Huế sẽ là thành phố lớn thứ 4 Việt Nam?

- Từ nhiều tháng nay, ở Huế ai cũng sôi nổi bàn đến “bước ngoặt lịch sử ”: Huế sắp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Người dân lại thêm một lần náo nức nữa, hơn 10 năm trước, vấn đề này đã được đưa ra kỳ họp Quốc hội “biểu quyết” nhưng không được thông qua.

Sẽ có Thành phố Huế rộng gấp 5 lần hiện nay Vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử Huế, TBT Nông Đức Mạnh cùng 13 Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa 10 đã về Huế làm việc với lãnh đạo tỉnh và đã có kết luận xác định của Huế là 1 trong 5 đô thị cấp quốc gia (cùng TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ); và trong vài năm tới xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ngay sau kết luận của Bộ Chính trị, ngày 17/6/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định 86/2009/QĐ-TTG "Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020”. Mục tiêu của quyết định nhằm xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và Huế sẽ là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch… Kèm theo quyết định này còn danh mục chương trình và các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư từ nay đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 của tỉnh Thừa Thiên Huế. Danh mục đó gồm hơn 210 chương trình, dự án và cụm dự án trọng điểm về tất cả các lĩnh vực du lịch dịch vụ, xây dựng, công nghiệp nông nghiệp, văn hóa, môi trường…được ưu tiên đầu tư. Như vậy chỉ vài ba năm tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trở thành Thành phố Huế. Thành phố Huế tương lai sẽ có diện tích 5.053,99 km2, gấp 5 lần Huế hiện nay, dân số 1,135 triệu người, gấp 3 lần hiện nay (số liệu 2005) với đủ các dân tộc Kinh, Tà Ôi, Vân Kiều, Cơ-tu, Hoa... So với các thành phố lớn của Việt Nam thì Huế đứng thứ 2 về diện tích (sau Hà Nội), thứ 4 về dân số (sau Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng). Vậy diện mạo của Huế lúc đó sẽ ra sao? Theo quy hoạch tổng thể thì nội thị Huế lúc đó sẽ mở rộng theo 4 hướng đông-tây-nam-bắc, mỗi hướng có bán kính từ 12 đến 17 km. Tứ Hạ ở phía Bắc, Phú Bài ở phía Nam, Thuận An ở phía Đông và Bình Điền phía Tây. Thành phố Huế sẽ đầy đủ núi rừng, biển và đồng bằng. Còn các huyện ngoại thành là Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới, các đô thị Tứ Hạ, Bình Điền, Thuận An, Phú Bài sẽ được xây dựng hiện đại, để làm vệ tinh cho khu vực Huế cổ, Huế Di sản ở trung tâm. Để thực hiện được điều đó, Bộ Chính Trị và Chính phủ đã đồng ý áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để Huế phát triển nhanh, áp dụng cơ chế tài chính, đầu tư cho đô thị loại 1. Quan trọng nhất là hệ thống cầu, đường trong nội thị với hàng chục dự án lớn nhỏ được Trung ương đầu tư vốn từ ngân sách, vốn ODA, vốn kêu gọi đầu tư của doanh nhân trong và ngoài nước. Sẽ có quy hoạch cụ thể và thực hiện từng dự án. Nghe mà phấn chấn! Nói “trực thuộc trung ương” thì ai cũng mừng. Nhưng nhiều người nhìn lại lịch sử vẫn băn khoăn. Thế cái tên Thừa Thiên sẽ xóa đi sao? Tỉnh Thừa Thiên được đặt tên từ thời Minh Mạng, tồn tại hàng trăm năm nay không còn nữa, thật uổng! Thứ nữa đã là đô thị lớn, thì đô cũng lớn mà thị cũng phải tầm cỡ tương ứng. Đô thị có thể xây dựng trong thời gian ngắn, còn từng lớp thị dân, nếp sống thị dân là mối lo lớn nhất. Vì Huế xưa nay như một “đô thị vườn”, nay mở rộng cả tỉnh trở thành thành phố thì chuyện xây dựng nếp sống thị dân sẽ vô cùng gian nan, phức tạp, đòi hỏi phải có kế hoạch chiến lược giáo dục tỉ mỉ trong vài chục năm. Ngày chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh vào năm 1989, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, lúc đó là phó bí thư tỉnh ủy, cùng giới trí thức văn nghệ sĩ Huế đã ra tờ báo "Huế Ngày Nay" với mong muốn đây là tờ báo của tỉnh, nhưng báo phát hành được 8 số thì không được chấp nhận vì thiếu mất chữ Thừa Thiên. Vài năm nữa cả tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành "thành phố Huế", chắc chắn cái tên báo "Huế Ngày Nay" sẽ được nhắc lại. Ngô Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1983/2009/08/1715185/