Hủ tục rùng rợn để tưởng nhớ người đã khuất của 1 bộ tộc ở Indonesia

Bộ tộc Dani ở Indonesia vốn nổi tiếng thế giới với những phong tục kì lạ đến sởn gai ốc như hun khói người chết thành xác ướp và chặt ngón tay của người phụ nữ mỗi khi người thân mất để tưởng nhớ họ.

Được xem là một bộ tộc đồ đá tồn tại trong thế kỷ XXI nên hầu như mọi nghi lễ cổ xưa của bộ tộc Dani vẫn được giữ nguyên vẹn mà nghi lễ chặt ngón tay là một trong số đó. Mỗi khi có một người thân trong gia đình mất đi thì đồng nghĩa với việc người phụ nữ trong gia đình đó sẽ phải chặt đứt một hay hai đốt ngón tay. Với người Dani, việc người thân mất đi sẽ không đơn giản là nỗi đau tinh thần mà còn là cả sự mất mát về thể xác. Mỗi đốt ngón tay mất đi, đồng nghĩa với việc người phụ nữ đó đã mất từng ấy người thân. Người Dani gọi phong tục này là Ikipalin.

Theo quan niệm của họ, việc mất những đốt ngón tay sẽ khiến cho nỗi đau của người ở lại được khắc sâu hơn. Nó sẽ chỉ nguôi ngoai phần nào khi ngón tay lành lặn trở lại nhưng vẫn sẽ còn tồn tại trên cơ thể của người ở lại mãi mãi. Cũng có khi, thay vì ốm đau thương nhớ người đã khuất, người Dani muốn nói rằng hãy để nỗi đau này ra đi và một đốt tay sẽ minh chứng cho điều đó.

Việc cắt ngón tay phải diễn ra trong bí mật và vô cùng kín đáo để không ai được biết. Người phụ nữ phải mài sắc mảnh đá hay rìu đá rồi tìm đến một nơi thanh vắng để chặt cho đốt xương của đốt ngón tay vỡ dập đi. Sau khi xương ngón tay đã bị vỡ dập, người phụ nữ sẽ đi về làng, giơ cho mọi người xem ngón tay đã bị dập nát. Mọi người trong làng khi nhìn thấy ngón tay bị dập nát thì sẽ tập hợp lại, dùng xương ống chân của chim caswari - đây vốn là một loài chim lớn như đà điểu - đã được mài bén, giúp cắt lìa đốt ngón tay đã bị dập xương.

Cuối cùng, vết thương sẽ được băng lại bằng lá rừng cho đến khi lành hẳn, mà không có sự can thiệp nào của các phương pháp chăm sóc y tế. Cũng chính bởi vậy, các vết thương thường bị nhiễm trùng, lở loét khi phải tiếp xúc với các chất bẩn. Mặc dù vô cùng đau đớn và nguy hiểm song phong tục này đã được người Dani duy trì trong hàng nghìn năm nay và không có ý định thay đổi hay bỏ đi.

Bà Mereka, một người phụ nữ Dani đã xòe cả hai bàn tay nay chỉ còn lại bốn ngón. Bà nói rằng đã có rất nhiều người thân trong gia đình mình mất đi và giờ số ngón tay của bà chỉ còn thế này. Mereka chia sẻ: "Mỗi khi một người thân trong gia đình mất đi, tất cả những người phụ nữ trong gia đình sẽ phải bôi bùn lên người, lên mặt để chịu tang. Sau đó, những người phụ nữ sẽ biểu lộ nỗi đau, sự mất mát của mình bằng việc cắt đi các ngón tay."

Bà Mereka còn nói thêm rằng, nếu những người thân mất đi mà số đốt tay không đủ để cắt bỏ, thì sẽ đến lượt các phần thân thể kế tiếp như vành tai hay mũi. Với bà Mereka, đó là cách để có thể chứng minh một cách rõ nét nhất tình thương của người ở lại với người đã khuất.

Và mặc cho vết cắt nhiễm trùng, sưng tấy gây đau đớn, thậm chí gây hoại tử, chết người, song những người phụ nữ Dani vừa bị cắt ngón tay vẫn ngày ngày vào rừng săn bắt, hái lượm tìm cái ăn. Bởi theo những người phụ nữ này thì chẳng có nỗi buồn và đau nào hơn mất đi một người thân. Bà Mereka cũng nói thêm rằng hoàn toàn không có bất cứ một phương pháp giảm đau nào cả. Tất cả mọi người đều cảm thấy rất đau nhưng họ vẫn phải làm, vì đó là phong tục, là tập quán truyền thống. Không chỉ có người phụ nữ Dani cắt ngón tay khi người thân mất mà đôi khi, những người đàn ông trong bộ tộc cũng chặt ngón tay mình để biểu lộ tình thương yêu của mình với người đã mất.

Theo Ngọc Vũ / Trí Thức Trẻ

Nguồn Kênh 14: http://kenh14.vn/hu-tuc-rung-ron-de-tuong-nho-nguoi-da-khuat-cua-1-bo-toc-o-indonesia-20160804115650474.chn