Hứa Vĩ Văn trải lòng về thăng trầm của nghiệp diễn và cuộc đời

Hiếm có trường hợp nào có sự đột phá “trở lại” showbiz vừa muộn màng mà cũng vừa ngoạn mục như người đàn ông mang tên Hứa Vĩ Văn.

Hứa Vĩ Văn

Hiếm có trường hợp nào trong showbiz lận đận một cách “bền bỉ” như Hứa Vĩ Văn.

Dù làm người mẫu, ca sỹ hay diễn viên, người đàn ông có vẻ ngoài hào hoa phong nhã “vượt thời gian” cũng chỉ gom góp được “gia tài” là một sự nghiệp nghệ thuật đàng hoàng, tử tế và nhàn nhạt cùng đời tư chẳng có gì nổi trội.

Cũng hiếm có trường hợp nào có sự đột phá “trở lại” showbiz vừa muộn màng mà cũng vừa ngoạn mục như người đàn ông nhà họ Hứa.

Sau chuỗi phim “liên hoàn” thủ đúng một dạng vai “nhà sản xuất âm nhạc” thắng đậm phòng vé và gây tiếng vang lớn, Hứa Vĩ Văn đường hoàng trở thành “soái ca ngôn tình” của điện ảnh Việt khi đã ngót nghét 40 tuổi ở ngoài đời, đặt dấu ấn trong lòng khán giả với phong độ diễn xuất ổn định và hình tượng “lung linh hoàn hảo” từ phim ảnh cho đến đời thường.

Mấy ai biết được, “soái ca” cũng có nhiều tâm tư “biết kể cùng ai” sau khi đã kinh qua không ít buồn vui thăng trầm của nghiệp diễn lẫn đời người…

- Sau thời gian “bỗng dưng biến mất” thì giờ khán giả thành ra lại “nhẵn mặt” anh với tần suất mỗi năm một phim đấy nhỉ?

Hứa Vĩ Văn: Nếu xem đó là phong độ thì cũng đáng tự hào đấy chứ. Thời gian này tôi mới được nghỉ ngơi một chút vì đã hoàn thành xong vai diễn cho phim chiếu Tết năm 2017 “Chạy đi rồi tính.”

Sau "Em là bà nội của anh" tôi nhận được nhiều lời mời hơn từ các nhà sản xuất nhưng cũng chỉ có thể sắp xếp để có mặt trong một phim. Thôi thì mỗi năm một phim mà cho “ra tấm ra món” thì đã mừng.

- "Em là bà nội của anh" có thể xem là cột mốc quan trọng gắn liền tên tuổi của anh với danh hiệu “soái ca ngôn tình”?

Hứa Vĩ Văn: Đúng là đến phim "Em là bà nội của anh," tôi mới thực sự tận hưởng vinh quang của mình, thứ mà trong các bộ phim trước đây tôi đều nhường lại cho các bạn diễn. Tôi còn từng được Thể thao Văn hóa & Đàn Ông vinh danh là “người hỗ trợ thầm lặng của năm” (Best Supporting Act – Men Of The Year) nữa cơ mà.

Đúng là tôi rất có duyên khi nhập vai “nhà sản xuất âm nhạc.” Với "Thần tượng" tôi “lăngxê” Hoàng Thùy Linh, với "Chàng trai năm ấy" là Sơn Tùng. Quá tam ba bận, đến "Em là bà nội của anh" tôi có nói với Miu Lê - “kỳ này chắc em sẽ nổi đó Miu ơi.” Quả nhiên phim thành công đưa tên tuổi Miu Lê thành điểm sáng của điện ảnh sau một thời gian “dính” với toàn phim thảm họa.

Nhưng Hari Won lại nói với tôi – “kỳ này coi chừng anh Văn “hot” đó, vì anh chàng đóng vai của anh trong bản gốc bên Hàn Quốc cũng thành ngôi sao luôn.” Có thể điều đó đã linh ứng, dù khi nhận lời tham gia phim tôi cũng không kỳ vọng gì nhiều, bản thân tôi cũng là lựa chọn cuối cùng của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh sau khi casting chính thức không chọn được ai ưng ý.

Có lẽ phim nào tôi tham gia cũng tròn trịa chỉn chu nên khán giả họ dành thiện cảm, phim lại đạt doanh thu “khủng” nên nhờ đó mà không chỉ riêng tôi mà cả dàn diễn viên đều nhận được nhiều hiệu ứng tích cực sau đó.

Tôi có cảm giác như người ta vừa phát hiện ra một ngọn núi lửa tưởng chừng đã tắt từ lâu nhưng té ra vẫn còn lửa cháy trong đó, chỉ chờ một thời cơ để được phun trào trở lại.

- Thành công tìm đến anh theo một cách rất nhẹ nhàng và xem ra anh đón nhận nó cũng nhẹ nhàng không kém?

Hứa Vĩ Văn: Có thể vì tôi chưa từng đón nhận thành công nào tương tự trước đây nên tôi cũng không rõ mình nên có cảm giác gì cho đúng mực nữa? Lăn lộn gần hai chục năm trong nghề, tôi cũng từng có lúc háo hức mong chờ thành công lắm chứ.

Chẳng hạn như dự án "Trần Thủ Độ" trong đó tôi thủ vai Lý Huệ Tông, kinh phí đầu tư lên đến 50 tỷ, kỷ lục đối với phim cổ trang Việt thời bấy giờ, rốt cuộc lại gặp trục trặc nên không công chiếu. Hoặc thời điểm phim điện ảnh trở lại rầm rộ với "Gái nhảy," "Nữ tướng cướp," tôi cũng có phim "Saigon Love Story" đóng cùng Ngô Thanh Vân, cũng nghĩ là sắp “nổi” đến nơi rồi, thế mà phim bị dời lịch chiếu đến 3 năm.

Ngô Thanh Vân thì góp mặt ngay sau đó vào "Dòng máu anh hùng," đến khi Vân nổi rồi phim "Saigon Love Story" mới được công chiếu rồi nhanh chóng rơi vào hư không.

Có thể nói những gì tôi có được trong một năm qua sau phim "Em là bà nội của anh" bằng gấp đôi những gì tôi gom góp được suốt 20 năm trước đó, về mọi thứ từ vị trí, thù lao đến cơ hội nghề nghiệp.

Có thời gian tôi còn chưa chuẩn bị tâm lý để đón nhận chuyện đó. Chẳng hạn như danh hiệu "soái ca," rất nhiều người muốn có nhưng nó lại được đặt vào mình, và mình thì chưa hẳn đã xứng đáng. Cũng lại có người bảo đến giờ này mới được như thế là trễ rồi đó. Nghe vậy tôi cũng chỉ đành cười chứ biết nói gì hơn? Thôi thì cũng "soái ca" nhưng là “soái ca bất đắc dĩ” vậy. (cười)

- Số anh kể ra cũng lận đận nhỉ, bao giờ cho đến một vai nam chính đàng hoàng tử tế?

Hứa Vĩ Văn: Thì cũng kịp có rồi đấy thôi. Cùng lúc bốn nhà sản xuất đánh tiếng mời tôi tham gia dự án phim mới, tất cả lại cùng bấm máy một thời điểm nên chỉ có thể chọn một. Tôi cũng cân nhắc nhiều, vai diễn không đàng hoàng lại phụ lòng khán giả trót yêu thích hâm mộ mình.

Tôi chọn "Chạy đi rồi tính" ngoài yếu tố nhà sản xuất và phát hành uy tín, còn vì bộ đôi Nam Cito và Bảo Nhân. Họ tuy chưa có sự nghiệp hoành tráng hay học hành điện ảnh bài bản, nhưng lại có gout thẩm mỹ tốt và tinh thần chiến đấu.

Vai diễn lần này cũng hoàn toàn khác những gì tôi từng thể hiện trong các phim trước, một nam chính không có ngoại hình “soái ca” nhưng có tâm hồn “soái ca.”

Tôi kỳ vọng phim này sẽ tiếp tục “giữ lửa”, bởi sau khi đạt được nhiều thứ như trong hiện tại thì tôi lại càng không muốn đánh mất nó. Có nhà báo còn gọi vui tôi là “anh trai quốc dân”, một kiểu so sánh với các nam tài tử kỳ cựu ở Hàn Quốc, thường xuyên góp mặt trong các bộ phim đình đám nhưng không khiến khán giả chán và ngán. Họ xem sự có mặt đó là một bảo chứng cho chất lượng phim.

Chưa hẳn tôi đã có sự thể hiện xuất sắc nhất, nhưng khán giả có cơ sở để đặt niềm tin vào những dự án điện ảnh có tôi tham gia, từ đó nhà sản xuất cũng mong muốn có tôi trong dự án của họ.

- Giả dụ thời gian trước đây người có tâm với nghề như anh bỏ cuộc chơi cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Trụ lại được đến tận thời điểm này kể ra cũng là kỳ tích, bởi “cơm áo không đùa với nghệ sỹ”?

Hứa Vĩ Văn: Tôi không định than nghèo kể khổ ở đây nhưng rõ ràng mình không thuộc dạng có điều kiện để dám vỗ ngực tự xưng theo đuổi nghệ thuật vì đam mê.

Trong suốt một năm trời ròng rã tôi tham gia một phim điện ảnh, các bạn đồng nghiệp trẻ có thể tham gia tận 5,6 phim truyền hình, đóng vai chính với những khoản thù lao hấp dẫn. Vậy tại sao tôi vẫn làm điều đó? Cũng giống như đầu tư bất động sản vậy, nhà muốn bán được giá phải chờ đúng thời cơ.

Phim "Chàng trai năm ấy" ra mắt, mọi người bắt đầu nhìn nhận Hứa Vĩ Văn ở một vị thế hoàn toàn khác. Số tiền trong năm tôi kiếm có thể không bằng người ta, nhưng những gì đến tiếp sau đó vẫn xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Nếu tiếp tục chạy 5, 6 phim như trước đây tôi cũng chẳng đi đến đâu cả, rồi chỉ dừng lại ở một sự nghiệp xoàng xĩnh và nhàm chán. Làm sao có kết quả đột phá nếu vẫn cứ làm mọi chuyện theo cách cũ?

Những khi bế tắc tôi cũng nhìn ra thế giới mà học hỏi. Tại sao âm nhạc có ca sỹ hạng A hạng B hạng C mà diễn viên thì lại không? Vì sao Việt Nam không còn tài tử điện ảnh hay ngôi sao phòng vé? Tôi rất thích Daniel Day-Lewis, hơn 50 tuổi mà “mới chỉ” đóng có 12 phim, nhưng toàn phim nghệ thuật xuất sắc và đã kịp gom 3 tượng vàng Oscar. Tôi tự hỏi không tham gia phim thì anh ta làm gì để sống. Giả dụ mải mê lo làm chuyện khác anh ta có làm nên những vai diễn ấn tượng khiến khán giả nổi da gà được hay không?

So sánh nào cũng khập khiễng nhưng tôi tin sự đầu tư nghiêm túc cho một vai diễn là điều tối cần thiết ở một diễn viên.

Không phải cứ ăn cơm đi ngủ đều đặn mỗi ngày mà vai diễn tự vận vào người mình để rồi cứ thế mà “nhập đồng” trên màn ảnh. Đằng sau màn ảnh hẳn phải là một sự nỗ lực kinh khủng khiếp lắm! Thế nên dành trọn một đến hai năm để theo phim nên xem là chuyện hết sức bình thường, và cũng đừng nên xem chuyện sắp lịch để tham gia cùng lúc ba bốn phim mới là chuyện phi thường! (cười)

- Khi làm với người trẻ anh thường rất tích cực giữ vai trò hỗ trợ và tung hứng ăn ý. Ngược lại họ có tác động gì đến suy nghĩ của anh không?

Hứa Vĩ Văn: Ngày xưa khi Quang Huy nói với tôi rằng anh ấy thích làm việc với người trẻ, tôi trót nghĩ phiến diện là Huy ham rẻ, với người trẻ dễ sai dễ bảo hơn. Mãi tận hai năm sau tôi mới nghiệm ra điều Huy nói, rằng người trẻ họ có nhiều năng lượng hơn, nhiều đam mê hơn, chấp nhận chiến đấu vì cái mới chứ không bị sức ì như những người có chút tuổi.

Mặt khác, người trẻ không chỉ truyền cho tôi cảm xúc tích cực mà họ còn dành cho tôi sự tôn trọng và tin tưởng, điều mà có một thời gian tôi không tìm thấy ở những đồng sự trước đây ở mảng phim truyền hình. Khi mình được trả về trạng thái thoải mái nhất về cả vật chất lẫn tinh thần thì tôi còn gì để mà phàn nàn, chỉ còn mỗi việc toàn tâm toàn ý cho vai diễn và cùng mọi người tỏa sáng.

- Anh vốn đó giờ vẫn cần những điều đó, hay khi người ta trẻ người ta xông xáo hơn, còn anh từng trải nhiều lại sinh ra dè dặt và đòi hỏi nhiều hơn chăng?

Hứa Vĩ Văn: Tôi muốn giải thích rõ là tôi không sợ cực sợ khổ trên set diễn. Là người nghệ sỹ, tôi yêu cầu sự hợp tác, trân trọng và công nhận, ngay từ các đồng sự đối tác của mình là chính đáng.

Tôi có quyền chọn “xả thân” cho những ai thực sự hiểu sự hy sinh và cống hiến của mình, biết quan tâm đến sức khỏe và tâm lý của dàn diễn viên để họ thể hiện tốt nhất.

Đấy là chưa nói đến khả năng khơi gợi được năng lực tiềm tàng của diễn viên để tác phẩm chung thêm hoàn thiện. Suy cho cùng thì ai cũng được lợi từ chuyện đó, cả người làm phim lẫn khán giả.

- Tôi đoán có biến cố nào đó trong đời khiến anh nhìn nhận mọi sự theo góc nhìn mới bình thản nhưng cũng sòng phẳng và thực tế hơn?

Hứa Vĩ Văn: Từ khi ba mất, tôi chiêm nghiệm về cuộc sống và Phật giáo nhiều hơn. Cuộc đời này vô thường lắm, mình cũng chẳng biết cuối cùng sẽ đạt được điều gì.

Ba mất khi tôi chưa kịp làm gì cho ba, giải thưởng danh giá để chứng minh con đường mình lựa chọn là đúng đắn cũng đến quá muộn màng.

Trước khi mất, ba nói một câu khiến tôi sững người – “Ba biết con bôn ba trăn trở nhiều lắm, công việc không như ý con cũng buồn rầu. Từ giờ trở đi con cứ cố gắng nên người, sống tốt làm việc tốt là ba vui rồi.”

Từ đó tôi chọn sống chậm lại, quý trọng hơn những gì mình có, sống thong dong hơn và cố gắng làm những gì tốt nhất trong khả năng của mình. Giải thưởng danh vọng hay tiền bạc cũng chẳng còn quan trọng nữa. Thế mà “chúng nó” kéo nhau ùa đến vào lúc mình chẳng ngờ đến nhất.

- Người ta vẫn “trông mặt mà bắt hình dong,” nhìn anh thư sinh nho nhã, quần là áo lượt lại nghĩ số anh sướng lắm chứ đâu ngờ cũng lắm niềm riêng?

Hứa Vĩ Văn: Vẻ ngoài của tôi đánh lừa nhiều người lắm, chứ sức chịu đựng và độ lì đòn của tôi cũng xếp vào dạng "cao thủ." Đâu phải chuyện đơn giản mà những người nổi tiếng cùng thời với tôi chẳng còn mấy ai trụ được đến giờ này.

Tôi cũng ngỡ ngàng khi nhìn lại mình đã đi qua gần hết mọi giai đoạn thăng trầm của ngành nghệ thuật giải trí nước nhà, từ cái thời Thanh Lam-Hồng Nhung, đến Lam Trường-Phương Thanh rồi Mỹ Tâm-Hồ Ngọc Hà, đến giờ là Noo Phước Thịnh-Đông Nhi và mới đây nhất là Sơn Tùng-Miu Lê.

Kể ra tôi cũng giống “nhân chứng lịch sử” hay “người đi xuyên thời gian” thật. Với tính tôi không thích chia sẻ chuyện cá nhân hay tiêu cực lên trang cá nhân.

Cuộc sống lắm điều xấu xa mệt mỏi rồi, tôi chỉ muốn giữ năng lượng tích cực và lan tỏa nó thêm cho những người xung quanh. Chứ cuộc sống ai mà chẳng buồn, ai mà chẳng khổ, ai mà phơi phới mãi cho được? Mọi người cứ hay vẽ những bức tranh đẹp đẽ hoàn hảo rồi đặt tôi vào trong đó đấy chứ!

- Vậy giờ anh đã thực sự thoải mái với cuộc sống chưa hay còn điều gì trăn trở?

Hứa Vĩ Văn: Điều duy nhất tôi mong muốn cho cuộc sống của mình là không phải bận tâm. Tôi muốn trước khi đi ngủ mình chẳng còn phải lo lắng đến lịch làm việc, lịch quay hay dự án nào đó còn dang dở, chuyện nhà chuyện cửa, sức khỏe của mẹ, đứa em đứa cháu của tôi…

Thế nên để không bận tâm, tôi chỉ còn cách cố gắng giải quyết hết công việc trước khi… đi ngủ. Gần 40 tuổi, tôi muốn sống hết mình cho thực tại để không phải lo nghĩ nhiều đến ngày mai.

Nhiều người cũng hỏi tôi sao không lập gia đình hay tìm ai đó quen biết cho có đôi có cặp. Tôi nghĩ tuổi mình không còn là tuổi để yêu nữa. Bắt đầu tình yêu rồi cưa cẩm hẹn hò với tôi giờ là điều quá đỗi xa xỉ. Cuộc đời tôi từ nhỏ đã sớm phải phụ giúp gia đình, gánh vác chuyện lớn nhỏ trong nhà.

Đến hiện giờ khi em của tôi có con, tôi cũng phải phụ chúng chăm con, là cháu gái của tôi. Nếu bây giờ phải yêu rồi lập gia đình với một ai đó, tôi nghĩ chắc mình sẽ ngột ngạt lắm, và tự hỏi khi nào tôi mới kịp thở?

Mỗi người sẽ có cách riêng để tận hưởng cuộc sống, đừng nhất thiết phải gò mình vào một vai diễn do ai khác định sẵn. Lúc này đây tôi đang hoàn toàn thoải mái với cuộc sống độc thân của mình.

Người tôi cần lúc này là tri kỷ, giúp tôi “dễ thở” hơn, san sẻ những buồn vui, không ràng buộc, không chiếm hữu, và không làm tôi phải bận tâm. Cuộc sống vốn dĩ không nên có quá nhiều thứ khiến mình phải bận tâm./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hua-vi-van-trai-long-ve-thang-tram-cua-nghiep-dien-va-cuoc-doi/417043.vnp