Hướng đến môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng

Tại Hội thảo “Hoàn thiện chính sách cạnh tranh trong các ngành mạng lưới: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vào ngày 2/11, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần giảm các rào cản không cần thiết, tăng tự do kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh nhiều hơn cho doanh nghiệp”.

Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng là nhu cầu cấp bách trong bối cảnh hội nhập hiện nay. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và cả quốc tế đều khẳng định: Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân là nhu cầu cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Đăc biệt, khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hội nhập với thị trường thế giới thì thuận lợi có nhưng bên cạnh đó cũng sẽ gặp nhiều rào cản. TS Đặng Quang Vinh cho biết, nhiều quy định thực sự không cần thiết, không đáp ứng được các tiêu chí về lợi ích chung. Hiện có khoảng 267 ngành kinh doanh của các doanh nghiệp cần được cấp phép. Tuy nhiên, thủ tục cấp phép khá phức tạp và tốn kém đã tạo ra những rào cản cho doanh nghiệp.

“Quản lý Nhà nước là cần thiết nhưng bảo vệ quá mức sẽ tạo ra chi phí không cần thiết cho nền kinh tế và cản trở cạnh tranh, giảm cơ hội đạt được tăng trưởng cao và bền vững” TS Vinh nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, vai trò của Nhà nước cần chuyển từ can thiệp, điều khiển trực tiếp sang hỗ trợ và định hướng gián tiếp, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thực sự cạnh tranh, bình đẳng, nâng cao tính thị trường của nền kinh tế. Nhà nước là người điều tiết, cân bằng lợi ích và thúc đẩy đầu tư phát triển.

Ông Warren Mundy (chuyên gia tư vấn về cạnh tranh của Australia) cho rằng, phát triển và gia nhập thị trường có thể giảm bớt hoặc thậm chí loại bỏ sự cần thiết của việc ban hành quy định pháp luật hoặc thay đổi hình thức thích hợp hơn; đồng thời, sự tương tác với các lĩnh vực chính sách của Chính phủ cần phải được giám sát; quá trình rà soát cần đưa ra những khuyến nghị chính sách để Chính phủ đưa ra được những hành động chính sách phù hợp.

Cũng theo ông Warren Mundy, để hoàn thiện chính sách cạnh tranh, trách nhiệm giải trình đóng một vai trò hết sức quan trọng. Theo đó, ngay cả những nền kinh tế không có tốc độ tăng trưởng nhanh cũng cần thực hiện rà soát chính sách định kỳ để nâng cao trách nhiệm giải trình, nhằm đạt được các mục tiêu của chính sách. Quá trình rà soát chính sách cần đưa ra những khuyến nghị chính sách để Chính phủ đưa ra được những hành động chính sách phù hợp.

Hầu hết các chuyên gia cho rằng, để hoàn thiện chính sách cạnh tranh, Nhà nước cần hoàn thiện luật cạnh tranh theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần tạo dựng sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, cải cách thể chế về gia nhập thị trường, giảm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, loại bỏ các rào cản không cần thiết, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

PV

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/huong-den-moi-truong-kinh-doanh-canh-tranh-binh-dang/