Huyện Nho Quan (Ninh Bình): Hiệu quả từ mô hình Tích tụ ruộng đất

THCL - Nho Quan là huyện miền núi, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, khí hậu thủy văn tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế, đa dạng cây trồng.

THCL - Nho Quan là huyện miền núi, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, khí hậu thủy văn tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế, đa dạng cây trồng.

Ông Vũ Lâm Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nho Quan (Ninh Bình)

Để thực hiện tốt Đề án tích tụ ruộng đất trên địa bàn huyện theo hướng nâng cao hiệu quả trên diện tích đất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững, địa phương đã chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện công tác tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao với hình thức tiên tiến, bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Hình thức tích tụ: DN thuê đất của nông dân, thời gian thuê từ 5 – 10 năm, thông qua HTX nông nghiệp, chính quyền giám sát, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan. Đơn giá thuê được tính bằng thóc (kg/sào/năm).

Trong quá trình sản xuất, DN ưu tiên sử dụng lao động là người địa phương, những hộ dân có đất cho thuê, giá lao động có mức từ 130.000 – 180.000 đồng/ngày công. Theo đó, huyện đã xác định 10 mô hình mũi nhọn, lợi thế, đặc sản để chỉ đạo, mời gọi DN vào liên kết sản xuất phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn. Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho DN: Mở rộng diện tích tích tụ; có chính sách ưu tiên, hỗ trợ về xây dựng cơ sở hạ tầng vùng tích tụ; tạo điều kiện để DN xây dựng kho bãi, xưởng sơ chế… phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, toàn huyện đã có 8 xã tổ chức tích tụ ruộng đất cho 5 công ty, DN thuê để sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích 200 ha.

Các cây trồng được sản xuất chính như dược liệu, khoai tây, bí, lúa chất lượng cao, khoai sọ… các DN sản xuất đã đưa cơ giới vào các khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch và áp dụng KH-KT vào sản xuất, bước đầu cho kết quả khả quan, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất canh tác truyền thống, như: Khoai tây năng suất 98 tạ/ha/vụ (giá 6.000 đồng/kg), đạt giá trị 58,8 triệu đồng/ha/vụ; khoai sọ năng suất 84 tạ/ha (giá 15.000 đồng/kg), đạt giá trị 126 triệu đồng/ha/vụ…

Doanh nghiệp trồng bí từ diện tích đất tích tụ

Từ hiệu quả cao từ mô hình tích tụ, thời gian tới, huyện Nho Quan tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất; chỉ đạo lựa chọn các vùng để tích tụ thông qua hình thức cho các tổ chức, cá nhân thuê đất để sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng KH&CN, tiên tiến, phấn đấu đến hết năm 2017 đạt 300 ha, năm 2020 đạt 500 ha; kêu gọi thu hút các DN nông nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, thu hút lao động địa phương, ổn định cuộc sống.

Theo ông Vũ Lâm Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nho Quan, địa phương hiện có 3 vùng sinh thái đa dạng: Vùng đồng chiêm trũng, vùng đồi núi cao, vùng bán sơn địa. Mỗi vùng đều có những lợi thế, đặc điểm khác nhau, tùy vào từng vùng, địa phương sẽ lựa chọn canh tác, sản xuất cho phù hợp để đạt hiệu quả.

Ông Đinh Văn Công, Chủ tịch UBND xã Văn Phong (Nho Quan) chia sẻ: “Địa phương hiện có 20,2 ha diện tích đất tích tụ, sau gần 1 năm triển khai mô hình này, người dân rất phấn khởi bởi hiệu quả mang lại. Người dân không phải lo khâu sản xuất, bao tiêu, được nhận sản phẩm 110 kg thóc/sào/năm và vẫn có thể làm thuê cho DN với tiền công 150.000 đồng/ngày. Hiện nay, toàn xã còn khoảng hơn 10 ha đất nông nghiệp đang mời gọi các DN vào hợp tác để sản xuất. Ngoài ra, địa phượng hiện có CCN sản xuất giầy, thu hút khoảng 5.000 lao động, sẽ bảo đảm việc làm cho lao động địa phương khi giao đất cho DN sản xuất”.

Kiên - chinh

Nguồn TH&CL: http://thuonghieucongluan.com.vn/huyen-nho-quan-ninh-binh-hieu-qua-tu-mo-hinh-tich-tu-ruong-dat-a40726.html