Hủy án sơ thẩm, điều tra lại vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

(PL&XH) -Trước nghi ngờ của phía gia đình bị hại Lê Xuân Quyền cho rằng, anh Quyền chết là do Đỗ Văn Cường hành hung và đạp xuống sông.

Cuộc ẩu đả gây hậu quả nghiêm trọng

Theo bản án hình sự sơ thẩm số 08/2012/HSST ngày 24-2-2012 của TAND tỉnh Thanh Hóa cho thấy, vào khoảng 10h, ngày 25-1-2010, Dương Văn Hà, SN 1963, ở thôn 4, xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã lấy chiếc thuyền (đò) của ông Lê Quang Vinh, ở xã Thiệu Thịnh, Thiệu Hóa và đi gọi thêm nhiều người ở xã Thiệu Thịnh lên đò.

Trước khi lên đò, Hà đã chuẩn bị nhiều gạch, đá và gậy gộc để đuổi các thuyền được cho là hút cát trái phép ngoài khu vực sông Mã, thuộc địa bàn xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa. Các thuyền hút cát ở khu vực trên tưởng đây là đò chở đoàn kiểm tra liên ngành nên nổ máy chạy khỏi khu vực trên. Riêng thuyền của anh Nguyễn Văn Phước, ở xã Hà Phú, huyện Hà Trung bị chết máy nên đã bị Hà và một số người dân đi cùng lấy thuyền của anh Phước và đưa anh Phước đi.

Sau khi phát hiện được thuyền anh Phước bị bắt giữ trái phép, nhóm người trên thuyền hút cát vừa bỏ chạy đã hô hoán nhau quay lại để lấy lại thuyền của anh Phước mà Hà đã bắt đi. Nhóm người (khoảng 20 người) đi trên thuyền của anh Nguyễn Văn Ninh, SN 1980, ở xã Hà Sơn, huyện Hà Trung và thuyền nhỏ của anh Đỗ Văn Cường, SN 1978, ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đuổi theo giúp anh Phước lấy lại thuyền và đưa anh Phước về.

Khi hai thuyền trên cách thuyền của Dương Văn Hà chừng 5-10m thì bị nhóm người đi trên thuyền mà Dương Văn Hà đã lấy của ông Vinh ném đá, gạch, gậy về phía thuyền của Ninh và Cường. Bị người trên thuyền của Hà tấn công, hai thuyền này đã áp sát vào mạn thuyền của Hà. Liền sẵn có một số vật dụng dùng trong việc khai thác cát (cuốc, xẻng, gậy), Phạm Văn Bảo, SN 1974, và Phạm Văn Minh, SN 1985, đều ở xã Hà Phú, huyện Hà Trung và một số người khác có mặt trên hai thuyền trên ném những vật dụng trên về phía thuyền của Hà và những người dân đang có mặt trên thuyền của Hà.

Nguyễn Văn Công, SN 1984, ở xã Định Công, huyện Yên Định đã nhảy sang phía thuyền của Hà và dùng dây buộc neo buộc vào thuyền của Hà, tạo thành sự kết nối liền nhau giữa các thuyền với nhau. Đỗ Văn Cường cầm một cái xẻng xúc cát đứng ở phía bên mạn thuyền của anh Ninh để đỡ và né tránh sự tấn công bằng gạch, đá, gậy gộc mà nhóm người đang đứng trên thuyền của ông Vinh (mà Hà đã lấy) tấn công. Khi nghe tin Công bị đánh ở bến đò Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa thì Cường chạy đến để hỗ trợ cho Công. Lúc đó, nhiều người bên phía thuyền của Hà cũng bị ném, đánh và họ đã nhảy xuống sông.

Hậu quả từ vụ ẩu đả trên khiến 3 người chết đuối và 2 người bị thương.

Vì sao Dương Văn Hà (áo trắng đứng) vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật? Ảnh: Trần Đại

Cố tình bỏ lọt tội phạm?

Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo phạm tội là do Dương Văn Hà đã chuẩn bị các loại hung khí (gạch, đá, gậy) và đưa nhiều người dân lên đò của ông Vinh, mặc dù chủ đò là ông Vinh không đồng ý đưa Hà và nhóm người trên ra sông để cướp thuyền của những đối tượng đang khai thác cát trái phép trên sông Mã. Bản thân Đỗ Văn Cường cũng là một trong những người "bị hạn chế khả năng nhận thức". Hơn nữa, phía các bị cáo đã bị bắt giữ người và thuyền, lại bị tấn công trước, đó là những tình tiết mà ông Đính cho rằng bị cáo được xem xét giảm nhẹ hình phạt trong quá trình lượng hình. "Còn hành vi của Dương Văn Hà là trái pháp luật, làm cho các bị cáo bị kích động về tinh thần mà dẫn đến phạm tội. Việc Dương Văn Hà và một số đối tượng khác của xã Thiệu Thịnh dùng sức ép đông người để chiếm đoạt đò của ông Lê Quang Vinh đi gây án cũng có nhiều dấu hiệu của tội phạm. Nhưng, CQĐT và VKS không khởi tố, truy tố là bỏ lọt tội phạm"- trích bản án số 08/2012/HSST của TAND tỉnh Thanh Hóa.

Hủy án sơ thẩm

Sáng ngày 27-7, HĐXX TAND Tối cao đã mở phiên tòa xử phúc thẩm vụ án này. Tại phiên tòa, các bị cáo đều khẳng định Dương Văn Hà chính là đối tượng cầm đầu vụ việc, có lôi kéo người dân Thiệu Thịnh vào vòng lao lý nhưng tại sao lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Trước nghi ngờ của phía gia đình bị hại Lê Xuân Quyền cho rằng, anh Quyền chết là do Đỗ Văn Cường hành hung và đạp xuống sông. Tuy nhiên, tại phần tranh luận, phía bị hại và những người có mặt tại tòa đã không chứng minh được hành vi phạm tội của Đỗ Văn Cường. Phía bị cáo Cường cũng cho rằng, các bị cáo đã tích cực cứu vớt một số người dân khi ngã xuống sông và không hành hung anh Quyền. Cũng theo Chủ tọa phiên tòa, đa phần các bị cáo đều là những người dân có lai lịch rõ ràng, phạm tội lần đầu.

Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS ND Tối cao đã kiến nghị HĐXX hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 08-2012/HSST ngày 24-2-2012 của TAND tỉnh Thanh Hóa để điều tra lại vụ án từ đầu. Cũng theo đại diện VKS ND Tối cao, mấu chốt quan trọng nhất của vụ án là cơ quan tố tụng Thanh Hóa đã quyết định hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 08-2012/HSST, trả hồ sơ vụ án để điều tra lại từ đầu.

Ở một diễn biến liên quan khác, trước đó, ngày 22-8-2010, báo PL&XH đã có bài viết về "Kẻ chủ mưu ngoài vòng pháp luật" phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép dẫn đến ẩu đả khiến 3 người dân bị chết. Bài viết có đề cập đến đối tượng được CQ CA cho là kẻ chủ mưu của vụ án vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Ở thời điểm trên, ông Bùi Đại Trí, Trưởng CA huyện Thiệu Hóa cho rằng, Dương Văn Hà là người tham gia trực tiếp trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhưng VKSND huyện Thiệu Hóa vẫn chưa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Dương Văn Hà.

Trần Đại

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2012072909202881p1002c1019/huy-an-so-tham-dieu-tra-lai-vi-co-dau-hieu-bo-lot-toi-pham.htm