HTC U11 với tính năng 'bóp': Để vui hay để bán?

HTC U11 đã chính thức ra mắt tại Việt Nam ngày 31.5 với mức giá xấp xỉ 17 triệu đồng. Cho tới thời điểm này, HTC U11 là smartphone cao cấp đầu tiên có cấu hình mạnh nhất cập bến thị trường Việt Nam, với bộ xử lí Qualcomm Snapdragon 835 xung nhịp 2,45GHz và RAM lên tới 6GB.

Từ đời HTC U, HTC đã làm mới thiết kế so với đời HTC One trước đây (ảnh: HTC).

Cần biết rằng, ngay cả Galaxy S8 sử dụng bộ xử lí Snapdragon 835 nhưng tại thị trường Việt Nam bộ nhớ RAM cũng chỉ 4GB. HTC U11 là một bước cải tiến gia tăng sức mạnh cũng như tính năng từ HTC U Ultra ra mắt cách đây chưa lâu lắm. Máy có màn hình 5,5 inch Quad HD (2.560 x 1.440) với kính 3D cường lực Corning Gorilla Glass 5; chuẩn kháng nước và bụi IP67; 2 SIM, khe nhớ mở rộng lên đến 2TB; máy ảnh chính 12MP công nghệ UltraPixel3, lấy nét nhanh chỉ trong 0,3 giây; máy ảnh selfie 16MP có thể chụp tự động, chụp bằng giọng nói, hẹn giờ lên đến 10 giây, selfie panorama...

Thiết kế bề mặt chất lỏng mới ở vỏ mặt sau tạo sự khác biệt, đặc biệt là sự phản chiếu ánh sáng.

Nhìn chung, HTC U11 đúng nghĩa là một siêu phẩm với cấu hình cũng như nhiều tính năng mới. Trong đó, tính năng "bóp" HTC Edge Sense - cảm ứng cạnh viền là một sự đầu tư đầy mới mẻ mục đích tạo sự khác biệt và cũng là yếu tố đáng giá để marketing trong thời buổi những smartphone mới ra lò nhìn chung dần cạn kiệt các ý tưởng, tính năng để tạo nét riêng.

Công nghệ cảm ứng cạnh viền HTC Edge Sense cho phép bóp nhẹ hai cạnh viền với mức độ gia lực nhẹ, mạnh tùy chỉnh để mở máy ảnh, chụp ảnh; mở đèn; mở ứng dụng; ghi âm; tìm kiếm bằng giọng nói.v.v... Cùng với thiết kế bề mặt vỏ sau dạng chất lỏng lóng lánh, HTC U11 khi cầm trên tay có cảm giác khó lẫn với các mẫu smartphone của thương hiệu khác.

Với nhiều ưu điểm là vậy, nhưng liệu HTC U11 có làm nên chuyện?

Thứ nhất ở tính năng "bóp" theo công nghệ cảm ứng cạnh viền, đúng như lời ông Nguyễn Hồng Châu - CEO HTC Việt Nam - rằng nó "vui vui". Theo chúng tôi, tính thực dụng của tính năng này chưa chắc đã cao. Đơn cử, chụp ảnh bằng cách bóp, thường tạo độ rung làm ảnh chụp dễ bị mờ, nhòe. Khi selfie hiện nay, hầu hết các smartphone cho phép bấm nút chỉnh âm ở cạnh máy, nhưng tỉ lệ người dùng rất thấp so với việc chạm vào nút máy ảnh, cho thấy sự tiện lợi và thực dụng không cao. Mặt khác, cứ bóp hoài thì cũng mỏi ngón tay, thậm chí đau tay, đặc biệt đối với phái nữ càng khó duy trì lâu động tác này.

Dù nhiều ưu điểm, nhưng HTC U11 vẫn sẽ gặp nhiều thách thức trên thị trường sản phẩm cao cấp vốn như một mặc định thuộc về Apple và Samsung.

Với nhiều ưu điểm là vậy, nhưng HTC U11 cũng không ít điểm yếu, trước hết là về sự thất thế trên phân khúc thị trường smartphone cao cấp hiện nay. Với mẫu này, phù hợp hơn với những người ham mê công nghệ thích khám phá những tính năng mới, còn đối với người dùng bình thường mức giá 17 triệu là một thách thức. Nên nhớ rằng, tiền nhiệm của HTC U11 là HTC U Ultra đã từng giảm giá mạnh đến vài triệu sau khi lên kệ tại Việt Nam chưa lâu. Liệu HTC U11 có thoát được "lối mòn" này?

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-nghe/htc-u11-voi-tinh-nang-bop-de-vui-hay-de-ban-669721.bld