Hung thần xe ba gác vẫn nhan nhản

Hai vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở Hà Nội khiến 2 người tử vong liên quan đến các phương tiện thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh, loại vật liệu nguy hiểm trên đường phố như một hồi chuông cảnh báo về tình trạng xe thô sơ chở hàng hóa nguy hiểm trên cả nước.

Tại TP Hồ Chí Minh, đã có nhiều vụ TNGT liên quan đến xe thô sơ chở các loại hàng hóa như tôn, sắt, thép làm chết và bị thương nhiều người. Tình trạng này không xuất hiện ở trung tâm thành phố mà đa phần là ở các tỉnh, ngoại thành, nơi người lao động chân tay tập trung nhiều…

Cách nay chưa lâu, anh Nguyễn Thái Chương (40 tuổi, quê Bình Định) điều khiển xe gắn máy trên đường Tân Kỳ Tân Quý, đến trước số 1149 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) thì bị một chiếc xe gắn máy chở hàng cồng kềnh va quệt khiến anh Chương ngã xuống đường.

Cùng lúc này, xe taxi BKS 51F-022.77 lưu thông phía sau không xử lý kịp đã cán lên người anh Chương. Hàng chục người dân gần đó đã hợp sức nâng chiếc taxi lên đưa nạn nhân ra ngoài và chở đi cấp cứu trong tình trạng chấn thương nặng. Sau khi va quệt với anh Chương, người đàn ông chở hàng cồng kềnh đã tháo chạy khỏi hiện trường.

Xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh gây nguy hiểm cho người lưu thông trên đường tại TP HCM.

Trước đó, một cô gái 22 tuổi chở bạn trên xe gắn máy lưu thông trên QL1A hướng về tỉnh Long An đã bị xe chở hàng cồng kềnh tông phải kéo cả người lẫn xe đi hơn 10m, cô gái trẻ ngã xuống đường và rơi vào bánh xe cẩu tử nạn.

Ngày 25-9, quan sát trên các tuyến đường Lý Thường Kiệt (quận 10), Phạm Hùng (quận 8), QL50 (Bình Chánh), Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) hay khu vực các tuyến đường xung quanh Chợ Lớn các phương tiện 2, 3 bánh thô sơ chở hàng cồng kềnh liên tục xuất hiện.

Trên đường Chánh Hưng hướng về Bình Chánh, nhiều xe ba gác chở những tấm tôn dài cả chục mét, 2 đầu không được bao bịt, những cạnh tôn sắc lẹm nhấp nhô khi xe ba gác đổ dốc cầu khiến nhiều phương tiện lưu thông phía trước và sau xe ba gác này nơm nớp lo lắng.

Trao đổi với PV Báo CAND, một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết, các đội-trạm thuộc PC67 liên tục kiểm tra xử lý các phương tiện chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người đi đường này.

Bởi vậy, từ đầu năm đến nay, PC67 đã lập biên bản xử lý hơn 6.000 trường hợp điều khiển phương tiện xe 2 - 3 bánh chở hàng cồng kềnh, quá khổ gây ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường.

Ngoài xử phạt, Phòng PC67 còn phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành rà soát 954 hộ kinh doanh sử dụng phương tiện quá đát cho nhân viên đi giao hàng. Yêu cầu các hộ này không trực tiếp hoặc giao xe không còn thời hạn lưu hành, chở hàng cồng kềnh cho nhân viên sử dụng.

Tuy nhiên, một thực tế phát sinh cho thấy, nhiều phương tiện chở hàng cồng kềnh dường như nắm được toàn bộ các chốt trực của CSGT trên các tuyến đường lưu thông nên tìm mọi cách để tránh né.

Một buổi sáng tại cầu Lò Gốm (hướng từ quận Bình Tân về quận 5), chúng tôi thấy hàng chục xe chở hàng cồng kềnh đậu dọc trên cầu. Khi đi xuống phía dưới, chúng tôi mới biết có một tổ CSGT đang làm nhiệm vụ xử phạt xe chở cồng kềnh nên các phương tiện này dừng trên cầu bất chấp các phương tiện lưu thông khó khăn. Một số người điều khiển phương tiện còn liều mạng chạy xe ngược chiều vào dòng phương tiện để lẩn trốn.

Ông Chín (một người chở hàng thuê sống ở quận 6) cho biết: “Muốn chở hàng qua đoạn đại lộ Võ Văn Kiệt này phải canh giờ không có CSGT chốt trực. Thường là anh em chạy vào lúc sáng sớm hoặc buổi trưa. Còn chạy tầm 6 - 7h sáng hay 3 - 4h chiều là bị “tóm” liền!”.

Trước tình trạng phương tiện thô sơ liên tiếp gây ra tai nạn khiến nhiều người thiệt mạng, không nên chỉ gióng những hồi chuông cảnh báo mà cần có biện pháp quyết liệt để bảo vệ tính mạng người đi đường.

Để làm được điều này cần có sự chung tay của nhiều ban, ngành, nhất là việc chuyển đổi ngành nghề phù hợp cho những người mưu sinh bằng nghề chuyên chở hàng hóa bằng xe thô sơ, có như vậy họ mới đảm bảo cuộc sống.

Ngoài ra, cần nghiên cứu một loại phương tiện nhất định, phù hợp với việc di chuyển các vật liệu có kích thước lớn, nguy hiểm để tránh tai họa cho người đi đường.

Tăng cường quản lý hoạt động xe chở hàng cồng kềnh

Chiều 26-9, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đã có văn bản gửi tới UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý hoạt động của xe thô sơ, xe môtô, xe cơ giới 3 bánh chở hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông.

Văn bản nêu rõ: Trong những ngày gần đây liên tục xảy ra các vụ tai nạn do va chạm giữa người tham gia giao thông với hàng hóa chở trên các phương tiện thô sơ hoặc môtô chở hàng hóa tham gia giao thông trái quy định gây tử vong rất thương tâm cho các nạn nhân khiến dư luận xã hội vô cùng hoang mang, bức xúc.

Để kịp thời ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện, xã tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới ba bánh theo Nghị quyết số 5/2008/NQ-CP ngày 4-2-2008 của Chính phủ.

Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương; Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải trái quy định gây mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Phạm Huyền

M.Đ.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/hung-than-xe-ba-gac-van-nhan-nhan-409939/