Huy động quá sức dân sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Gọi là xây dựng nông thôn mới nhưng nhiều địa phương lại đang chạy theo thành tích, đổ tiền vào xây dựng cơ bản để rồi mắc nợ đầm đìa. Có huyện thuộc tỉnh Bạc Liêu mang nợ tới gần 400 tỉ đồng...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh

53/63 tỉnh thành nợ xây dựng cơ bản

Báo cáo kết quả, Trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, có 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Cụ thể, có 3.637 xã nợ đọng (chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỉ đồng/xã. Tổng số nợ đọng của 15 địa phương có số nợ cao nhất chiếm tới 80,7% tổng số nợ đọng của cả nước.

Các địa phương có số nợ đọng lớn tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước trong đó Đồng bằng sông Hồng chiếm 55,2% số nợ đọng.

Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn đến 31/1/2016 là 7.157,7 tỷ đồng (chiếm 46,9% số nợ đọng cả nước), có 1.147 xã đạt chuẩn (chiếm 62,5%) nợ đọng với mức nợ bình quân khoảng 6,24 tỷ đồng/xã.

Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, số nợ đọng của các địa phương tập trung chủ yếu trong các dự án về giao thông (30,8%); thủy lợi (5,5%); trường học (23,3%); cơ sở vật chất văn hóa (12,7%); các công trình dự án khác (27,7%).

Do đặc thù Chương trình xây dựng nông thôn mới, các công trình, dự án chủ yếu do cấp huyện, xã phê duyệt nên số nợ cũng chủ yếu thuộc trách nhiệm ngân sách cấp huyện, xã, một số xã nông thôn mới còn nợ nguồn chi trả cho việc khen thưởng một số phong trào nông thôn mới.

Về nguyên nhân, báo cáo giám sát đề cập nhiều yếu tố, một phần do biến động thị trường đất đai nên nguồn thu từ đấu giá đất sụt giảm, không đạt như dự tính đã khiến các địa phương không cân đối được nguồn để trả nợ.

Nhưng, nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương trong việc kiểm soát vốn đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, phê duyệt dự án và vận động các doanh nghiệp ứng trước vốn để thi công khi chưa xác định được nguồn vốn để thanh toán.

Một số địa phương phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển quá nhanh, nóng vội, chạy theo thành tích trong khi chưa cân đối được nguồn lực. Mặc dù số nợ đọng này chưa lớn (chiếm 1,8% so với tổng nguồn lực huy động, và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện), tuy nhiên cần sớm có biện pháp xử lý dứt điểm số nợ đọng này.

Trách nhiệm người đứng đầu

Nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới là để đảm bảo phát triển bền vững, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thực sự băn khoăn khi các địa phương mới đua nhau xây dựng công trình, dự án mà chưa đầu tư được cho sản xuất theo hướng tăng chất lượng, tăng giá trị gia tăng. Như thế thì lấy tiền đâu mà trả nợ? Nguồn trả nợ thì chưa nhìn thấy nhưng có địa phương, có xã lại nợ đến hàng trăm tỉ thì thật đáng lo ngại.

Ví như, riêng một huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã nợ tiền xây dựng cơ bản tới 397 tỉ đồng. Hiện các địa phương vẫn hy vọng có thể sử dụng quỹ đất để trả nợ nhưng với tình hình thị trường bất động sản hiện nay thì không dễ để tạo nguồn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề xuất phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với các địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản thì không cho phép triển khai công trình xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ đọng; chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/huy-dong-qua-suc-dan-se-xu-ly-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-post176874.html