Hướng đi cho gạo

Đoàn cán bộ một tỉnh phía Nam vừa sang Campuchia học kinh nghiệm trong lĩnh vực lúa gạo. Mới nghe có vẻ bất ngờ, bởi Việt Nam vốn được coi là vựa lúa của Đông Nam Á, đã có đến 20 năm xuất khẩu gạo và luôn cạnh tranh vị trí nhất nhì với Thái Lan về lượng gạo xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhìn kỹ vào ngành lúa gạo nước bạn, chúng ta mới thấy sự đáng học hỏi dù Campuchia mới có vài năm tham gia thị trường gạo xuất khẩu.

Vốn dĩ ngành trồng lúa Campuchia cũng rất lạc hậu trong nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây, Campuchia đã tích cực đầu tư cho lĩnh vực trồng lúa, tìm giống lúa chất lượng cao, quyết tâm mang gạo ngon của mình đi đấu xảo quốc tế và được giải, đồng thời phát triển các mô hình sản xuất cải tiến như sản xuất gạo hữu cơ... Từ những quyết tâm của mình, Campuchia đã có những sản phẩm gạo ngon nhất nhì thế giới. Bởi vậy, mới tham gia xuất khẩu gạo khoảng 5-7 năm nay nhưng nay gạo Campuchia đã có mặt ở hơn 50 thị trường, trong đó có cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU... Trong thời gian từ đầu năm đến nay thị trường xuất khẩu gạo của toàn thế giới gặp khó khăn thì lượng gạo xuất khẩu của Campuchia vẫn tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái và vẫn được giá trên thị trường. Những hoạt động và kết quả trên xuất phát từ gốc của vấn đề là Campuchia định hướng cho ngành lúa gạo là sản xuất để xuất khẩu.

Trông người lại nghĩ đến ta. Nhiều chuyên gia lúa gạo Việt Nam cho rằng ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam hiện vẫn chưa rõ định hướng chiến lược là sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực hay để xuất khẩu. Bởi đảm bảo an ninh lương thực thiên về sản lượng còn sản xuất cho xuất khẩu cần có chất lượng cao hơn để cạnh tranh. Vì vậy cần phải xác định rõ định hướng mới có những giải pháp và nguồn lực tập trung để sản xuất đạt hiệu quả. Thực tế là sản xuất và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam đang chủ yếu ở nhóm hàng phẩm cấp thấp, do đó thị trường xuất khẩu chủ yếu là những nước châu Á, châu Phi với người tiêu dùng dễ tính. Do vậy, giá trị gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu thấp, thị trường nhiều biến động, kỹ thuật thanh toán nhiều rủi ro... Đã từng có ý kiến của chuyên gia nông nghiệp Việt Nam cho rằng Việt Nam không có trách nhiệm để đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới, có nghĩa Việt Nam nên chuyển từ sản xuất vì số lượng hiện nay sang sản xuất gạo có chất lượng cao cấp để cạnh tranh được tốt trên thị trường quốc tế. Do đó, cần sớm xây dựng thành công cho thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam. Nhà nước cần tăng nguồn lực đầu tư, cơ chế chính sách để chuỗi sản xuất gạo hướng mạnh vào sản xuất gạo cao cấp. Như nhiều khuyến nghị đã chỉ ra, với hàng trăm giống lúa, Việt Nam chỉ cần tập trung sản xuất số ít giống chất lượng cao; không để nông dân tự phát trồng mà cần gắn với chuỗi sản xuất với sự kiểm soát chặt chẽ bằng quy trình tiên tiến; các công trình khoa học được đầu tư từ khâu giống, sản xuất đến chiếm lĩnh thị trường... Là một nước nông nghiệp mà cây trồng chủ yếu, truyền thống là lúa, nên có một hướng đi phát triển bền vững, hiệu quả cao cho cây lúa chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa chính trên cánh đồng của người nông dân, tạo một thế vững chắc để tăng cường sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô cũng như nâng cao đời sống của hàng triệu nông dân vốn chịu nhiều thiệt thòi trong xu thế toàn cầu hóa.

Văn Bắc

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/huong-di-cho-gao.aspx