới nổi như Ấn Độ và Brazil tiếp tục thu hút rất nhiều sự quan tâm, nhất là khi FED bắt đầu ngừng chính sách đồng USD rẻ. Nhưng về sự đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn cầu thì công trạng của hai quốc gia này rất nhỏ. Như vậy, tăng trưởng toàn cầu chủ yếu vẫn dựa vào Mỹ và Trung Quốc.

Việt Nam được hưởng lợi

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2014 được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2013, các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam những năm qua như xuất khẩu, FDI, ODA, kiều hối dự báo sẽ tăng. Vì vậy, kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ triển vọng phát triển tốt hơn của kinh tế thế giới.

Hoạt động xuất khẩu sẽ có hai tác động trái chiều. Về mặt tích cực đó là sự hồi phục ở mức độ vừa phải tại các nước phát triển, nhu cầu hàng hóa Việt Nam từ các thị trường này có thể tăng. Hơn nữa, việc Việt Nam tích cực tham gia đàm phán và gia nhập Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước có tham gia Hiệp định này bởi hàng Việt Nam sẽ có lợi thế so với hàng các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan khi chịu mức thuế suất thấp hơn.

Tuy nhiên, TPP cũng tạo ra áp lực cho Việt Nam cần phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến do yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Về mặt tiêu cực đối với xuất khẩu có thể là sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và việc điều chỉnh chính sách, mô hình tăng trưởng của các nước mới nổi (hướng về thúc đẩy tiêu dùng nội địa) khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có thể giảm.

Trong năm 2014, dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng hơn so với 2013, hơn nữa, việc FED vẫn chưa quyết định kế hoạch giảm dần gói kích thích kinh tế QE3 nên dự báo FDI vào Việt nam sẽ tăng. Cùng với việc Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh cũng là một điều kiện thu hút FDI. Việt Nam tích cực tham gia TPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng là một trong những nhân tố khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng.

(Theo Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư & Phát triển - BIDV)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/KinhTe/2013/12/E1D70836C12D7226/