Hương quê

Trong mỗi người chúng ta, ai cũng có một quê hương để thương, để nhớ, để khi đi xa mà chợt nhớ về. Tôi cũng có một quê hương như thế, nơi gắn liền với những tháng ngày hồn nhiên tung tăng đùa giỡn. Có dòng sông êm đềm lững lờ con nước, có hàng bần xanh soi bóng nghiêng nghiêng…

Nhớ những ngày còn thơ, đám con nít trong xóm chúng tôi đâu hiểu thế nào gọi là cái vị ngọt của quê hương. Mà chỉ biết nơi mình sinh ra và lớn lên phía trước nhà có dòng sông để mỗi chiều tụ năm tụ bảy mà tắm, mà vui đùa đủ các trò của tuổi con nít. Đám con trai chúng tôi thích chơi những trò cảm giác mạnh. Đợi nước lớn đầy sông là rủ nhau trèo lên tuốt trên ngọn cây bần rồi phóng cái đùng xuống nước, chìm mất đầu mất đuôi một hồi mới nổi lên. Chỉ có như vậy, mà đứa nào cũng thích.

Nếu không tắm sông thì đăm chén muối ớt hoặc chén mắm đồng rồi rủ nhau đi hái những trái bần dốt để ăn. Hôm nào lỡ tay đăm ớt vào chén muối nhiều quá thì vừa ăn vứa hít hà hít hà nhưng vẫn phải chắm, vì trái bần dốt mà ăn không thì rất là chua.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Con sông trước cửa nhà tôi vẫn mỗi ngày dòng nước một lớn, mang phù sa bồi đắp cho cây bần ngày một lấn ra sông. Chiều chiều, ra đứng phía bờ đê, gió từ phía sông thổi về man mác. Những bông hoa bần tim tím nở xòe, khi gió thoảng qua từng cánh thi nhau rơi xuống rồi cuốn trôi theo dòng nước. Thỉnh thoảng lại nghe những trái bần chín rớt lủm bủm xuống sông, một âm thanh rất đỗi thân quen và gần gũi với những ai là người sống ở xứ cù lao.

Thật không lắm lời khi nói trái bần chua cũng là một “đặc sản” của quê tôi. Vì trái bần mà đem nấu canh chua cùng con cá bống sao hay cá bông lao thì khó món nào ngon hơn được. Nhưng cá bông lao là thứ cá ngon quí hiếm và chỉ có theo mùa. Còn con cá bống sao thì ở quê tôi nhiều lắm và có quanh năm. Khi rảnh rỗi, chỉ cần xuống bãi sông lội một lúc là đã có được một nồi canh chua ngọt, ngon và bổ dưỡng. Còn bần chua thì chỉ cần lượm từ hai hoặc ba trái là đủ cho nồi canh rồi.

Ai đã từng đến cù lao quê tôi mà chưa từng thưởng thức món canh chua bần nấu với cá bống sao thì cũng xem như chưa đến. Có lẽ chính vì vậy mà những người bạn của tôi ở nơi xa mỗi lần có dịp đến với Cù Lao Dung là gọi điên bắt tôi phải đi kiếm cho bằng được cá bống sao nấu canh chua bần để tiếp đãi. Với tôi, con cá bống sao và trái bần chua từ lâu đã trở thành một hương vị đặc trưng của xứ sở quê mình.

Cũng có những khi tôi làm kẻ xa quê vì hoàn cảnh cuộc sống. Ở xứ người, mới hiểu hết thế nào là nỗi da diết nhớ quê. Và khi ấy, hình ảnh dòng sông, hàng bần, con đê phía trước nhà lại hiện hữu trong tôi. Trong những bộn bề vất vả lo toan thì giây phút lắng lòng tôi lại thèm những buổi chiều nhàn nhã nơi bến sông quê, được ngắm nhìn từng chùm bông bần nở tím. Và đâu đó mùi thoảng thơm của những trái bần chín trên cây, chờ cơn gió thổi qua là buông mình về cội. Để những cây bần con tiếp tục mọc lên để duy trì màu xanh bờ bãi đất cù lao.

Bây giờ, dẫu có đi bất cứ nơi đâu thì trong tôi cũng hiện diện hình ảnh của quê hương. Nơi ấy có màu xanh của cây bần, có mùi vị của trái bần cho nồi canh chua thêm hương vị khi nấu cùng con cá bống sao. Cái mùi vị tuy dân dã ấy nhưng cũng đủ cho tôi không đánh mất quê hương ruột thịt của mình.

Lê Văn Trường (Sóc Trăng)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/huong-que-50758.html