Hướng đến các tuyến phố văn minh mang đặc trưng Hà Nội

Cùng với việc quy hoạch hệ thống cây xanh, kết hợp trồng hoa, cây cảnh, xây dựng các phương án trang trí đường phố, Hà Nội đang lập quy hoạch, ban hành tiêu chuẩn thiết kế hệ thống biển quảng cáo ngoài trời.

Quy hoạch quảng cáo ngoài trời sẽ góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Ý tưởng được đánh giá cao trong dự thảo quy hoạch này là việc xây dựng các tuyến phố chuẩn về quảng cáo, phù hợp với nếp sống văn minh đô thị. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi về vấn đề này.

- Việc xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời được tiến hành từ nhiều năm nhưng vẫn gặp những luồng ý kiến trái chiều. Vậy, dự thảo quy hoạch này có điểm gì khác biệt để bảo đảm khi triển khai sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội?

- Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn nói rằng sự quan tâm của TP Hà Nội đối với việc trang trí, cổ động trực quan nói riêng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị nói chung rất quyết liệt, toàn diện. UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở VH&TT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp chấn chỉnh hoạt động quảng cáo ngoài trời trên từng địa bàn. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở VH&TT Hà Nội đã phát động cuộc vận động thiết kế trang trí thành phố năm 2016; đồng thời hoàn thiện dự thảo quy hoạch quảng cáo ngoài trời, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.

Về cơ bản, nội dung dự thảo thống nhất với quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời do UBND TP Hà Nội ban hành đầu năm 2016. Chúng tôi cho rằng quy hoạch này không chỉ tạo thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động quảng cáo, mà quan trọng hơn, việc thực hiện quy hoạch sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật, thẩm mỹ của người dân.

Bởi vậy, ngoài các hình thức thông thường, dự thảo còn chú ý đến các hình thức quảng cáo trên dải phân cách, cột đèn, quảng cáo sử dụng đèn led… Với các hoạt động quảng cáo được huy động từ nguồn xã hội hóa, nếu không bảo đảm thẩm mỹ và nội dung tuyên truyền, Sở VH&TT Hà Nội sẽ không chấp thuận. Chúng tôi đã mời các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến trao đổi và đi đến thống nhất là đơn vị nào không bảo đảm yêu cầu sẽ phải chấp nhận để đơn vị khác có năng lực hơn thực hiện. Nói cách khác, quảng cáo bằng hình thức xã hội hóa cũng phải có sự cạnh tranh lành mạnh, công khai để bảo đảm mỹ quan đô thị.

Cần quy hoạch các biển quảng cáo tấm lớn để không ảnh hưởng đến tầm nhìn, không gian kiến trúc đô thị.

- Một trong những hình thức quảng cáo ngoài trời còn tồn tại nhiều bất cập là quảng cáo tấm lớn, vậy trong dự thảo quy hoạch, loại hình quảng cáo này sẽ được điều chỉnh như thế nào?

- Nhu cầu quảng cáo tấm lớn ở đâu cũng cần, nhưng lắp dựng biển như thế nào để không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông và không gian, kiến trúc đô thị quả thật không đơn giản. Tại thời điểm này, quảng cáo tấm lớn, quảng cáo thương mại cơ bản đã ổn định trên các tuyến đường chính từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên tại khu vực nội thành vẫn còn một số tồn tại. Chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét một số vị trí, đồng thời tăng cường hình thức quảng cáo tấm nhỏ dưới 40m2, quảng cáo trên hông tường, mặt tiền nhà… để đáp ứng được nhu cầu nhưng không phát sinh quảng cáo tấm lớn. Đối với 33 bảng quảng cáo tấm lớn vi phạm quy định trong khu vực nội đô, chúng tôi sẽ xem xét từng vị trí, từng bảng, biển cụ thể để điều chỉnh, kiên quyết không để vi phạm kéo dài.

- Sở VH&TT Hà Nội đã từng phát động cuộc thi giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp, văn minh và thu được những kết quả khả quan. Trong quá trình xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời, ngành văn hóa có đề xuất tổ chức các cuộc thi hay không, thưa ông?

- Các cuộc thi giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp, văn minh đã góp phần làm thay đổi nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền cũng như người dân trong việc giữ gìn cảnh quan đường phố. Tuy nhiên, thành phố chưa quy chuẩn rõ ràng về tuyến phố văn minh nên kết quả chưa như kỳ vọng. Những bất cập trong hoạt động quảng cáo ngoài trời chưa được khắc phục triệt để ngay cả ở những tuyến phố đoạt giải từ các cuộc thi. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời, chúng tôi có ý tưởng xây dựng các tuyến đường, phố chuẩn mang đặc trưng của Hà Nội.

Trên tuyến phố ấy, lòng đường thế nào, vỉa hè ra sao, hông tường nhà lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo thế nào, không gian trên cao sẽ được giải quyết ra sao. Tất cả đều có quy định về kích thước rõ ràng, cụ thể. Ví dụ như lòng đường là thảm nhựa đẹp, tiếp đến là phần thoát nước "êm ái", vỉa hè phong quang, thoáng đãng, có dải phân cách dành cho người đi bộ, có lối ra vào cho từng gia đình, có chỗ đỗ xe… Trên phần tường sẽ được các gia đình trang trí, tô điểm; mái hiên, mái vẩy ở ban công sẽ không còn thò ra, thụt vào, không còn dây điện, dây cáp chạy ngang, dọc. Biển hiệu, biển quảng cáo trên cùng một tuyến đường đồng nhất về hình thức, kích thước, kiểu dáng…

Ban đầu, Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm một vài tuyến phố, sau đó rút kinh nghiệm để nhân rộng. Chúng ta đã có những trường chuẩn quốc gia, những bệnh viện đạt chuẩn… tại sao lại không xây dựng được các tuyến đường đạt chuẩn mang đặc trưng riêng, không bị "lai căng", không phụ thuộc vào hình mẫu sẵn có nào đó đồng thời đáp ứng được yêu cầu về giao thông, thẩm mỹ…

Ý tưởng là vậy, song để thực hiện không dễ dàng. Chỉ riêng ngành văn hóa không thể làm được, mà cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các địa phương, các hộ gia đình có công trình nhà mặt tiền… Dự thảo quy hoạch sẽ trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Sẽ rất khó khi triển khai nhưng nếu có sự vào cuộc đồng bộ, chúng ta sẽ làm được. Hà Nội sẽ có những tuyến phố mang đặc trưng riêng, phù hợp với những giá trị của văn minh đô thị.

- Cảm ơn ông về nội dung trao đổi!

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/831207/huong-den-cac-tuyen-pho-van-minh-mang-dac-trung-ha-noi