Huế tan hoang sau khi bị áp thấp nhiệt đới càn quét

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên hàng loạt cây xanh ở Huế gãy đổ, một người mất tích và một số địa phương bị ngập lụt cục bộ.

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kết hợp với giá mùa đông bắc nên từ đêm 13 đến sáng ngày 14-10, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-150mm; vùng biển ngoài khơi tỉnh có gió mạnh cấp 6 giật trên cấp 7, cấp 8.

Hàng loạt cây xanh ngã đổ trên tuyến đường Lý Thường Kiệt, TP Huế.

Do ảnh hưởng của mưa lớn kèm theo lốc xoáy nên địa bàn trung tâm TP Huế có hàng trăm cây xanh bị gãy đổ, bật gốc đè lên nhà cửa, hàng quán hoặc ngã ra đường, gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân trong sáng 14-10.

Do áp thấp nhiệt đới nên hàng trăm cây xanh ở trung tâm TP Huế đã bị gãy đổ.

Trong đó, những tuyến đường chính có cây gãy đổ hàng loạt là Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Trương Định.

Một cây xanh bị gió thổi bật gốc trước khách sạn Festival.

Các tuyến đường thuộc các phường ở phía Bắc TP Huế như Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc... cũng có rất nhiều cây xanh gãy đổ.

Cây xanh ngã đổ đè vào nhà dân.

Trong khi đó, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm 87 căn nhà ở tỉnh Thừa Thiên- Huế bị tốc mái, hàng trăm ngôi nhà bị ngập bình quân từ 0,1-05m; các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ dẫn về các huyện Phong Điền bị ngập sâu, giao thông chia cắt.

Thôn Đông Thái, xã Phong Mỹ ngập nặng vào sáng 14-10.

Ghi nhận của PV Báo CAND vào sáng 14-10, thôn Đông Thái, xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) bị ngập lụt nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của nhiều hộ dân.

Đặc biệt, do nước sông Ô Lâu dâng cao đã khiến chợ Phong Mỹ ngập nặng hơn 1,5m; hàng hóa của hơn 100 tiểu thương tại chợ đều bị hư hỏng.

Ngập lụt cục bộ gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xã Phong Mỹ.

Bà Phan Thị Biên, một tiểu thương tại chợ Phong Mỹ cho biết: “Từ 1 giờ sáng 14-10, nước dâng cao, bà con hô hoán nhau vào chợ vận chuyển hàng hóa đi tránh lụt.

Tuy nhiên, đến 3 giờ, nước dâng đến hơn 2m nên các tiểu thương không vào lấy được hàng nữa. Ước tính số hàng hóa áo quần bị thiệt hại 70%”.

Nước ngập vào nhà dân ở xã Phong Mỹ.

Theo UBND xã Phong Mỹ, đến nay vẫn do mực nước còn cao nên đến trưa 14-10, xã vẫn chưa thống kê được thiệt hại.

Trong khi đó, tại địa bàn xã Phong Bình, theo thống kê có hơn 30 nhà bị tốc mái, bị ngập ở các thôn Vân Trình, Tây Phú và Hòa Viện.

Ghi nhận tại xã Phong Sơn (huyện Phong Điền), dọc trên các tuyến tỉnh lộ, đường liên thôn, bà con nông dân đang tập trung thu hoạch diện tích sắn bị ngập, tránh thiệt hại.

Nông dân xã Phong Sơn thu hoạch sắn chạy lũ.

Toàn xã Phong Sơn có 280ha sắn, đến thời điểm hiện tại đã thu hoạch được 50% diện tích. Mưa lớn 2 ngày qua đã làm 12ha sắn bị ngập gây thiệt hại nặng.

Dù sắn được bán với giá thấp, khoảng 80.000 đồng/1 tạ nhưng người dân Phong Sơn vẫn cố gắng thu hoạch để tránh bị thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Đặc biệt, tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) có một người bị mất tích trong mưa bão. Đó là trường hợp bà Phạm Thị Loan (34 tuổi) bị mất tích do thuyền bị đứt dây neo trôi dạt. Hiện các cơ quan năng đang tiến hành tìm kiếm nạn nhân.

Áp thấp nhiệt đới gây thiệt hại nặng ở Quảng Trị

Tại Quảng Trị, nhiều địa phương như huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng và Triệu Phong bị ngập lụt cục bộ, hàng trăm héc-ta hoa màu, cây nông nghiệp ngắn ngày khác của bà con nông dân đã bị hư hỏng, có nguy cơ mất trắng. Riêng tại huyện Triệu Phong, gió lớn làm ít nhất 7 người bị thương, hơn 100 ngôi nhà của bà con nhân dân bị sập và tốc mái nặng.

Ngoài ra, hơn 20 héc-ta cây cao su đang thời kỳ khai thác trên địa bàn các xã Triệu Ái, Triệu Thượng (Triệu Phong) đã bị gió lớn làm gãy đổ la liệt. Tại TP Đông Hà, mưa to, gió lớn cũng đã làm gãy đổ một số cây xanh trên các tuyến phố, nhiều ngôi nhà của bà con bị tốc mái nhẹ.

Anh Khoa - Phan Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/ap-thap-nhiet-doi-lam-hang-loat-cay-xanh-o-hue-gay-do-mot-nguoi-mat-tich-412538/