Hướng tới tạo sinh kế bền vững

Chiều 22/3, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã có cuộc làm việc với UBND huyện Ba Vì về công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi (DTTSMN) trên địa bàn huyện.

Hiệu quả từ nguồn đầu tư lớn

Được sự quan tâm của T.Ư, TP Hà Nội, các chính sách DT được triển khai kịp thời, có hiệu quả đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn 7 xã vùng DTTSMN huyện Ba Vì. Kinh tế của 7 xã miền núi năm 2016 tăng trưởng khá, đạt bình quân trên 12%. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình của 7 xã tính đến hết năm 2016 còn khoảng 10,2%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 23 triệu đồng/năm… Đến nay, trong số 7 xã vùng DTTSMN có 3 xã đã đạt từ 15/19 tiêu chí NTM trở lên gồm: Ba Trại, Khánh Thượng, Vân Hòa. 3 xã đạt từ 12 - 15 tiêu chí. Còn nhiều khó khăn nhất là xã Ba Vì, hiện mới đạt 8/19 tiêu chí.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thăm khu sản xuất chè tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì). Ảnh: Trọng Tùng

Ông Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, đổi thay tại 7 xã vùng DTTSMN có được là nhờ sự quan tâm, đầu tư lớn của T.Ư, TP Hà Nội. Chỉ tính riêng trong năm 2016, vùng DTTSMN của huyện được TP đầu tư trên 341 tỷ đồng triển khai xây dựng 66 dự án thuộc nhiều lĩnh vực trọng yếu như giao thông, y tế, giáo dục… Trong năm 2017, huyện tiếp tục được bố trí nguồn vốn khoảng 200 tỷ đồng triển khai nâng cấp hạ tầng theo Kế hoạch số 138 đã được TP phê duyệt.

Trong 2 năm 2015 - 2016, các quận nội đô đã hỗ trợ Ba Vì trên 82 tỷ đồng xây dựng 41 nhà văn hóa thôn, góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí văn hóa trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Huyện đang phấn đấu đưa xã Ba Trại về đích xây dựng NTM trong năm 2017.

Chỉ nâng cấp hạ tầng là chưa đủ

Theo ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc TP, tính đến tháng 3/2017, trong số 14 xã vùng DTTSMN của Hà Nội đã có 4 xã về đích NTM, 2 xã cơ bản đạt và 8 xã chưa đạt. Những năm qua, TP đã ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng DTTSMN. Dù vậy, để các xã vùng DTTSMN có thể về đích vẫn sẽ là bài toán lâu dài, đòi hỏi sự hỗ trợ lớn từ T.Ư, TP.

Đánh giá cao kết quả của Hà Nội trong nỗ lực đổi thay diện mạo vùng DTTSMN, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, công cuộc xây dựng NTM đang được Chính phủ tập trung thúc đẩy. Đối với vùng DTTSMN, nhiệm vụ này thậm chí còn khó khăn hơn rất nhiều. Cũng giống như nhiều xã vùng DTTS miền núi cả nước, bài toán nâng cao đời sống cho đồng bào vẫn là khó nhất. “Khó nhất, nhưng luôn là vấn đề cần được tập trung nhất. Bởi chỉ nâng cấp hạ tầng thôi là chưa đủ…” - Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Để phát triển toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng DTTSMN, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đề nghị TP Hà Nội bên cạnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách DT của T.Ư, cần quan tâm, bố trí linh hoạt nguồn vốn phục vụ nâng cấp hạ tầng, làm tiền đề cho phát triển sản xuất. Thu hút nhiều hơn đầu tư từ các tổ chức, DN nhằm đẩy mạnh các ngành nghề chế biến đặc sản như sữa, chè, gà đồi… Đồng thời đề xuất, các xã vùng DTTSMN của Hà Nội nên nghiên cứu, sớm thành lập các quỹ tín dụng Nhân dân, làm cơ sở để đồng bào tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn vay nhằm thúc đẩy sản xuất hộ gia đình…

Thực hiện Kế hoạch số 166 trong giai đoạn 2012 - 2015, tổng mức kinh phí TP đầu tư cho các xã vùng DTTSMN là trên 1.327 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP tiếp tục bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng triển khai Kế hoạch số 138 về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTSMN của Thủ đô.

Trưởng ban Dân tộc TP Nguyễn Tất Vinh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/huong-toi-tao-sinh-ke-ben-vung-283656.html