Hướng đến quản lý ngành lâm nghiệp theo chuỗi

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết chúng ta phải quản lý ngành lâm nghiệp theo chuỗi gắn với tái cơ cấu ngành, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hướng đến quản lý ngành lâm nghiệp theo chuỗi. Ảnh: TTXVN

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng là hành lang pháp lý góp phần tạo điều kiện cho các địa phương có rừng trong cả nước nhanh chóng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng độ che phủ rừng đạt 40,83% cũng như thúc đẩy sản xuất chế biến lâm nghiệp xuất khẩu, qua đó đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước trên 7 tỷ USD hàng năm.

Nhưng qua quá trình thực hiện, luật này vẫn còn gặp nhiều bất cập và cần được sửa đổi để phù hợp với điều kiện mới.

Theo quy trình, dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ trình Chính phủ vào ngày 25/1/2017 sau đó đưa ra Quốc hội xem xét.

Để tìm hiểu rõ hơn về dự thảo sửa đổi Luật này, phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn.

BNEWS: Xin Thứ trưởng cho biết, lý do tại sao phải sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đầu tiên được ban hành năm 1991. Khi đó độ che phủ rừng mới chỉ 28% nên việc bảo vệ và phủ nhanh đất trống đồi núi trọc, nâng che phủ rừng trở nên bức bách.

Năm 2004, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng mới thay thế luật năm 1991. Luật này được xây dựng trên Hiến pháp 2002 nên quan điểm về sở hữu rừng đã có thay đổi căn bản.

Trong điều kiện khi đó, độ che phủ rừng thấp, bức thiết lúc đó là tăng diện tích rừng, nhanh chóng phủ xanh đất trống đồi núi trọc cho nên Luật năm 2004 là phân đoạn quan trọng từ bảo vệ đến phát triển rừng.

Phân đoạn từ sử dụng hợp lý tài nguyên để đảm bảo sử dụng bền vững cũng như thương mại đáp ứng theo yêu cầu hiện nay chưa được thể hiện trong Luật năm 2004.

Từ đó đến nay, rất nhiều chủ trương của Đảng, Nhà nước để bảo vệ và phát triển rừng, yêu cầu từ tái cơ cấu ngành lâm nghiệp cần thiết phải xem xét rà soát lại Luật Bảo vệ và Phát triển rừng để xây dựng luật sửa đổi mới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, chúng ta phải quản lý theo chuỗi gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 dường như chưa đề cập thích đáng đến vai trò của rừng với biến đổi khí hậu, những chính sách tài chính mới như: tín chỉ phát thải CO2, dịch vụ chi trả môi trường rừng hay chưa tiên lượng được ngành lâm nghiệp mở với thị trường quốc tế như vậy.

Như vậy, Luật cần phải thích ứng với điều kiện mới, tạo cơ chế liên kết bền vững giữa người sản xuất với doanh nghiệp theo tín chỉ rừng. Cùng với đó, điều chỉnh lại hệ thống quản lý nhà nước để đảm bảo thống nhất, hiệu quả, hiệu lực ở các cấp và cải cách hành chính.

BNEWS: Vậy, luật sửa đổi lần này sẽ hướng phát triển ngành lâm nghiệp như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Trên cơ sở tổng kết đánh giá Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, Luật mới sẽ kế thừa những thành quả được đánh giá là phù hợp với thực tiễn và xu hướng của quốc tế như: bảo vệ rừng, khoán giao đất, giao rừng, xã hội hóa lâm nghiệp, làm cho rừng có chủ thực sự hơn.

Luật sửa đổi lần này phù hợp với các chủ trương, quan điểm của Đảng nêu ra trong các Nghị quyết 12 (Đại hội Đảng XII), Nghị quyết 24 (Đại hội Trung ương Đảng XI) về thích ứng với biến đổi khí hậu… và những định hướng, chỉ tiêu phát triển lâm nghiệp cơ bản đã được ghi trong các nghị quyết.

Bên cạnh việc đảm bảo phù hợp, thống nhất với các luật liên quan, nhất là Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học… Luật sẽ điều chỉnh để phù hợp với Hiến pháp 2013; trong đó, chế định về sở hữu rừng thay đổi.

Chẳng hạn, quy định về sở hữu rừng trong Hiến pháp 2002 quy định rừng núi là sở hữu nhà nước, nhưng Hiến pháp 2013 quy định tài nguyên thiên nhiên là tài sản quốc gia.

Đây là việc quan trọng để có thể thể chế hóa trong luật và làm tiền đề cho những văn bản dưới luật khi thực hiện xã hội hóa sẽ đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các chủ rừng. Việc thay đổi này sẽ làm thay đổi toàn bộ các chính sách đối với các chủ rừng khác nhau.

Việc điều chỉnh lần này sẽ quản lý ngành lâm nghiệp theo chuỗi. Như vậy, phạm vi điều chỉnh không chỉ bảo vệ và phát triển rừng mà có quy định về xử lý rừng bền vững như khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

Ngoài ra, khi là nền sản xuất hàng hóa thì cần phải hài hòa với các quy định quốc tế mà Việt Nam là thành viên bao gồm cả hiệp định, hiệp ước quốc tế, hiệp định song phương, đa phương về thương mại… trong các tiêu chuẩn, tiêu chí về quản lý rừng bền vững.

BNEWS: Như vậy sở hữu rừng trong luật mới sẽ được xác định lại, vậy quyền sở hữu rừng sẽ có thay đổi như thế nào?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Luật sửa đổi lần này sẽ có bổ sung một mục quy định về sở hữu rừng dựa trên Hiến pháp 2013.

Từ tư tưởng đó sẽ thể hiện trên toàn bộ hệ thống luật như phải điều chỉnh quyền và trách nhiệm của chủ rừng. Mặc dù vẫn là 6 chủ rừng cơ bản nhưng quyền và trách nhiệm sẽ thay đổi.

Chẳng hạn, đối với rừng trồng, người sở hữu rừng sẽ có đủ 3 quyền: định đoạt, sử dụng, chiếm hữu. Với 3 quyền này, chủ rừng sẽ được “cởi trói” so với trước đây.

Trước đây, dù rừng của mình nhưng khi khai thác chủ rừng vẫn phải xin phép chính quyền, sắp tới chủ rừng có toàn quyền sử dụng đất rừng và lâm sản miễn là nằm trong quy hoạch của địa phương.

BNEWS: Với việc sẽ sửa đổi nhiều như vậy, theo quan điểm của Thứ trường có nên sửa tên luật hay không?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hiện nay có 88 điều, nhưng dự kiến luật mới sẽ có trên 130 điều và các nội dung cơ bản là sửa toàn điện. Quan điểm cá nhân tôi với nội hàm như vậy nên sửa thành Luật Lâm nghiệp để tên luật phù hợp với phạm vi điều chỉnh và cũng đồng bộ với quản lý theo ngành. Luật nên theo ngành để quản lý theo chuỗi.

BNEWS: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/huong-den-quan-ly-nganh-lam-nghiep-theo-chuoi/26139.html