Hụt thu từ doanh nghiệp nhà nước gây áp lực cho ngân sách

Thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng nguồn thu từ DNNN sụt giảm nghiêm trọng ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS), dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 6 tháng là 1.014,5 nghìn tỷ đồng, số thực hiện ước 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán.

Nguồn thu từ dầu khí giảm mạnh trong nửa đầu năm 2016 Ảnh: Minh Hoàng

Cu thể, thu nội địa ước đạt 383,2 nghìn tỷ đồng, bằng 48,8% dự toán, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 53,8% dự toán, tăng 22,9% so với cùng kỳ; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,1% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân đạt 56,1% dự toán, tăng 16,8% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất đạt 75,2% dự toán, tăng 34,2% so với cùng kỳ...

Tuy nhiên tổng thu ngân sách vẫn thấp nhất trong 2 năm qua chủ yếu là hụt thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo Ủy ban TCNS, số thu từ khu vực DNNN chỉ đạt 94,5% so với cùng kỳ năm 2015 là chưa hợp lý. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí khó khăn, ảnh hưởng của giá dầu, khí giảm.

Cụ thể, số thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ đạt 36,4% dự toán, giảm 60% (giảm khoảng 9,3 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ năm 2015; số thu từ Tổng công ty Khí chỉ đạt 19,1% dự toán, giảm 75% (giảm 1,4 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ năm 2015; thu từ Cụm khí - điện - đạm Cà Mau chỉ đạt 30% dự toán, giảm khoảng 280 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2015...

Trong khi đó, các doanh nghiệp thủy điện bị ảnh hưởng của tình hình thời tiết bất thường, hạn hán nghiêm trọng; các doanh nghiệp than, khoáng sản bị ảnh hưởng do giá bán giảm, chi phí sản xuất tăng cao; đồng thời, số thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại phát sinh thấp. Từ đó dẫn đến thực hiện thu 6 tháng ước đạt 26,9% dự toán, bằng 81,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Tiến độ tái cơ cấu DNNN những tháng đầu năm 2016 còn chậm. Trong 6 tháng đầu năm 2016, có 39 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa (trong đó có 6 tổng công ty), giá trị phần vốn nhà nước thực tế tại doanh nghiệp là 21,63 nghìn tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa, Nhà nước sẽ nắm giữ 9,89 nghìn tỷ đồng, phần vốn bán cho nhà đầu tư chiến lược, người lao động và đấu giá công khai khoảng 11,18 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các đơn vị đã thoái vốn được 2,3 nghìn tỷ đồng, thu về 4,49 nghìn tỷ đồng, trong đó các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn được 1,3 nghìn tỷ đồng, thu về 1,6 nghìn tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán khoảng 1 nghìn tỷ đồng, thu về 2,88 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến hết tháng 6/2016 mới thực hiện thu vào NSNN được 10.000 tỷ đồng trong tổng số 30.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp theo Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 của Quốc hội, chủ yếu là từ nguồn dư quỹ các năm trước.

Bình Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hut-thu-tu-doanh-nghiep-nha-nuoc-gay-ap-luc-cho-ngan-sach-post669003.html