Hướng đi nào cho du lịch làng nghề

Phát triển du lịch làng nghề là một trong những hướng đi được ngành du lịch đặt ra từ lâu.

Nhiều giải pháp được đặt ra, trong đó có cả trách nhiệm của các cấp quản lý và cả những làng nghề. Với các giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, thương mại, làng nghề truyền thống của Việt Nam có thể trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nếu được đầu tư đúng hướng.

Các bạn trẻ quốc tế được giới thiệu về lịch sử nghề gốm truyền thống của Việt Nam tại làng nghề Bát Tràng (Hà Nội)

Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, để thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển thì các làng nghề cần đầu tư bài bản từ cơ sở hạ tầng đến nguồn nhân lực. Trước hết, mỗi người thợ thủ công phải có kiến thức về lịch sử làng nghề để giới thiệu tới khách tham quan có tay nghề vững vàng để tạo nên những sản phẩm tinh xảo, được du khách ưa thích. Các làng nghề cần tạo một không gian văn hóa hấp dẫn, tổ chức khu vực trải nghiệm làm nghề để khách tham gia vào một công đoạn sản xuất.

Việc phát triển du lịch làng nghề truyền thống Việt Nam tạo nên một cái nhìn đúng đắn của Nhà nước, về làng, về nghề và làng nghề truyền thống của Việt Nam. Những làng nghề truyền thống như Bát Tràng, Vạn Phúc và nhiều làng nghề khác của Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã và đang trở thành những điểm du lịch hấp dẫn. Các sản phẩm xuất khẩu của các làng nghề truyền thống không chỉ là quà tặng, hàng lưu niệm của du lịch mà còn quảng bá nền văn hóa dân tộc Việt Nam đối với Thế giới và bạn bè quốc tế.

Tại Hà Nội, nơi tập trung làng nghề nhiều nhất cả nước, thành phố đang triển khai thí điểm dự án đầu tư, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch tạo làng gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc làm cơ sở nhân rộng mô hình đối với các làng nghề truyền thống tiêu biểu khác.

Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại hai làng nghề này. Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định: thời gian tới, Sở sẽ mời chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu mẫu sản phẩm làng nghề để sản xuất theo nhu cầu thị hiếu của khách du lịch.

Để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, các làng nghề tiêu biểu trong nước được các doanh nghiệp lữ hành đưa vào tour giới thiệu với du khách, đầu tư, gắn kết giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề với dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách đến tham quan, khám phá mua sắm hàng lưu niệm.

Tại Hội chợ Du lịch làng nghề Hà Nội mới đây, gần 40 doanh nghiệp du lịch lữ hành tham gia đã tổ chức nhiều chương trình kết nối với làng nghề, xây dựng nhiều tour du lịch tham quan mua sắm hàng lưu niệm tại các làng nghề truyền thống...

Ông Nguyễn Trung Quân, Giám đốc Công ty du lịch Avitour cho biết: Hàng năm, chùm tour “Cảm xúc Hà Nội”, tour Làng cổ Đường Lâm, City tours thăm phố cổ và làng nghề gốm sứ Bát Tràng…được nhiều du khách, nhất là khách quốc tế rất thích thú.

Khách du lịch thỏa thích ngắm nhìn, sờ tận tay những sản phẩm gốm thuần Bát Tràng

Phát triển du lịch gắn với phát triển làng nghề truyền thống đang thu hút ngày càng nhiều du khách. Hằng năm, có trên 10.000 lượt khách quốc tế và trên 50.000 khách du lịch trong nước đến Bát Tràng; các làng nghề gốm Phù Lãng, Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), Đá Mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), Làng nghề làm đèn lồng ( Hội An), Lụa Vạn Phúc, vàng bạc Châu Khê, Chạm bạc Đồng Xâm, Làng nghề Sơn Đồng ( Hà Nội), gốm sứ Bình Dương v.v…đã trở thành những điểm tham quan lý thú của du khách trong và ngoài nước.

Hoạt động du lịch cũng là một hình thức quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách.

Ông Đức Khoa, Phó Chủ tịch Hội thêu ren thành phố Hà Nội cho biết: "Chúng tôi vẫn giữ giá trị chân truyền của nghề thêu truyền thống. Trước đây giá trị truyền thống làm bằng các sản phẩm của các cụ để lại chủ yếu là chăn, ga, gối, đệm và những sản phẩm tả thực, bây giờ chúng tôi nâng cấp lên thành những sản phẩm giá trị nghệ thuật. Đây là theo xu thế phát triển của thời đại mà những người thợ như chúng tôi cần tâm huyết gìn giữ và làm cho phát triển".

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nếu tìm ra những hướng đi đúng, du lịch làng nghề hoàn toàn có thể phát triển mạnh trong tương lai. Làng nghề “sống” được nhờ du lịch và ngược lại du lịch phát triển hơn nhờ khai thác giá trị văn hóa-lịch sử từ mỗi làng nghề truyền thống. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc./.

Diệu Linh/VOV-Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/du-lich/huong-di-nao-cho-du-lich-lang-nghe-557069.vov