Huyện đầu tiên của Kiên Giang đạt chuẩn

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa ký quyết định công nhận huyện Tân Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành mục tiêu quan trọng này.

Dự kiến lễ công bố chính thức sẽ được tỉnh tổ chức vào cuối năm nay.

Phấn đấu 100% xã đạt chuẩn

Tân Hiệp là huyện điểm xây dựng NTM của tỉnh Kiên Giang. Sau thời gian nỗ lực phấn đấu, đến cuối năm 2015, toàn huyện đã có 8/10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đủ điều kiện trở thành huyện NTM (theo quy định là 70% số xã).

Tân Hiệp là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa, rau màu

Tân Hiệp là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa, rau màu

Mặc dù đã đạt chuẩn, nhưng Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Tân Hiệp xác định đây là việc làm lâu dài, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để nâng chất các tiêu chí và tránh bị tụt hậu “nếu chỉ dậm chân tại chỗ”.

Theo đó, đối với các xã đã đạt chuẩn, cần tiếp tục hoàn thiện một số tiêu chí đạt còn yếu như trụ sở gắn với nhà văn hóa ấp, trường học, bảo hiểm y tế, an ninh trật tự, đặc biệt là cảnh quan môi trường...

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng NN – PTNT huyện Tân Hiệp cho biết, song song với việc nâng chất các tiêu chí ở các xã đã được công nhận đạt chuẩn, huyện đang tập trung chỉ đạo 2 xã còn lại sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, phấn đấu 100% số xã của huyện đạt chuẩn.

Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ bản nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng NTM. Trong đó, tập trung cho các lĩnh vực thiết yếu như giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, cống máng, trạm bơm điện, trụ sở văn hóa ấp...

Huyện Tân Hiệp hiện còn 2 xã chưa đạt chuẩn NTM là Tân Thành và Thạnh Trị. Trong đó, Tân Thành đã đạt 16/19 và Thạnh Trị đạt 15/19 tiêu chí. Các địa phương đang tích cực hoàn thành các tiêu chí còn lại.

Tại xã Tân Thành, 3 tiêu chí chưa đạt là thủy lợi, bảo hiểm y tế và môi trường. Trước mắt, xã đã có kế hoạch xây dựng 10 cống bơm để đáp ứng nhu cầu thủy lợi phục vụ sản xuất. Còn bảo hiểm y tế, hiện tỷ lệ người dân tham gia mới đạt 55,6%, sẽ tiếp tục vận động, hỗ trợ để mở rộng đối tượng tham gia.

Về môi trường, xã đang tập trung khắc phục những tồn tại như thu gom tiêu hủy rác thải tại hố rác gia đình và xử lý rác thải ở các chợ và cụm dân cư; chuồng trại chăn nuôi một số nơi chưa đảm bảo tiêu chuẩn về chất thải, nước thải...

Xã Thạnh Trị còn 4 tiêu chí cần nỗ lực hoàn thành là giao thông, trường học, y tế và môi trường. Trong đó, giao thông xây dựng mới đạt 30/110 km đường, ít nhất phải đầu tư xây dựng thêm 25 km nữa để đạt tối thiểu 50% theo quy định.

Về môi trường, cần tuyên truyển để người dân chấm dứt tình trạng xả rác thải ra xung quanh, chuồng trại chăn nuôi cần xây dựng công trình xử lý chất thải, nước thải... Riêng trường học đã nằm trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn 2017, đang chờ sắp xếp mặt bằng xây dựng.

Làm sạch, đẹp môi trường

Người dân Tân Hiệp đang háo hức chờ đón ngày huyện nhà được chính thức công bố trở thành huyện NTM. Song song với việc tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, người dân còn tập trung làm đẹp cảnh quan môi trường bằng việc trồng hoa, cây cảnh trước sân nhà, dọc hai bên đường giao thông. Từ đó, hình thành nên những đoạn đường đẹp rực rỡ sắc hoa.

Những đoạn đường rực rỡ sắc hoa ở xã NTM Tân An

Ban Chỉ đạo xây dựng huyện NTM Tân Hiệp cũng ban hành kế hoạch về việc chỉ đạo tổng vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn nhằm làm sạch, đẹp môi trường sống.

Theo đó, các xã, thị trấn tổ chức ra quân tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện công tác vệ sinh cảnh quan môi trường nông thôn, đô thị, từng bước nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư, thực hiện việc thu dọn rác thải, giữ vệ sinh chung...

Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện 15 phần việc của hộ gia đình cần làm để tránh tụt hậu, trong đó chú trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tham gia bảo hiểm y tế, bảo vệ cảnh quan, xây dựng hố rác gia đình, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự.

Những hộ có điều kiện đầu tư xây dựng hàng rào kiên cố thì những hộ khác chọn giải pháp làm hàng rào cây xanh, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp xanh hóa môi trường.

Ông Lê Quốc Khánh, ở ấp Tân An, xã NTM Tân An cho biết, làm hàng rào trước nhà là 1 trong 15 phần việc được giao cho hộ gia đình thực hiện để góp phần xây dựng NTM. Tùy theo điều kiện mà có thể chọn làm hàng rào kiên cố hoặc bằng cây xanh.

"Tôi chọn làm hàng rào cây xanh vì không tốn nhiều chi phí, chỉ cần chịu khó bỏ công trồng và chăm sóc ban đầu, sau đó vài tháng mới phải cắt tỉa một lần. Đất trống hai bên đường còn tận dụng trồng rau ăn lá, vừa tạo mảng xanh vừa không tốn tiền mua rau ăn hàng ngày”, ông Khánh nói.

Trong chuyến làm việc mới đây về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đánh giá cao những kết quả mà Tân Hiệp đã đạt được, đặc biệt là giữ vững mức tăng trưởng kinh tế khá.

Nhất là sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tốt. Các vụ lúa trong năm đều thắng lợi với năng suất 5,8 - 7,6 tấn/ha, cao nhất tỉnh. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 5.670 tỷ đồng, tăng hơn 2% so cùng kỳ. Giá trị khối lượng xây dựng cơ bản đều đạt và vượt so kế hoạch.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

“Là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, để phát triển bền vững, Tân Hiệp cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh theo đề án đã phê duyệt; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, nhất là năng lực quản trị, góp phần đưa kinh tế tập thể phát triển mạnh hơn nữa, là chỗ dựa cho nông dân. Các cấp chính qyền và nhân dân cần chuẩn bị tốt các điều kiện cho lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tân Hiệp đạt chuẩn NTM sắp tới”, ông Phạm Vũ Hồng chỉ đạo.

Phấn đấu đưa 2 xã sớm về đích

Huyện Tân Hiệp hiện còn 2 xã chưa đạt chuẩn NTM là Tân Thành và Thạnh Trị nằm trong giai đoạn 2016 -2020. Với mục tiêu phấn đấu 100% xã đạt chuẩn, Văn phòng Điều phối NTM của tỉnh đã chỉ đạo và hỗ trợ huyện sớm đưa 2 xã này về đích theo kế hoạch trong năm 2016.

"Tuy nhiên, do một số tiêu chí còn lại liên quan đến xây dựng cơ bản, cần vốn đầu tư lớn và thời gian thực hiện nên không thể làm nhanh được. Điều này phụ thuộc vào vốn ngân sách và sự phối hợp của địa phương trong việc giải phóng mặt bằng thi công”, ông Bùi Trung Phú, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Kiên Giang cho hay.

Đ.T.CHÁNH

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/huyen-dau-tien-cua-kien-giang-dat-chuan-post180512.html