Huy động 500 tấn vàng trong dân: Người dân tin nếu...

"Điều căn cơ nhất là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm kích thích người dân tự đưa vàng ra chứ không phải lo lắng cất giữ".

Đó là khẳng định của bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) về đề xuất huy động 500 tấn vàng trong dân để tạo nguồn vốn cho nền kinh tế.

Trên VnExpress, bà Dung khẳng định: "Nếu người dân đã tin tưởng sức bật của thị trường thì họ sẽ tự nguyện rót vốn vào đầu tư phát triển kinh doanh. Đầu tư ở đây không có gì quá to tát mà từ kích thích mua sắm tiêu dùng, rót vào bất động sản, mở rộng sản xuất kinh doanh, thành lập doanh nghiệp...

Mặt khác, nhà nước cần xây dựng sàn giao dịch vàng chuyên nghiệp, phù hợp thông lệ quốc tế, đội ngũ quản trị điều hành có năng lực, đúng kỹ thuật chuyên ngành.

Điều này sẽ giúp thị trường vàng được chuẩn hóa, tập trung, đảm bảo sự lưu thông, dễ giám sát và điều tiết. Đây cũng là kênh thu hút người dân đưa vàng ra giao dịch khi thị trường có sự vận hành minh bạch, cạnh tranh sòng phẳng".

Hơn nữa, theo bà Dung, muốn thu hút vốn từ người dân cần có phương án sử dụng hiệu quả, thực hiện quản trị rủi ro, bảo toàn vốn vàng khi trả lại cho dân, có quỹ đảm bảo cho việc trượt giá...Nếu huy động mà không tính toán kế hoạch kinh doanh cụ thể thì rủi ro sẽ rất cao về lãi suất và giá trị khi giá vàng thay đổi liên tục.

Phải tạo thị trường để người dân tự đem vàng đi đầu tư

Trước đó, trao đổi với báo chí, TS chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho hay: “Vấn đề không phải là huy động vàng trong dân, vấn đề là làm sao để người dân không tập trung vào vàng. Huy động vàng trong dân có thể kéo theo những hệ lụy khác.

Nếu chúng ta cứ trao cho vàng chức năng như một loại tiền tệ hay công cụ tài chính thì có thể sẽ lại quay về tình trạng vàng hóa nền kinh tế”.

Theo TS Vũ Đình Ánh, điều cần làm là tạo ra một môi trường đầu tư để thay vì mua vàng, người dân sẽ đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận, làm tài sản sinh sôi nảy nở thông qua các kênh đầu tư khác.

“Lựa chọn hình thức nào thì lựa chọn, mục tiêu quan trọng vẫn là làm sao để người dân có kênh đầu tư hiệu quả hơn việc tích trữ vàng. Từ đó, họ sẽ không tích trữ vàng mà sử dụng nguồn lực tiền tệ của mình cho các mục tiêu đầu tư, phát triển, sinh lợi kể cả trực tiếp hay gián tiếp”, TS Vũ Đình Ánh nói.

Trong khi đó, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết không ủng hộ với việc huy động vàng.

Ông Hồ cho rằng, nếu chúng ra cố tìm mọi cách huy động, điều này đồng nghĩa với việc đánh mất thành quả bao năm duy trì sự ổn định củathị trường vàng.

"Muốn huy động nguồn lực thì phải bằng cách tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, để người dân tự đầu tư, chứ không cần thông qua ai", ông Hồ nói.

Theo ông Hồ, người ta chưa tin vào thị trường thì sao người ta bỏ vàng ra được. Người ta hiện nay không biết làm cái gì thì người ta mới giữ vàng. Việc huy động đó là điều không thực tế.

Đó cũng là ý kiến của TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính thuộc Học viện Tài chính-Bộ Tài chính.

Ông cho rằng chuyện huy động vàng gần như là rất khó, từ phía người cầm vàng chưa chắc đã thích. Tâm lý nắm giữ vàng của người dân, đặc biệt là ở nông thôn rất khó thay đổi, có những cái thuộc về tập quán. Lãi suất cao hay thấp, giá vàng lên hay xuống người dân vẫn tích, theo thói quen, tập quán. Và để thay đổi điều này không dễ.

Tuệ Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/huy-dong-500-tan-vang-trong-dan-nguoi-dan-tin-neu-3315066/