Hủy ngay biện pháp tạm đình chỉ khi thấy không cần thiết

Là một trong những nội dung được quy định tại 4 quy trình thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP) vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành Quyết định số 4988/QĐ-BYT.

Về trưng cầu giám định và lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, trường hợp cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận như theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP thì trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định. Việc trưng cầu giám định được trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ yêu cầu, nội dung, thời gian thực hiện, cơ quan, tổ chức giám định.

Cơ quan, tổ chức giám định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định. Kinh phí trưng cầu giám định do cơ quan tiến hành thanh tra chi trả, trường hợp đối tượng thanh tra có sai phạm thì kinh phí giám định sẽ do đối tượng thanh tra chi trả, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng kinh phí trưng cầu giám định trong hoạt động thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quyết định trưng cầu giám định được thực hiện theo Mẫu số 19/TTr-ATTP; Công văn về việc trưng cầu giám định được thực hiện theo Mẫu số 20/TTr-ATTP ban hành kèm theo Quyết định này.

Trường hợp cần có sự đánh giá về chất lượng, vệ sinh an toàn của thực phẩm thì trưởng đoàn thanh tra quyết định việc lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm. Việc lấy mẫu thực phẩm thực hiện theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 14/2011/TT-BYT ngày 1/4/2011 hướng dẫn chung về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng, vệ sinh ATTP. Trong đó, yêu cầu đối với người lấy mẫu phải là thành viên của đoàn thanh tra; được đào tạo và có chứng chỉ về kỹ thuật lấy mẫu thực phẩm; phải trực tiếp lấy mẫu tại cơ sở hoặc theo chỉ định của đoàn thanh tra; phải tiến hành lập biên bản lấy mẫu, biên bản bàn giao mẫu và dán tem niêm phong theo mẫu quy định.

Chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm để thanh tra ATTP do cơ quan quyết định việc thanh tra chi trả. Căn cứ kết quả kiểm nghiệm, cơ quan ra quyết định thanh tra ATTP kết luận tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về ATTP thì tổ chức, cá nhân đó phải hoàn trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm cho cơ quan tiến hành thanh tra theo quy định tại Điều 48 Luật ATTP.

Trong quá trình thanh tra, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm cần đình chỉ như quy định tại Điều 39 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP (hành vi đang hoặc sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân) thì trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra ra quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm đó; trường hợp cần thiết, kiến nghị người có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm.

Quyết định tạm đình chỉ phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do, nội dung, thời gian tạm đình chỉ, đối tượng có trách nhiệm thực hiện. Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hành vi vi phạm thì người đã ra quyết định tạm đình chỉ phải ra quyết định hủy bỏ ngay biện pháp đó.

Quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm được thực hiện theo Mẫu số 21/TTr-ATTP; quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ việc làm được thực hiện theo Mẫu số 18/TTr-ATTP; kiến nghị đình chỉ hành vi vi phạm được thực hiện theo Mẫu số 22/TTr-ATTP ban hành kèm theo quyết định này.

Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện việc sử dụng trái pháp luật các khoản tiền, đồ vật, giấy phép mà xét thấy cần phải ngăn chặn ngay hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý như quy định tại Điều 40 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP thì trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra ra quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép.

Quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ tiền, đồ vật, giấy phép bị tạm giữ, thời gian tạm giữ, trách nhiệm của người ra quyết định tạm giữ, nghĩa vụ của đối tượng có tiền, đồ vật, giấy phép tạm giữ. Việc tạm giữ phải được lập thành biên bản. Đối với đồ vật, giấy phép xét thấy cần giao cho cơ quan chức năng giữ thì yêu cầu cơ quan đó thực hiện.

Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giữ thì người ra quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép được cấp hoặc sử dụng trái pháp luật phải ra quyết định hủy bỏ ngay biện pháp đó.

Quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép được cấp được thực hiện theo Mẫu số 23/TTr-ATTP; Văn bản yêu cầu được thực hiện theo Mẫu số 24/TTr-ATTP ban hành kèm theo quyết định này.

Khi có căn cứ kết luận tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra như quy định tại Điều 42 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP thì người ra quyết định thanh tra ra quyết định thu hồi. Quyết định thu hồi phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ số tiền, tài sản phải thu hồi, trách nhiệm của cơ quan thực hiện, thời gian thực hiện, trách nhiệm của đối tượng có tiền, tài sản bị thu hồi.

Người ra quyết định thanh tra tiến hành việc thu giữ tiền hoặc tài sản theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu cơ quan có chức năng thu giữ, quản lý tiền, tài sản đó.

Đối tượng có tiền, tài sản bị thu giữ phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định thu hồi; trường hợp không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm chỉnh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người ra quyết định thu hồi tiền, tài sản có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định thu hồi đó.

Quyết định thu hồi tiền được thực hiện theo Mẫu số 25/TTr-ATTP; quyết định thu hồi tài sản được thực hiện theo Mẫu số 26/TTr-ATTP ban hành kèm theo Quyết định này.

B.B.Đ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/huy-ngay-bien-phap-tam-dinh-chi-khi-thay-khong-can-thiet_t114c1160n111293