Human – một lời thức tỉnh nhỏ nhoi cho 7 tỉ công dân Trái đất

Phim tài liệu Human là một bản trường ca tôn vinh vẻ đẹp và những góc khuất của nhân loại thông qua số phận của những con người ở khắp nơi trên thế giới.

Đạo diễn Yann Arthus-Bertrand là một biểu tượng của nước Pháp khi được tặng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, là huân chương cao nhất cấp quốc gia của Pháp và là thành viên của Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật danh giá. Cả thế giới biết đến ông qua cuốn sách ảnh đặc sắc Trái đất nhìn từ trên cao và một bộ phim được thực hiện cách đây 5 năm về môi trường, khí hậu Home đạt kỉ lục là 600 triệu lượt xem.

Đạo diễn nổi tiếng người Pháp Yann Arthus-Bertrand

Năm 2015, sau thời gian chuẩn bị và nhận được ủng hộ từ tổ chức Fondation Bettencourt Schueller, Yann Arthus-Bertrand ra đời bộ phim tài liệu Human – bộ phim ông chuyển chủ thể từ cảnh vật sang con người, được xem là bức chân dung sinh động về nhân loại, được đánh giá cao tại LHP Venice 2015.

Phiên bản điện ảnh của bộ phim Human dài 3 tiếng và có nhiều dạng thể khác nhau như phiên bản phim truyền hình (131 phút), “On the trail of Human” (Trên hành trình của con người, gồm 3 tập phim, mỗi tập 52 phút), “The stories of Human” (Những câu chuyện về con người, 80 phút), “The Human Adventure” (Cuộc phiêu lưu của loài người, 52 phút), “Human the music” (Âm nhạc trong Human, dài 52 phút), “Human for the Web” (phim Human dành cho trang web) và “Human Behind the Scenes” (Hậu trường phim Human).

Vừa qua, phiên bản điện ảnh của bộ phim Human đã được công chiếu lần đầu tiên và duy nhất tại L’Espace - Viện Pháp tại Hà Nội, bộ phim đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ với khán giả Việt Nam.

Xuyên suốt bộ phim, Bertrand và nhóm 16 nhà báo đã phỏng vấn 2020 người đến từ 60 quốc gia với những câu hỏi giống nhau. Đạo diễn đã tạo sự khác biệt trong cách làm phim của mình bằng các đoạn phỏng vấn nhân vật trong khuôn hình trung-cận hậu cảnh phông đen, chính nơi tôn lên nỗi buồn và ánh sáng lấp lánh của những khuôn mặt. Đạo diễn lắng nghe biết bao câu chuyện cuộc đời, có khi rất dài nhưng cũng có lúc chỉ vài ba phút, nhưng đó chính là những trải nghiệm của một đời sung sướng tột cùng hay tận cùng đau đớn. “Điều gì khiến chúng ta là một con người?” là câu hỏi chính của những câu chuyện trên.

Xem phim, bạn đừng bất ngờ hay ngạc nhiên khi được nghe thật nhiều thứ từ: sự tha thứ, hôn nhân, hạnh phúc hay sự sống và cái chết, lòng khoan dung, đói nghèo, đồng tính luyến ái, nhập cư, ý nghĩa chốn dung thân của cuộc đời, hay một căn nhà mà họ sẽ trở về sau ngày làm việc mệt mỏi. Đây là vài câu hỏi trong số 40 câu hỏi mà ekip làm phim đã phỏng vấn những nhân vật trong phim:

"Trải nghiệm khó khăn nhất bạn đã phải đối mặt là gì? Bạn đã học được gì từ nó?"

"Lần cuối cùng bạn nói "Con yêu cha/mẹ" với cha mẹ bạn là khi nào?" Tình yêu có ý nghĩa gì đối với bạn?"

"Suy nghĩ của bạn về đồng tính luyến ái, sự tàn phá của môi trường và chi phí chiến tranh là gì?"

"Tại sao nhân loại thường có cùng một sai lầm?"

Trong vô số khoảnh khắc sinh động, chân thật của bộ phim, cá nhân tôi thấy cảnh đầu phim là cảm động nhất. Leonard - một người đàn ông bị giam trong nhà tù ở Mỹ vì tội giết một người phụ nữ và đứa con của cô ta. Kẻ lầm lạc ấy đã kể về thời thơ ấu đau thương của mình khi thường xuyên bị cha đánh và quát tháo những câu như: "Cha đánh con vì cha thương con!” hay “Cha cũng rất đau khổ khi khiến con bị tổn thương”. Vì thế, Leonard lớn lên cùng với nỗi căm phẫn trong tim và ngộ nhận khủng khiếp rằng tình yêu là phải khiến “người khác tổn thương” và anh đã kết thúc cuộc đời bằng hành vi khủng khiếp của mình. Khi bị kết án tù, anh chỉ thực sự hiểu được ý nghĩa của chữ “yêu” khi người phụ nữ tên Agnes là mẹ, là ngoại của hai nạn nhân đã tha thứ cho điều độc ác nhất anh từng làm. “Tôi không thể tin là bà ấy lại không thù hận tôi mà thay vào đó, bà ấy đã dạy cho tôi biết được “tình yêu” nghĩa là thế nào”. Leonard rưng rưng nói trước máy quay.

Hình ảnh Leonard mở đầu phim và kết thúc phim với những giọt nước mắt của anh

Đạo diễn đã mở đầu phim bằng Leonard và kết thúc phim với những giọt nước mắt trên gương mặt đầy cảm giác hối hận của anh. Phải chăng, đó chính là ẩn ý của ông trong Human: Trong sâu thẳm một con người đều tồn tại điều tồi tệ nhất và điều tử tế nhất nhưng một khi điều tồi tệ xảy ra, con người biết hối hận thì đó là chính là thiên lương.

Trong Human, mỗi con người khi được phỏng vấn có cơ hội đối diện sự thật của chính bản thân mình, điều mà họ chưa bao giờ dám nghĩ hay nói với người khác dù là người thân thiết nhất của mình. Đứng trước máy quay với những câu hỏi của đạo diễn, mỗi con người đã thể hiện sự mong manh và chân thành của mình, họ hoàn toàn mở lòng ra để tham gia đối thoại, giữa những người xa lạ chưa hề biết nhau bao giờ. Thậm chí, nhiều người đã khóc, khóc thật chứ không phải là giọt nước mắt diễn xuất khi được khơi gợi lại nỗi đau, hay cái chết mà họ từng chứng kiến: người chứng kiến nạn diệt chủng ở Rwanda, cựu chiến binh Mỹ, mọi người sống sót ở Hiroshima, người tị nạn Syria và nhiều hoàn cảnh bất hạnh khác...

Đặc biệt, khán giả còn ấn tượng, trầm trồ trước những cảnh quay tuyệt đẹp trên không trung như cảnh người phụ nữ đang phơi vải ở Pakistan, cảnh thác nước Agua Azul ở Mexico... hay những cảnh khiến người ta phải dành chút thời gian lắng đọng và suy ngẫm như một người đàn ông ở bãi rác nước Cộng hòa Dominica, cảnh một hồ bơi đông nghẹt ngoài sức tưởng tượng ở Trung Quốc…

Bằng cách “mở cửa trái tim và lắng nghe lời trái tim nói” vị nhiếp ảnh gia ngày nào chỉ hứng thú với những hình ảnh của thế giới hoang dã bỗng nhiên tìm thấy nguồn cảm hứng bất tận từ những câu chuyện được thêu dệt từ trải nghiệm ký ức của con người. Đúng như lời Yann Arthus-Bertrand từng nói khi trả lời một cuộc phỏng vấn ở Liên hoan phim Venice: "Tôi nghĩ rằng cách duy nhất để làm cho mọi người nghĩ là thông qua cảm xúc không qua não - qua trái tim..”.

Trên nền nhạc sâu lắng những thước phim Human như trải dài bất tận không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Human trở thành một bản trường ca tôn vinh vẻ đẹp và những góc khuất của nhân loại thông qua số phận của những con người ở khắp nơi trên thế giới. Human không là bộ phim của riêng ai mà là bộ phim nhân văn của toàn nhân loại khiến 7 tỉ người trên Trái đất phải suy ngẫm.

Nhất Huỳnh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/human-%e2%80%93-mot-loi-thuc-tinh-nho-nhoi-cho-7-ti-cong-dan-trai-dat