Hướng đi nào cho doanh nghiệp bán lẻ nội địa?

Làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) cùng sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đã dấy lên lo ngại về việc các doanh nghiệp ngoại thâu tóm và triệt tiêu các doanh nghiệp nội, hay việc hàng hóa Việt Nam sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường cùng việc mất ưu thế cạnh tranh ngay trên sân nhà của các nhà sản xuất trong nước.

Thời gian qua, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) cùng sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đã dấy lên lo ngại về việc các doanh nghiệp ngoại thâu tóm và triệt tiêu các doanh nghiệp nội, hay việc hàng hóa Việt Nam sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường cùng việc mất ưu thế cạnh tranh ngay trên sân nhà của các nhà sản xuất trong nước.

Nhìn ở góc độ cạnh tranh, nhiều ý kiến tích cực lại cho rằng, chính những nguy cơ, những “cú đấm” mạnh của các doanh nghiệp ngoại đang khiến cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước bừng tỉnh, thay đổi, thích nghi và chuyển động theo luật chơi quốc tế.

Nhiều tín hiệu cho thấy một số doanh nghiệp lớn, nhà bán lẻ trong nước đã không chấp nhận ngồi yên để chịu sự dẫn dắt từ doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài mà đang tích cực chuẩn bị nhân lực và vật lực cùng những chiến lược dài hơi để sẵn sàng cho một cuộc chơi mới, cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng với các nhà đầu tư lắm tiền nhiều của đến từ nước ngoài.

Theo công bố mới đây của một Công ty Nghiên cứu thị trường của Đức cho biết thì năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam đạt doanh thu trên 100 tỷ USD, dự kiến năm 2016 sẽ cao hơn rất nhiều.

Doanh nghiệp bán lẻ nội địa làm chủ được thị trường sẽ cạnh tranh được với DN FDI. Ảnh: minh họa

Các chuyên gia cho rằng, với quy mô dân số hơn 90 triệu người cùng tốc độ tăng trưởng luôn đạt hai con số, thị trường bán lẻ của Việt Nam còn quá nhiều hấp dẫn. Đây chắc chắn sẽ luôn là mối quan tâm thu hút của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: “Cách đây 3-5 năm, chúng ta đã nói về bùng nổ M&A ở Việt Nam, trong đó có thị trường bán lẻ. Nhưng thực tế thì chúng ta thực sự chưa bùng nổ lắm. Từ phía Hiệp hội các nhà bán lẻ, chúng tôi xác nhận rằng, chỉ 2 năm gần đây, các vụ M&A mới thực sự sôi động trên thị trường bán lẻ.

Nói về xu hướng, qua các nghiên cứu, chúng tôi nhận định rằng, chắc chắn trong vài năm tới xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển bởi chính những lý do từ bản thân doanh nghiệp, cùng với sự quan tâm của các nhà đầu tư kể cả trong nước và nước ngoài.

Trong chính thị trường nội địa cũng đã có nhiều cuộc thâu tóm sáp nhập ngoạn mục như Tập đoàn Vingroup thâu tóm thành công chuỗi siêu thị Ocean Mart, Vinatext Mart. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định, xu hướng M&A vẫn sẽ tiếp tục và còn sôi động ít nhất từ 3-5 năm tới”.

Doanh nghiệp bán lẻ nội địa làm chủ được thị trường sẽ cạnh tranh được với doanh nghiệp FDI. Ảnh minh họa: CTV.

Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng giám đốc Hapro cho hay: Hiện nay, ngành bán lẻ trong nước phải đối mặt với các nhà bán lẻ nước ngoài về nhân sự và nguồn tài chính, trong khi đó thương hiệu của họ lại có nhà cung ứng bền vững.

Do đó, để phát triển bền vững thì mỗi một doanh nghiệp cần nghiên cứu trước và định hướng riêng cho doanh nghiệp mình. Hapro đang quy hoạch lại để phân bổ trong khả năng của mình và đưa ra nhiều biện pháp có sự khác biệt so với DN nước ngoài.

Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Maketing Co.op Mart cũng cho rằng, việc toàn cầu hóa để hòa nhập, mua bán sáp nhập là việc bình thường. Việt Nam trong thời gian gần đây hoạt động mua bán sáp nhập diễn ra nhanh hơn đặt ra áp lực cho các doanh nghiệp trong nước. S

aigon Co.op cũng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài từ nhiều năm trước đây nên quen. Tuy nhiên, với làn sóng mạnh như hiện nay đã tạo sự chủ động, nghiêm túc hơn trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược để thích ứng.

“Theo đó, chúng tôi đẩy mạnh mạng lưới thương hiệu và cửa hàng bán lẻ, có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với khách hàng, nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ. Chúng tôi nghĩ việc mua bán sáp nhập vừa tạo ra sức ép cạnh tranh lớn để các doanh nghiệp Việt Nam có thể điều chỉnh chiến lược của mình, có thể bước đi mạnh mẽ hơn và có cơ hội học tập các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Võ Hoàng Anh nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, có bốn nhóm liên quan lớn M&A, gồm: Doanh nghiệp bán lẻ, người tiêu dùng, nhà nước và xã hội, hệ thống sản xuất.

Đối với doanh nghiệp bán lẻ, bên cạnh việc giúp chúng ta có thêm cơ hội như học hỏi kinh nghiệm, công nghệ hiện đại, nhân lực giỏi… thì doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng bị tăng thêm áp lực cạnh tranh trực tiếp. Nếu công ty làm ăn tốt, người tiêu dùng sẽ có thêm việc làm, thêm thu nhập, bằng không họ sẽ bị thanh loại.

Đối với người tiêu dùng, cạnh tranh bao giờ cũng đem lại lợi ích về giá cả cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, trong lúc các doanh nghiệp cạnh tranh giành thị trường thì người tiêu dùng là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất. Đối với nhà nước, M&A sẽ tạo thêm nguồn lực, nguồn thu ngân sách cho nhà nước.

Đối với hệ thống sản xuất, trong bối cảnh hiện đại, ai làm chủ hệ thống phân phối tốt thì họ cũng đồng thời làm chủ thị trường. Họ có quyền chọn nhiều nhà cung ứng khác nhau. Và vì lợi ích quốc gia, nhóm ngành của doanh nghiệp, rất có thể các doanh nghiệp ngoại sẽ loại dần hàng Việt, đưa hàng ngoại vào. Qua đó, hàng Việt sẽ khó khăn, thậm chí phải hạ giá thành để hút khách.

Một siêu thị hay một chuỗi bán lẻ chỉ thành công khi làm chủ nguồn cung với chất lượng đảm bảo. Số lượng cung phải ổn định và lớn. Đây là tiêu chí quan trọng để doanh nghiệp thắng lợi.

Phan Đức

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/huong-di-nao-cho-doanh-nghiep-ban-le-noi-dia-410690/