HSC: Cổ phiếu ACV là lựa chọn đầu tư rất hấp dẫn

Vị thế độc quyền và mô hình tăng trưởng rủi ro thấp, cổ phiếu ACV là lựa chọn đầu tư rất hấp dẫn. Rủi ro tỷ giá là một yêu tố cần cân nhắc với mức dư nợ bằng Yên hiện tại, tuy vậy rủi ro này sẽ giảm nhẹ theo thời gian khi công ty mở rộng nguồn huy động vốn.

Đó là nhận định của bộ phận phân tích CTCK TP. HCM (HSC) khi đưa ra đánh giá về cổ phiếu AVC của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

ACV chuẩn bị lên UpCom

Theo tin từ Sở GDCK Hà Nội (HNX), hơn 2,17 tỷ cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (UpCom: ACV) sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM kể từ ngày 21/11/2016, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 25.000 đồng/CP.

Như vậy, sau gần 1 năm kể từ ngày ACV tổ chức IPO ra công chúng, cổ phiếu này sắp trở thành đơn vị có vốn hóa lớn nhất của sàn Upcom với vốn hóa tính theo giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên lên tới 54.429 tỷ đồng (khoảng 2,4 tỷ USD).

Năm 2017 hết lỗ tỷ giá, lợi nhuận sẽ tăng mạnh

ACV đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất Q3/2016 với doanh thu thuần đạt 4.060 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 804 tỷ đồng. Nếu gộp cả quý II và quý II/2016, doanh thu thuần đạt 7.918 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 787 tỷ đồng. Nếu không tính lỗ tỷ giá, thì lợi nhuận trước thuế của ACV đạt 2.616 tỷ đồng trong quý II và quý II/2016.

Theo HSC, do ACV mới chỉ chính thức trở thành công ty cổ phần kể từ ngày 1/4/2016, và mới chỉ công bố báo cáo tài chính quý II và quý II/2016 nên không có số liệu cùng kỳ để so sánh. Tuy nhiên nếu so với KQKD cả năm 2015, thì doanh thu 2 quý này đã bằng 60% doanh thu thuần cả năm 2015 và lợi nhuận trước thuế bằng 91% cả năm 2015.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, số lượt hành khách của ACV tăng 30% so với cùng kỳ - lên 60,5 triệu lượt gồm có 17,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 25% so với cùng kỳ) và 43 triệu lượt hành khách nội địa (tăng 32% so với cùng kỳ). Số lượt hạ/cất cánh là 417.800 (tăng 26% so với cùng kỳ) và số lượng hàng hóa thông qua cảng là 765.700 tấn (tăng 7% so với cùng kỳ).

Theo đó công ty đã đạt 80% kế hoạch về số lượng hành khách; 79% kế hoạch số lượt hạ/cất cánh và 69% kế hoạch số lượng hàng hóa qua cảng cho cả năm 2016 sau 9 tháng.

Năm 2016, HSC dự báo doanh thu thuần của ACV sẽ tăng trưởng 22% và lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng 29% nếu không tính lãi/lỗ tỷ giá. Nếu tính cả lãi/lỗ tỷ giá thì lợi nhuận sau thuế giảm 35%. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 16.010 tỷ đồng (tăng trưởng 22%); lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh chính đạt 3.718 tỷ đồng (tăng trưởng 29%) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.144 tỷ đồng (giảm 35%).

HSC dự báo ACV sẽ ghi nhận lỗ tài chính thuần là 1.552 tỷ đồng trong năm 2016 (năm 2015 ghi nhận lợi nhuận tài chính thuần là 149 tỷ đồng). Nguyên nhân chính do ghi nhận lỗ tỷ giá thuần tăng mạnh từ 602 tỷ đồng lên 2.289 tỷ đồng tương ứng với đồng Yên sẽ tăng giá 15% so với đồng VND. Đến cuối 2016, ước tính khoản vay bằng đồng Yên là 69,896 tỷ Yên (669,93 triệu USD).

Đến năm 2017, HSC dự báo danh thu thuần đạt 18.181 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với năm 2016. Đóng góp bởi số lượng hành khách tăng trưởng 18% đạt 93,05 triệu khách; Số lượt cất/hạ cánh là 609.929 (tăng trưởng 8,6%) và Số lượng hàng hóa vận chuyển là 1.132 nghìn tấn (tăng trưởng 7%).

Đáng chú ý, HSC dự báo lợi nhuận tài chính thuần sẽ đạt 1.205 tỷ đồng với dự báo tỷ giá JYP/VND giảm 3% so với năm 2016. Điều này giúp cho lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh chính đạt 4.479 tỷ đồng (tăng trưởng 21%) nhưng lợi nhuận sau thuế có thể tăng trưởng 244% so với năm 2016, đạt 3.931 tỷ đồng

Cơ hội tăng trưởng trung dài hạn

Trong giai đoạn 2010- 2015, số lượng hành khách hàng không tại Việt Nam tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (CAGR) là 14,9%. Trong đó, lượng khách nội địa tăng với CAGR là 16,2% và khách quốc tế tăng với CAGR là 12,3%.

Trong năm 2015, số lượng hành khách hàng không ở Việt Nam đạt 63,12 triệu khách (tăng trưởng 24,2%) bao gồm 44,0 triệu khách nội địa (tăng trưởng 26,9%) và 19,1 triệu khách quốc tế (tăng trưởng 18,4%).

Theo Trung tâm hàng không - CAPA, Việt Nam là thị trường hàng không phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á và một trong 10 thị trường hàng không nội địa phát triển nhanh nhất ở Châu Á trong năm 2015.

Cục Hàng không Việt Nam cũng dự báo số lượng hành khách hàng không tại Việt Nam sẽ tăng trưởng CAGR 13,9% trong giai đoạn từ năm 2015-2020 và đạt 76,5 triệu khách trong năm 2020. Sau giai đoạn này, dự báo tăng trưởng CAGR sẽ là 13,5% từ năm 2020 - 2030 và đạt 204,3 triệu khách đến năm 2030.

HSC đánh giá, tăng trưởng trung hạn của ACV phụ thuộc chủ yếu vào sự mở rộng công suất trong phân khúc hành khách quốc tế.

Theo HSC, công suất chung của ACV dự báo sẽ tăng 10% so với năm 2015 đạt 78,2 triệu khách/năm vào cuối năm 2016 và tăng thêm 4 triệu khách, tương đương 5% vào cuối năm 2017. Tập trung vào phân khúc hành khách quốc tế, là phân khúc có đơn giá cao gấp 3-6 lần so với phân khúc khách nội địa.

HSC ước tính công suất phục vụ khách quốc tế sẽ tăng 35% vào cuối năm 2017.

Nhà ga hành khách Cát Bi tại Hải Phòng hoạt động từ tháng 5/2016.

Ngoài ra, ACV đã trình đề xuất lên Bộ Giao thông yêu cầu tăng phí dịch vụ hàng khách nội địa tại 7 sân bay bao gồm Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vinh và Phú Bài. HSC đánh giá việc đề xuất tăng phí dịch vụ hành khách nôi địa thêm 43% là cơ hội tăng thu nhập cho ACV.

Cụ thể, ACV đề xuất tăng phí dịch vụ hành khách nội địa 43% từ 70.000 đồng/khách lên 100.000 đồng/khách (bao gồm thuế) và tăng phí cất/hạ cánh đối với các chuyến bay nội đại thêm 43% lên mức tương đương 50% phí cất/ hạ cánh với các chuyến bay quốc tế. ACV cũng đề xuất lộ trình tăng phí dịch vụ hành khách nội địa cố định hai năm/ lần để huy động vốn cho nâng cấp các nhà ga nội địa.

Theo HSC ước tính, 7 sân bay này chiếm 90% tổng lượng hành khách trong năm 2015 và doanh thu từ thu phí dịch vụ hành khách nội địa tại những sân bay này chiếm 21% tổng doanh thu phí dịch vụ hành khách toàn công ty năm 2015.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/hsc-co-phieu-acv-la-lua-chon-dau-tu-rat-hap-dan-2016111702043446p146c155.news