HVG: Thủy sản Việt Nam đang có lợi thế

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) cho biết thủy sản Việt Nam có thể đạt giá trị xuất khẩu trên 4.5 tỷ USD năm nay.

Vượt qua những khó khăn về thị trường trong năm 2009, thủy sản Việt Nam đang có lợi thế để phát triển hơn trước trong năm mới. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) cho biết thủy sản Việt Nam có thể đạt giá trị xuất khẩu trên 4.5 tỷ USD năm nay và đặc biệt ông cũng dành thời gian để chia sẻ thêm về kế hoạch sau khi sáp nhập với CTCP XNK Thủy sản An Giang - Agifish (HOSE: AGF), một doanh nghiệp thủy sản lớn khác cũng đang niêm yết cổ phiếu trên TTCK. Thưa ông, kết quả sản xuất kinh doanh của Hùng Vương trong năm 2009 được xem là rất khả quan dù ngành thủy sản đầu năm bộn bề lo toan? Kết thúc năm 2009, thủy sản Hùng Vương đã vượt qua những khó khăn để hoàn thành tất cả các chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Cụ thể như về tổng doanh số đạt trên 3,100 tỷ đồng, doanh số xuất khẩu đạt trên 145 triệu USD và lợi nhuận trên 357 tỷ đồng sau thuế, trong đó công ty đã trích quỹ dự phòng năm 2010 là 39 tỷ đồng. Quyết định mua vào khối lượng lớn cổ phiếu AGF và nâng tỷ lệ nắm giữ tại Agifish lên 51% (chiếm chi phối) sẽ mang lại sức mạnh như thế nào cho cả 2 trong tương lai? Theo tôi, việc sáp nhập này là hợp lý và phát huy được ưu thế mà hai bên đang sẵn có. Ở đây, Hùng Vương không phải đầu tư xây dựng một nhà máy mới để sản xuất mà có thể tận dụng nhà máy hiện có của Agifish để phát triển. Cả 2 công ty đều có thương hiệu và vị trí đáng kể trong thị trường xuất khẩu cá tra nên thay vì đối đầu thì chúng tôi hợp tác để tăng hiệu quả. Bằng chứng cụ thể cho sức mạnh này là đã thành công trong việc đưa giá cá tra nguyên liệu tăng 1,000 đồng/kg, giá xuất khẩu tăng từ 10-15 cent/kg trong tháng 01/2010. Điều này tạo nhiều thuận lợi cho ngành thủy sản Việt Nam và cho cả người nông dân. Sau khi có số lượng cổ phần chiếm chi phối tại Agifish, trong chương trình năm 2010, Hùng Vương sẽ đẩy mạnh phát triển vùng nuôi tại Đồng Tháp và An Giang để tạo nguồn nguyên liệu ổn định sản xuất cho công ty này. Qua đó đưa Agifish tiếp tục phát triển đối với các thị trường truyền thống như Châu Âu, Úc, Mỹ và phát huy mặt hàng giá trị gia tăng phục vụ cho thị trường nội địa. Thưa ông, nói đến Hùng Vương thì người ta nghĩ đến quy trình sản xuất khép kín từ cung cấp nguyên liệu đến xuất khẩu. Chu trình này sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh trong năm mới? Đúng vậy, chúng tôi đã có kế hoạch lớn với Agifish để phát triển vùng nuôi như đã nói ở trên. Nguồn nguyên liệu của cả 2 công ty vì vậy sẽ cùng ổn định, cân đối cho nhau. Đồng thời trong năm nay, Hùng Vương cũng tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực nuôi trồng với diện tích vùng nuôi lên 400 ha; mở rộng đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất và thức ăn cho gia súc gia cầm. Có nguồn đầu vào tốt, ổn định, quản lý được chất lượng, công ty sẽ đẩy mạnh hơn việc xuất khẩu sang các thị trường truyền thống song song với việc phát triển mạnh thị trường mới như Châu Phi, Trung Mỹ, Nam Mỹ (Brazil, Peru). Ông đánh giá như thế nào về thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 2010 và những lợi thế của ngành? Tôi nghĩ vấn đề thị trường xuất khẩu Việt Nam sẽ tốt hơn so với năm 2009 từ hai lợi thế. Thứ nhất về tôm sú, lợi thế của tôm sú Việt Nam so với sản phẩm trong khu vực là size lớn. Các nước như Thái Lan, Ấn Độ đều có sản phẩm tôm sú nhưng không thể có hàng size lớn như nước ta. Đây là lợi thế của Việt Nam vì hàng size lớn phục vụ chính cho thị trường Mỹ. Thứ hai là về cá tra, cá basa, nhất là sản phẩm cá đánh bắt. Hiện nay thị trường Châu Âu đang hạn chế và giảm dần lượng tiêu thụ cá Alaska Pollock (một loại cá đánh bắt) và chuyển sang cá tra từ Việt Nam. Bên cạnh đó, các quy định mới từ thị trường này về việc quản lý chặt chẽ và hạn chế thủy sản đánh bắt, nhờ đó sản phẩm cá tra nuôi trồng của Việt Nam sẽ có ưu thế trong việc chiếm lĩnh thị trường. Với những lợi thế trên, có thể nói thị trường xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ phát triển hơn so với năm trước rất nhiều và ước đạt giá trị trên 4.5 tỷ USD. Như vậy thủy sản Việt Nam sẽ “vượt cạn” trong năm 2010, thưa ông? Thủy sản Việt Nam có “vượt cạn” được hay không tôi nghĩ còn phải phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước. Hiện nay, ngành thủy sản còn gặp nhiều khó khăn chẳng hạn như lãi suất ngân hàng cao, ảnh hưởng đến giá thành và giảm khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc quản lý và quy hoạch chưa đồng bộ, từ đó ảnh hưởng đến người nông dân. Chính sách cho vay tín dụng cho người nông dân hiện nay còn thắt chặt, các ngân hàng cho vay đối với người nông dân trong ngành còn rất e dè. Điều đó khiến việc tiếp cận tín dụng ngân hàng của người nuôi trồng gặp khó, ảnh hưởng đến vấn đề nguyên liệu phục vụ sản xuất. Hiện tại, nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu cá tra trong 6 tháng đầu năm còn đang thiếu trầm trọng và một số doanh nghiệp chưa chủ động được vùng nuôi, năng suất nuôi và nguồn nguyên liệu. Vấn đề này quyết định rất nhiều đến xuất khẩu cá tra trong năm 2010 và đó là những khó khăn mà ngành phải vượt qua trong năm. Xin cảm ơn ông! Theo Xuân Anh Vietstock

Nguồn CafeF: http://cafef.vn/20100219092315249ca36/hvg-thuy-san-viet-nam-dang-co-loi-the.chn