Huế: Thông tin mới nhất cá chết ở đầm Cầu Hai

Hôm nay 18/11, Chi Cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông báo kết quả phân tích chất lượng nước đầm Cầu Hai tại các lồng nuôi cá ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Việc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi Cục Bảo vệ Môi trường và các ban ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc, phân tích, đánh giá và công bố kết quả đã giúp người dân sớm biết được nguyên nhân và yên tâm tiếp tục nuôi trồng thủy sản cũng như tiêu thụ; đồng thời góp phần phòng chống các tin đồn thất thiệt.

Kết quả phân tích chất lượng nước ở đầm Cầu Hai

Kết quả phân tích chất lượng nước ở đầm Cầu Hai

Như đã đưa tin, hiện tượng cá chết trên vùng đầm Cầu Hai thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc xuất hiện từ chiều ngày 08/11 sau khi có trận mưa giông lớn kèm theo sấm sét. Đến sáng ngày 09/11 lượng cá chết đã giảm, chỉ còn hiện tượng cá bơi lờ đờ trên mặt nước. Cá chết là cá Vẩu nuôi lồng, sống ở tầng nước mặt. Tại các lồng nuôi, cá Vẩu có hiện tượng chết hoặc bơi lờ đờ còn các loại cá khác sống bình thường.Ngay khi nhận được tin báo, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát thực địa, lấy mẫu, đo đạc các mẫu nước đầm Cầu Hai thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc.

Cá chết khiến người dân thiệt hại nặng

Tại thời điểm đo đạc, lấy mẫu phân tích, hầu hết các thông số đánh giá chất lượng nước mặt đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt - sau khi áp dụng xử lý thông thường) và quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển QCVN 10-MT:2015/BTNMT (Vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh). Chỉ tiêu nhu cầu ô xy hóa học - COD và nhu cầu ô xy sinh hóa - BOD5 thấp hơn quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Riêng thông số Nitrat của mẫu NMLCVH4 vượt không đáng kể so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT: 2,89/2 mg/l vượt 1,4 lần. Các mẫu nước mặt đầm Cầu Hai tại các lồng nuôi đều có thông số độ mặn thấp hơn bình thường ≤ 5‰ (đối với đặc điểm sinh học cá Vẩu sống trong vùng có độ mặn của nước từ 10 -15‰ cá phát triển tốt).

Kết quả phân tích chất lượng nước mặt cho thấy phần lớn các chỉ tiêu đều đạt QCVN, không ảnh hưởng đến môi trường sống và hoạt động nuôi cá lồng bè của các hộ dân trong vùng.

Nguyên nhân chính khiến cá vẩu chết được xác định là do không thích nghi với môi trường nước ngọt (hay nước lợ bị ngọt hóa). Cá vẩu là loại cá sống ở tầng nước mặt và sinh trưởng tốt trong vùng nước lợ. Trên địa bàn xã Vinh Hiền vào chiều ngày 08/11/2016 có xảy ra hiện tượng mưa giông với lượng mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn, có kèm theo sấm sét đánh thẳng xuống vùng nuôi cá lồng.

Có khả năng có chết do sốc nguồn nước

Do cá Vẩu được nuôi ở tầng nước mặt, lại không sinh trưởng tốt trong môi trường nước bị ngọt hóa kết hợp với mưa kèm sấm sét dẫn đến có khả năng cá bị sốc nguồn nước. Trên thực tế, một trong những hộ nuôi cá cũng ở thôn Hiền Hòa 1, xã Vinh Hiền (nơi có tình trạng cá vẩu của một số hộ nổi lên chết hoặc lờ đờ) lại không bị thiệt hại. Đó là trường hợp của ông Trần Lợi, nhờ kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá lồng, ông đã kịp thời đổ thêm lượng muối phù hợp vào nước để ngăn ngừa quá trình ngọt hóa do mưa lớn và liên tục. Điều này cũng chứng minh nguyên nhân được xác định nói trên là phù hợp với thực tế ở địa phương.

Ngoài ra, trong quá trình khảo sát cho thấy khoảng cách các lồng nuôi cá và khoảng cách giữa các hộ nuôi không đúng theo yêu cầu kỹ thuật cũng như quy chuẩn (lồng cách lồng 1m và hộ cách hộ 5m); điều này dẫn đến dòng chảy bị ảnh hưởng, giảm lưu lượng dòng chảy cũng như khả năng tự làm sạch, khó bổ sung ô xy cho nguồn nước dẫn đến vùng nuôi bị thiếu ô xy hoặc không cung cấp bổ sung nguồn nước đủ độ mặn cho việc nuôi cá lồng trong đó có cá Vẩu. Đây cũng có thể là một trong nhóm các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hoặc bơi lờ đờ trên mặt - do mưa lớn cung cấp lượng nước ngọt đột ngột không kịp pha loãng do dòng nước không lưu thông.

Từ kết quả khảo sát thực tế và các mẫu phân tích nói trên, sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế đã kiến nghị UBND Tỉnh chỉ đạo Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn thường xuyên quan trắc chất lượng nguồn nước tại các vị trí xung yếu tập trung nuôi trồng thủy sản để kịp thời thông báo cho người dân và hướng dẫn cách ứng phó nếu có diễn biến xấu về môi trường nuôi trồng, nhằm giảm thiệt hại trong hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân.

Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn về hướng dẫn cho người dân tại các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh về quy chuẩn bố trí, sắp xếp khoảng cách các lồng và khoảng cách giữa các hộ nuôi. Tránh việc bố trí các lồng nuôi và khoảng cách giữa các hộ nuôi quá sát nhau dẫn đến hiện tượng nước bị tù đọng không được lưu thông dễ xảy ra hiện tượng thiếu ô xy cho quá trình sinh trưởng của cá nuôi lồng hoặc lây nhiễm chéo nếu có dịch bệnh gây thiệt hại cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản này.

Việc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế và các Sở ban ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc, phân tích, đánh giá và công bố kết quả đã giúp người dân sớm biết được nguyên nhân và yên tâm tiếp tục nuôi trồng thủy sản cũng như tiêu thụ; đồng thời góp phần phòng chống các tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho các hộ nuôi cá lồng, các tiểu thương buôn bán cá trên địa bàn và các vùng lân cận, làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội nói chung, nhất là trong bối cảnh các cấp chính quyền, ban ngành đang nỗ lực khắc phục sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.

Lê Minh Trí

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-tri/hue-thong-tin-moi-nhat-ca-chet-o-dam-cau-hai-305844.html