Hướng tới kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2016): Ký ức người lính thủy

Giữa những ngày này, cả nước, đang sôi nổi dấy lên nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh – liệt sỹ

(ngày 27/7/1947 – 27/7/2016), chúng tôi tìm đến một sỹ quan của Đoàn tàu không số năm xưa để hiểu thêm về sự hy sinh cao cả của những người một thời đã có công góp phần làm nên sự nghiệp cạch mạng vẻ vang của dân tộc.

Ý chí anh hùng

Theo hướng dẫn của Hội CCB tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi đã có chuyến hành trình về Thị trấn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), quê hương của Đại úy Nguyễn Xuân Cừ, từng là thủy thủ của đoàn tàu không số, một thời lênh đênh trên biển cả cùng đồng đội cống hiến tuổi xuân của mình cho Tổ quốc.

Xuyên trong nắng chiều, theo quốc lộ 1A hướng vào Nam, cách Thành phố Hà Tĩnh chưa đầy 15 km, không gian sầm uất của Thị trấn Cẩm Xuyên mở ra trong tầm mắt chúng tôi với khung cảnh nhộn nhịp, căng tràn sức sống mới. Nằm khuất tuyến sau mặt đường phố thị, ngôi nhà cấp 4 của bác Nguyễn Xuân Cừ nằm chếch theo hướng Đông Nam thuộc khu phố 12 của Thị trấn Cẩm Xuyên. Bác Cừ ra đón chúng tôi phía đầu ngõ phố với tình cảm thân thiện và cởi mở vốn có của người lính.

Vợ chồng bác Cừ đang lần tìm kỷ niệm trong từng trang nhật ký hành trình đi biển của đoàn tàu không số.

Quê gốc Cẩm Nhượng, bác Nguyễn Xuân Cừ sinh năm 1944, nhập ngũ ngày 19/2/1961, là cán bộ quân đội nghỉ hưu 1986. Trong suốt thời gian hơn 25 năm quân ngũ người, lính thủy xứ Nghệ đã cùng với đoàn tàu không số thực hiện nhiều chuyến hành trình xuyên biển đại dương, vận chuyển tiếp viện hàng ngàn tấn khí tài, quân lương phục vụ cho chiến trường miền Nam.

Những kỷ niệm của một thời bôn ba, lênh đênh trên đại dương sóng biếc điệp trùng với biết bao chuyến xuất hành phải làm lễ truy điệu sống, đến nay vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người lính thủy đoàn tàu không số. Hướng mặt về phía biển Đông, bác Cừ bỗng trở nên trầm lắng trong giây lát, không giấu nổi cảm xúc: “Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng đội của mình không ít người đã hóa thành những “cột mốc” bảo vệ Tổ quốc từ phía khơi xa”. Lau ngấn lệ cảm xúc lăn trên gò má hao gầy, những mẩu chuyện kể ly kỳ và hấp dẫn một thời cứ tuôn, tuôn trào về trong ký ức người lính, nghe như đang phảng phất đâu đây âm vọng hào hùng của những đoàn quân ra trận.

Ngày đầu nhập ngũ, ngay sau khóa huấn luyện cấp tốc, bác Cừ được biên chế thẳng về công tác tại tàu 55 thuộc đoàn tàu không số của bộ đội hải quân, đảm nhiệm công tác tiếp vận cho chiến trường miền Nam theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Với ông, cuộc đời đi biển hết sức gian nan, nhưng cam go nhất của đoàn tàu 55 là chuyến đi chuyên chở vũ khí và các cán bộ trung, cao cấp, trong đó có Thượng tá Nguyễn Thế Bôn vào Nam công tác. Hồi đó, cả 16 thành viên đi trên tàu bí số 55 đều được làm lễ truy điệu sống trước lúc xuất hành.

Ngày17/2/65, tàu 55 xuất phát tại cảng K15 Đồ Sơn Hải Phòng, đến 4 giờ sáng ngày 24/2, trong khi tàu đang vào bến cửa biển Bến Tre thì bị địch phát hiện và chúng bắn xối xả vào tàu ta. Anh em trên tàu nổ súng đánh trả rất quyết liệt và chấp hành lệnh thuyền trưởng Phan Vinh, bác Cừ đã cầm lái luồn lách trong làn đạn quyết tâm đưa tàu vào bến. Trong trận đánh đó, bác Cừ không may bị thương ở cổ tay trái, đầu gối trái và mang tai phải những vẫn bám chặt vành lái đưa tàu cập bến an toàn. Chuyển giao xong hàng cho bộ đội, bác Cừ được đơn vị chuyển ra Bắc điều trị cứu thương tại trạm xá Hải quân (Hải Phòng).

Sau khi ra viện, bác Cừ xung phong trở lại nhận nhiệm vụ tại tàu 56 thuộc đoàn 125 và đã cùng các thủy thủ thuyền viên của tàu đưa thành công rất nhiều chuyến tiếp vận quân khí vào Bà Rịa Vũng Tàu. Trong đó, chuyến đi ngày 17/5/1970, tàu 56 của bác nhân nhiệm vụ chở hơn 100 tấn khí tài vào Vũng Tàu là một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất. Trên đường đi, do địch kiểm soát gắt gao, tàu bác bị bám đuôi buộc phải di chuyển dọc theo hải phận quốc tế, đúng 18 giờ 45 phút tàu vào thả neo tại đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa đến khuya mới đi tiếp và cuối cùng bác vẫn đưa tàu 56 cập bến Bà Rịa Vũng Tàu an toàn. Tổng cộng trong năm 70, Đoàn 125 đã tổ chức 15 chuyến đi vận chuyển khí tài vào Nam. Nhưng do máy bay, tàu chiến của Mỹ bắn phá quyết liệt quá, ta đã chủ động hủy tàu không để địch bắt nên chỉ có 5 chuyến hàng vào được bến, trong đó có tàu 56 của bác.

Chiến công hiển hách

Đoàn tàu không số thật lắm gian nan nhưng rất đổi tự hào, nhưng ý chí, mưu mẹo và bản lĩnh của người lính thủy QĐND Việt Nam anh hùng đã chiến thắng.

Trong đó, phải kể đến chuyến tiếp vận 30/7/1970, tàu 56 do thuyền trưởng Dương Tấn Kịch làm thuyền trưởng, bác Cừ là thủy thủ chỉ huy chiến đấu mặt boong nhận lệnh chở 100 tấn khí tài cho bội đội ta ở Bà Rịa (Vũng Tàu). Khi mang hàng vào rất thuận lợi, chưa đầy một tuần hành quân, tàu đã cập bến an toàn. Tuy nhiên, khi đưa tàu trở ra thì ta lại gặp muôn vàn bất trắc. Đầu tiên trên đường ra Bắc, tàu 56 gặp phải 2 khu trục hạm (hạm đội 7 Mỹ) đánh Móc phát lệnh hỏi “Tàu anh là ai”? Và chúng đề nghị tàu dừng lại kiểm tra, lục soát gắt gao. Nhờ ta làm tốt công tác ngụy trang, đánh lừa địch, không phát hiện được gì chúng nó phải bỏ đi. Tàu 56 tiếp tục hành trình ra đến Đà Nẵng lại gặp 3 tàu khu trục hạm ở quân cảng Đà Nẵng lao ra bao vây. Tàu địch di chuyển theo địa hình khi thì con én, khi thì theo đội hình bậc thang cứ bám đuôi theo dõi tàu 56 đến khoảng hơn 30 phút mới chịu buông. Ra đến Huế, tàu 56 tiếp tục gặp tàu khu trục tuần tiều của Hạm đội 7 bám theo về đến tận đảo Hải Nam (Trung Quốc), mới chịu quay lại Huế.

Điểm lại đời lính thủy từ 1964 đến đầu 1972, hoạt động trên đoàn tàu không số, không chỉ phải gồng mình chống chọi với quân thù với giông tố, phong ba, với bác Cừ còn có những chuyến lênh đênh trên biển ba bốn ngày đêm không có cơm ăn, nước uống. Anh em đồng đội phải dùng dây neo buộc chặt vào tay nhau sống cùng sống, chết cùng chết. Đó là chuyến tàu tháng 10/1972, do gặp phải tố bão, sóng to, gió lớn, anh em gồng mình chống bão, bác Cừ và thuyền phó Nguyễn văn Danh (quê ở miền Nam) phải chui xuống khoang nấu cơn cho anh em, song cứ đỏ gạo vào nồi thì sóng hất ra, bác Cừ đã xử trí bằng cách dùng dải băng cứu thương cá nhân trùm lên mặt nồi sau đó mới đổ nước, nấu khoảng 1 tiếng đồng hồ nhưng cơm cũng không thành cơm và cháo cũng chẳng thành cháo nhưng anh em trên tàu vẫn mừng và tự động viên nhau cố gắng ăn để trụ với giông tố.

Đời thường của CCB Đoàn tàu không số Nguyễn Xuân Cừ

Hơn 26 năm liên tục trong cuộc đời quân ngũ của bác Cừ luôn gắn bó với sóng nước biển Đông, góp phần làm nên chiến thắng của đoàn tàu không số. Năm 1986 rời quân ngũ, trở về với đời thường bên gia đình tổ ấm gia đình nhưng sức khỏe bác luôn gặp khó khăn khi trái gió trở trời do những mảnh đạn đang nằm trong vết thương, tái phát. Bác Cừ có 3 người con, ( 2 trai, một gái), trong đó hai người con trai của bác từng là chiến sĩ Hải quân, nay đã có gia đình. Vừa qua, được sự quan tâm của nhà nước, bác Cừ đã được làm chế độ giám định lại thương tật để công nhận thương binh.

Câu chuyện của người lính thủy đoàn tàu không số kết thúc, cũng là thời khắc mặt trời sắp gác núi. Trước lúc chia tay, bác Cừ đọc tặng chúng tôi Lời Di huấn của Bác Hồ gửi bộ đội Hải quân: “Ngày xưa ta chỉ có rừng, có đêm. Ngày nay ta có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, giàu tài nguyên, chúng ta hãy giữ gìn lấy nó, giữ gìn chủ quyền của Tổ quốc thiêng liêng ”.

Vâng! Thưa Bác, cả dân tộc Việt Nam và đặc biệt là những người lính canh biển luôn hiểu sâu sắc điều đó!

Quang Sáng

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ky-uc-nguoi-linh-thuy/