Huyện Thạch Thất lần đầu tiên đối thoại với Nhân dân: Tháo gỡ nhiều vấn đề dân sinh

Ngày 22/11, huyện Thạch Thất tổ chức hội nghị đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện với gần 300 người dân đại diện cho 11 xã, thị trấn trên địa bàn.

Lần đầu tiên tổ chức đối thoại, nhiều vấn đề trăn trở, tâm tư của người dân đã được lãnh đạo huyện giải đáp thấu đáo, đưa ra biện pháp tháo gỡ.

Nhiều vấn đề trăn trở

Thạch Thất là huyện có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa khá nhanh với nhiều dự án đầu tư xây dựng như Đại học quốc gia, khu công nghệ cao… Đi cùng với những đổi thay về bộ mặt nông thôn là không ít những băn khoăn, trăn trở của người dân địa phương. Do vậy, lần đầu tiên đối thoại với hai lãnh đạo cao nhất của huyện Thạch Thất, nhiều người dân đã thẳng thắn bày tỏ tâm tư của mình, trong đó nhiều câu hỏi liên quan đến tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn. Ông Nguyễn Đức Hạnh, đại diện xã Thạch Hòa chia sẻ, dự án Đại học quốc gia đã có quyết định triển khai từ tháng 7/2003. Qua 13 năm, dự án đã thực hiện kiểm đếm, đền bù GPMB được 70% nhưng đến nay người dân vẫn chưa có đất tái định cư. “Xin hỏi đồng chí Chủ tịch UBND huyện, lỗi này thuộc về ai và đến bao giờ người dân mới có đất tái định cư để ổn định cuộc sống?” – ông Hạnh mạnh dạn đặt vấn đề.

Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn đối thoại với Nhân dân.

Cũng liên quan đến tiến độ triển khai các dự án, đại biểu Bùi Tiến Sơn (xã Tiến Xuân) cho hay, trước khi sáp nhập về huyện Thạch Thất, xã Tiến Xuân được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt 25 dự án, trong đó mới có 5 dự án được triển khai. Khi đó, tỉnh đã quyết định thu hồi 1.200ha đất các loại của hai xã Đông Xuân và Tiến Xuân để xây dựng khu đô thị. Đến nay, đã 8 năm trôi qua nhưng DN được giao đất không triển khai dự án và bồi thường GPMB khiến cho người dân bức xúc và cho rằng đây là dự án “treo”. Đáng nói, vì dự án “treo” này, người dân của 8/18 thôn trên địa bàn xã không được cấp sổ đỏ, dẫn tới việc vay vốn phát triển sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên trả lời câu hỏi của người dân.

Tinh thần của buổi đối thoại diễn ra ngày một “nóng” với rất nhiều vấn đề dân sinh bức xúc được đề cập. Ông Đặng Văn Lập, xã Cần Kiệm chia sẻ, tuyến đê bao hữu Tích trên địa bàn xã xuống cấp nhiều năm nay, qua cơn bão số 2 vừa rồi đã bị nứt trên 100m, phải xử lý khẩn cấp bằng cọc tre và hàng ngàn bao tải đất. Theo ông Lập, ngày nào chưa được cải tạo đường, người dân vẫn còn sống trong lo sợ. Bên cạnh đó, cầu Cần Kiệm bắc qua sông Tích là tuyến đường giao thông liên xã huyết mạch cũng đã được xây dựng từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nay cũng đã quá xuống cấp. Trong hai năm trở lại đây, xảy ra nhiều vụ tai nạn trên cầu mà nguyên nhân phần lớn do cầu yếu và hẹp. “Nhiều lần người dân thấy các đoàn về thăm dò, khảo sát nhưng mấy năm nay vẫn chưa thấy triển khai xây dựng cầu mới” – ông Lập cho hay.

Đối thoại với Nhân dân là cách để phát huy dân chủ, tạo thành sức mạnh tổng lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn

Thẳng thắn giải đáp bức xúc

Bên cạnh những vấn đề trên, đại diện Nhân dân 11 xã, thị trấn của huyện Thạch Thất còn phản ánh nhiều bất cập liên quan đến công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, nước sạch nông thôn, ô nhiễm môi trường và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang… Trước những vấn đề bức xúc của người dân, hai lãnh đạo cao nhất của huyện Thạch Thất đã ghi nhận và lần lượt giải đáp từng câu hỏi với tinh thần đi thẳng vào vấn đề, không né tránh trách nhiệm.

Đối với tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn, ông Trần Đức Nguyên – Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho hay, dự án Đại học quốc gia có tổng diện tích 860ha, đã thu hồi GPMB đạt 75%. Tuy nhiên, do tình hình ngân sách, kinh phí đền bù GPMB gặp nhiều khó khăn, hơn nữa lại qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư nên chưa triển khai được dự án tái định cư cho người dân vùng bị thu hồi đất.

Người dân đối thoại với lãnh đạo huyện Thạch Thất.

Theo ông Nguyên, huyện đã nhiều lần kiến nghị cấp trên và hiện nay dự án tái định cư Đại học quốc gia đã bắt đầu được triển khai. Đối với xã Tiến Xuân, hiện nay phải chờ hoàn thành xong các quy hoạch mới tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Liên quan tới vấn đề giao thông đang trở nên bức xúc ở xã Cần Kiệm, ông Nguyên cho biết, huyện đã báo cáo Sở GTVT lập dự án cầu Cần Kiệm qua sông Tích, đồng thời đang thiết kế một tuyến đường mới để giảm ùn tắc giao thông cho khu vực này.

Đối với vấn đề phát triển sản xuất, lãnh đạo huyện Thạch Thất cho hay, với những nơi có điều kiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi mô hình sản xuất, huyện yêu cầu địa phương phải tích cực thực hiện. Huyện đã có hướng dẫn chuyển đổi sản xuất, do đó đề nghị các xã, HTX tổ chức cho những hộ có điều kiện chuyển đổi theo quy hoạch, trong đó chủ động liên kết với DN để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông dân.

Người dân đối thoại với lãnh đạo huyện Thạch Thất.

Lãnh đạo huyện Thạch Thất cũng đề nghị các HTX tăng thêm nhiều dịch vụ, ngoài các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia. Đối với kiến nghị xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, lãnh đạo huyện Thạch Thất cho biết, huyện đã có kế hoạch đầu tư, song có lộ trình và ưu tiên thực hiện từng bước. Đồng thời, đề nghị các xã kêu gọi toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, thu hút các nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh ở nông thôn.

Trực tiếp giải đáp những vướng mắc của người dân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn đánh giá, việc đối thoại của lãnh đạo huyện với Nhân dân nhằm triển khai tốt nghị quyết của Đảng, chủ trương chính sách của Nhà nước đến với người dân. Đồng thời thông qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời tháo gỡ và tổng hợp được những bất cập, hạn chế, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ huyện tới cơ sở.

Theo báo cáo sơ bộ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Thạch Thất đạt 14,5%. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 252 tỷ đồng, bằng 180,8% dự toán TP giao. Tổng thu ngân sách huyện đạt hơn 1.200 tỷ đồng, bằng 127% dự toán năm. Huyện phấn đấu đến hết năm 2017 hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 100% xã và cơ bản đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/huyen-thach-that-lan-dau-tien-doi-thoai-voi-nhan-dan-thao-go-nhieu-van-de-dan-sinh-273606.html