Huy động vốn ODA chưa gắn kết chặt với hạn mức nợ công

Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết theo các điều ước quốc tế cụ thể thời kỳ 2011 - 2015 đạt trên 27,782 tỷ USD...

Cơ cấu vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết giai đoạn 2011 - 2015 theo nhà tài trợ (Đơn vị: triệu USD) - Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Việc huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa gắn kết chặt chẽ với các hạn mức nợ công, Chính phủ nhìn nhận hạn chế trong báo cáo về công tác quản lý và hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2011 - 2015.

Theo báo cáo, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết theo các điều ước quốc tế cụ thể thời kỳ 2011 - 2015 đạt trên 27,782 tỷ USD, cao hơn 31,47% so với mức của thời kỳ 2006 - 2010. Trong đó, ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi đạt 26,527 tỷ USD, chiếm khoảng 95,48% và ODA viện trợ không hoàn lại đạt 1,254 tỷ USD chiếm khoảng 4,52% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết cho thời kỳ này.

Về cơ cấu, các nhà tài trợ nhóm 6 ngân hàng Phát triển (ADB, AFD, JICA, KfW, KEXIM, WB) vẫn chiếm vị trí vượt trội. Tổng giá trị vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi ký kết với các nhà tài trợ này trong thời kỳ 2011 - 2015 đạt khoảng 26,308 tỷ USD, trong đó vốn vay ưu đãi của ADB, AFD và WB khoảng 4,5 tỷ USD.

Chính phủ đánh giá, giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi có bước đột phá.

Cụ thể, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân thời kỳ này ước đạt 22,325 tỷ USD (bình quân khoảng 4,46 tỷ USD/năm). Mức giải ngân này cao hơn từ 39,53 - 59,46% so với mục tiêu đề ra trong Đề án ODA 2011 - 2015 và cao gấp 1,6 lần tổng vốn ODA giải ngân trong thời kỳ 2006 - 2010.

Trong thời kỳ 2011 - 2015 đã có 904 dự án hoàn thành, trong đó 556 dự án vốn vay và 348 dự án ODA không hoàn lại, Chính phủ cho biết.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, trong những năm gần đây khi nợ công tăng lên Quốc hội rất quan tâm đến hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, nhất là tại các kỳ họp Quốc hội cuối năm để xem xét và thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch ngân sách nhà nước hàng năm.

Đến nay, khung khổ pháp lý về ODA và vốn vay ưu đãi đã cơ bản được hoàn thiện, Chính phủ điều hành quyết liệt đôn đốc các dự án đầu tư trọng điểm, quy mô lớn chậm tiến độ để cải thiện tình hình thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án.

Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá, việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trong 5 năm qua còn tồn tại một số bất cập và hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Một trong só đó là việc huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa gắn kết chặt chẽ với các hạn mức nợ công, việc lập kế hoạch giải ngân vốn không phù hợp với tiến độ thực hiện chương trình, dự án theo các hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ nước ngoài.

Do vậy, số vốn giải ngân thực tế thường cao hơn so với số kế hoạch đưa vào cân đối ngân sách nhà nước dẫn đến tình trạng hết năm phải trình Quốc hội điều chỉnh kế hoạch chi đầu tư phát triển.

Hạn chế tiếp theo là các khoản vay ODA thường đi kèm các điều kiện ràng buộc về mặt chính sách, giới hạn về lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp thiết bị, gián tiếp dẫn đến chi phí vốn vay cao hơn thực tế và làm mất cơ hội tạo việc làm cho các nhà thầu trong nước.

Công tác quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn bất cập, còn có những sai phạm về vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và của nhà tài trợ, gây tác động không tốt đến dư luận xã hội và phần nào ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và một số nhà tài trợ.

Về các giải pháp thời gian tới, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc xây dựng và phân giao kế hoạch vốn nước ngoài.

Cụ thể là cho phép Chính phủ điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài giữa các bộ, ngành và địa phương trên cơ sở tổng mức vốn nước ngoài không vượt quá 10% kế hoạch vốn nước ngoài đã được Quốc hội phê duyệt, và giao Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội số liệu giải ngân thực tế của các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi sau khi kết thúc năm kế hoạch.

Nguyên Vũ

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thoi-su/huy-dong-von-oda-chua-gan-ket-voi-han-muc-no-cong-20161028085212604.htm