Hót rác, hát rong – những người làm đẹp cho Hà Nội

Mỗi tuần, nhóm “Hát rong từ thiện” lại “tụ tập đông người” để dành ra 2 buổi tối lang thang trên đường phố Hà Nội, vừa quét rác vừa hát rong xin tiền làm từ thiện. Họ giống những chú chim sơn ca, dùng tiếng hát của mình mang lại hạnh phúc, niềm vui và tiếng cười cho mọi người.

“Sơn ca” trong thành phố

Vẻ ngoài của chim sơn ca rất bình thường, không có gì nổi bật nhưng bù lại chúng có giọng hót mê hoặc lòng người. Chim sơn ca còn là biểu tượng cho sự hạnh phúc, may mắn, hy vọng, tự do, niềm vui, tuổi trẻ và những gì tươi mới. Có một nhóm làm thiện nguyện cũng như vậy. Họ giản dị, đơn thuần ngay từ chính tên nhóm: Hát rong từ thiện. Giống như sơn ca, họ mang tiếng hát đi đổi lấy niềm vui, hạnh phúc và cả hy vọng sống cho những bệnh nhi bất hạnh.

Nhóm “Hát rong từ thiện” mới thành lập được 5 tháng, bởi một người phụ nữ mê hát. Đó là chị Trần Phương Anh, 33 tuổi, nhà ở phố Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội. Trước đây, chị Phương Anh là chủ một tiệm làm tóc, gội đầu. Từ ngày ngẫu hứng xách loa ra đường hát dạo, xin tiền mang quyên góp cho trẻ em nghèo, chị dần “bén duyên” với công việc thiện nguyện và nay đã trở thành người điều hành một nhóm hơn 700 thành viên cũng đam mê làm từ thiện.

Nhóm “Hát rong từ thiện” có áo đồng phục riêng

Chị kể: “Ý tưởng làm từ thiện kiểu hát rong đến với tôi rất buồn cười. Tôi rất thích hát, nhưng ngồi hát ở nhà mãi cũng làm phiền hàng xóm, bị phàn nàn. Tôi chợt nghĩ sao mình không làm một thùng từ thiện ra ngoài đường, làm thế vừa thỏa thích ca hát biết đâu lại xin được tiền về”. Biết một chị hàng xóm lúc đó cũng đang làm từ thiện xây trường trên vùng cao, chị Phương Anh bèn hỏi mượn hộp quyên góp một buổi và hứa xin được bao nhiêu tiền sẽ đưa hết để chị ấy xây trường. Ý tưởng được khen hay và ủng hộ, ngày hôm sau chị Phương Anh đã có buổi hát rong đầu tiên.

“Trưa 28/4 tôi cùng 2 bạn trẻ nữa xách loa, mang hộp quyên góp ra Tân Mai đứng hát. Hai bạn kia chỉ dám đẩy loa, không dám hát hay ôm thùng đi xin tiền vì xấu hổ. Thế là tôi chứ hát 1-2 bài lại bỏ mic đấy đi xin tiền. Trong vòng 2 tiếng, tôi xin được hơn 1,6 triệu. Tối đó vui quá lại vác thùng ra đầu ngõ, xin được hơn 300.000 nữa, thành ra cả ngày được 2 triệu” – chị Phương Anh nhớ lại. Ngày hôm sau, chính người đã cho chị Phương Anh mượn thùng quyên góp cũng muốn đi cùng. Hôm đó xin được 1,3 triệu. Toàn bộ số tiền xin được trong 2 buổi này, chị Phương Anh đều đưa hết cho người hàng xóm như đã hứa.

Khi đăng tải những hoạt động này trên facebook cá nhân, chị Phương Anh chỉ đơn giản nghĩ muốn chia sẻ với mọi người chứ không ngờ đến việc mình trở thành thủ lĩnh của một nhóm tình nguyện khá đông đảo như hôm nay. Qua facebook, những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ được giới thiệu đến chị. Dần dần chị mới nghĩ đến việc thành lập một nhóm hát rong xin tiền để giúp đỡ các bệnh nhi nghèo. Nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tham gia của nhiều người trẻ có chung sở thích, nhóm “Hát rong từ thiện” chính thức được thành lập, có fanpage riêng, là nơi mọi người chia sẻ các hoạt động và kế hoạch thiện nguyện.

Xu hướng dọn rác thu hút giới trẻ

Slogan của nhóm là "Góp một bàn tay cho nhiều cuộc đời nhỏ"

“Hát rong từ thiện” không chỉ thu hút được sự tham gia của sinh viên – những người trẻ còn tràn đầy nhiệt huyết với các công tác xã hội mà còn cả những người đi làm ở mọi ngành nghề, chức vụ: kỹ sư, bác sĩ, giáo viên mầm non, đầu bếp, kinh doanh, nhân viên văn phòng, giám đốc… Điểm chung ở họ là thích hát, thích được giúp đỡ những mảnh đời khốn khó.

Anh Nguyễn Quốc Huy là một trong những thành viên cốt cán của "Hát rong từ thiện"

Anh Nguyễn Quốc Huy (27 tuổi, kỹ sư điện làm việc ở Hà Nội) là một trong những thành viên gắn bó với “Hát rong từ thiện” từ những ngày đầu thành lập. Anh Huy chia sẻ: “Hồi mình xin gia nhập nhóm mới có 2-3 người. Sau ngày đầu tiên hát rong ở Đền Lừ, thấy đây vừa làm việc làm có ích, vừa đem đến niềm vui cho mình nên mình tham gia thường xuyên hơn. Mình thường phụ trách việc về loa đài, chuẩn bị đồ đạc, cũng có khi cầm mic hát để xin tiền quyên góp cho các cháu bé vượt qua bệnh tật”.

Chị Phương Anh cho biết, hiện tại nhóm hoạt động online có hơn 700 thành viên, hoạt động thường xuyên có gần 50 người. “Những bạn đi từ đầu đến cuối là tầm 25-30 người, mình vẫn gọi là thành viên ruột” – chị tâm sự.

Mỗi tuần nhóm “Hát rong từ thiện” chỉ dành ra 2 buổi tối để đi hát, xin tiền. Dù có rất nhiều người đăng ký, xếp chỗ khi chị post lịch hoạt động lên facebok nhưng mỗi buổi hát chỉ có 8-15 người đăng ký sớm nhất được “tuyển chọn”. Phải chốt số người như thế để tránh việc đi quá đông gây ồn ào, mất thiện cảm với người dân xung quanh.

Bên cạnh đó, chị Phương Anh cũng đề xuất việc quét rác để tận dụng tối đa nguồn nhân lực. Chị giải thích: “Bọn tôi thường xin trên phố Tạ Hiện là phố ăn uống nên đường rất nhiều rác. Do đó tôi cắt cử ra 4 bạn trong nhóm đi quét rác, dọn đường phía trước. Thứ nhất là để dọn sạch chỗ cho nhóm biểu diễn, thứ 2 là tri ân khu phố đã vui vẻ để cho chúng tôi hoạt động, cuối cùng là muốn người dân hiểu hành động từ thiện của chúng tôi là thật chứ không có ý định phá phách gì”.

Thường thường mỗi buổi đi hát rong, nhóm xin được khoảng 4 triệu, hôm nhiều nhất được gần 6 triệu. Số tiền sau khi xin được đều được tích góp lại, đến khi được khoảng 10-20 triệu lại mang vào viện ủng hộ cho các bệnh nhi. Nhờ sự giúp đỡ của phòng công tác xã hội ở viện, nhóm biết được những trường hợp bệnh nhi khó khăn, cần giúp đỡ và hỗ trợ bằng cách chi trả một phần viện phí.

Mỗi tuần, nhóm lại tụ tập nhau vào 2 buổi để đi hát rong xin tiền

“Bọn tôi đóng viện phí và trao hóa đơn đã đóng tiền cho gia đình bệnh nhi chứ không trao tiền mặt. Tôi nghĩ đó là phương án tốt nhất vì sợ có gia đình sử dụng tiền từ thiện vào mục đích khác chứ không chữa bệnh cho các cháu” – chị Phương Anh phân trần.

Với cách thức hoạt động như thế, sau 5 tháng, nhóm “Hát rong từ thiện” đã quyên góp được 110 triệu đồng cho các bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi Trung ương (trong đó 50 triệu để cùng tổ chức chương trình “Trung thu hồng”, 60 triệu để ủng hộ viện phí cho một số bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn); 50 triệu cho các bệnh nhi ở viện Việt Đức, chưa kể khoảng 10 triệu cho các trường hợp lẻ bên ngoài. Tính sơ sơ, những người hát rong giàu lòng nhân ái đã hỗ trợ được các mảnh đời bất hạn 170 triệu đồng. Sau này, ngoài tiền xin hát rong, nhóm cũng nhận được sự ủng hộ, đóng góp từ các Việt kiều, nhà hảo tâm.

Số tiền xin được sau một buổi hát rong tuy không lớn nhưng rất đáng quý

Số tiền từ thiện tuy không lớn nhưng rất đáng trân trọng. Bởi đó là công sức lặng thầm của những con người vô danh, là sự gạt bỏ nỗi xấu hổ, mặc cảm để cầm mic đi hát rong, đi “ăn xin” mang tiền về làm từ thiện cho các cháu nhỏ. Thậm chí, để có được số tiền này, nhóm “Hát rong từ thiện” đã phải học cách chấp nhận và vượt qua những ánh mắt nghi kỵ, dò xét, thậm chí là dè bỉu của người đời. So với số tiền, đáng quý và giá trị nhất vẫn là những tấm lòng nhân ái.

Phiên bản mới hoạt động tình nguyện

Khi khách đứng, người ôm thùng đứng thẳng, khom lưng, đầu cúi thấp hơn khách thể hiện sự tôn trọng

Từ thiện không phải công việc vì chẳng ai được trả lương để làm điều đó. Từ thiện cũng không phải việc làm của những kẻ nhàn rỗi, bởi làm rồi mới biết có trăm thứ việc không tên chứ chẳng có chuyện ngồi một chỗ là người ta đem tiền tới quyên góp. Từ thiện cũng rất khó, vì phải gây dựng được lòng tin xã hội. Thời buổi này đâu ai dại gì ném tiền qua cửa sổ.

“Tôi chỉ muốn nói một câu, làm từ thiện không khó mà rất là khó” – anh Huy, thành viên nhóm “Hát rong từ thiện” tâm sự. Đây là lần đầu tiên anh tham gia, gắn bó với một nhóm thiện nguyện từ những ngày mới thành lập. Nhóm của anh nhiều lần bị xua đuổi và nghi ngờ là có động cơ xấu chứ không phải làm từ thiện thật. Có lần còn bị công an cấm không cho hoạt động vì sợ gây rối, tụ tập đông người!

Khi khách là em bé, người ôm thùng nên ngồi xuống để em bé dễ bỏ tiền vào thùng hơn

Anh chia sẻ: “Tôi không có mong muốn gì hơn là việc làm của nhóm được xã hội hiểu và thông cảm, chính quyền công nhận để nhóm có thể hoạt động rộng hơn ở những địa điểm khác, xin được nhiều tiền về giúp đỡ cho các em nhỏ. Con đường thiện nguyện rất là dài, 5 tháng hay 10 tháng cũng chẳng đáng là bao so với hàng trăm nghìn trường hợp khốn khó cần giúp đỡ ngoài kia”.

Còn chị Trần Phương Anh cũng gặp không ít khó khăn, điều tiếng khi làm thiện nguyện. Ngay cả những người hàng xóm thân cận cũng nghi ngờ chị Phương Anh đi hát rong mưu sinh, kiếm tiền đút túi, hoặc đầu óc có vấn đề nên mới đi làm chuyện này. Với gia đình, chị Phương Anh cũng phải tìm cách sắp xếp mọi chuyện hợp lý để không mang tiếng bỏ con ở nhà đi lo chuyện thiên hạ. “Có những lúc tưởng như bỏ nhóm giữa chừng, không làm nữa, thế mà tôi vẫn giữ được nhóm đến bây giờ” – chị Phương Anh nhớ về quãng thời gian đã qua.

Để từng bước tạo lập lòng tin cho mọi người, sự chuyên nghiệp của nhóm, chị Phương Anh cũng đề ra những quy định về quy cách hoạt động: cách cầm banner, cầm hòm quyên góp tiền khi người quyên góp là người lớn, trẻ em, cách nói lời cảm ơn… Đặc biệt không đeo bám hoặc tiếp cận những người có ý lảng tránh để không tạo cảm giác khó chịu cho người khác. Chị cũng làm áo đồng phục nhóm, vừa để các thành viên trẻ không tự ti, mặc cảm vì bị hiểu nhầm hát rong ăn mày, vừa để người ngoài thấy đây là một nhóm chính trực, không “đội lốt” để trục lợi.

Du khách nước ngoài hào hứng tham gia hoạt động cùng nhóm

Những lần đi hát rong, chị đều mang theo những tấm giấy xác nhận của Bệnh viện Nhi trung ương để làm bằng chứng cho việc làm chính trực, mục tiêu trong sáng của nhóm. Mỗi tấm giấy chứng nhận ấy cũng được coi là món quà của bệnh viện mỗi khi nhóm ủng hộ được từ 5 triệu trở lên cho các bệnh nhi.

Với mục đích trong sáng như vậy, nhưng nhóm “Hát rong từ thiện” vẫn không ít lần bị lực lượng dân phòng xua đuổi vì lo ngại gây rối trật tự. Lần đầu tiên nhóm gặp rắc rối về pháp lý là bị công an phường Hàng Đào mời lên phường nói chuyện. Lần khác bị công an phường Hàng Bạc thu cả loa và cấm không được hát rong trên con phố này nữa. Từ đó, Hàng Bạc là tuyến phố cấm với “Hát rong từ thiện”.

Sau những khó khăn, vất vả, chị Phương Anh nói về những dự định tương lai. Người phụ nữ ấy vẫn nặng lòng với những tấm đời kém may mắn và mong muốn được giúp đỡ càng nhiều hơn nữa. Chị buồn bã nói: “Chúng tôi đã được sự đồng ý của trưởng công an phường Hàng Buồm nên phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến là địa điểm hoạt động chính mỗi dịp cuối tuần của nhóm. Nhưng tương lai muốn mở rộng một vài bộ loa nữa, xin thêm ở những tuyến phố khác thế nên tôi chỉ mong mỏi được chính quyền địa phương thông cảm, hiểu cho việc mình làm để có cơ hội xin được nhiều tiền cho các cháu hơn”.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/hot-rac-hat-rong-%e2%80%93-nhung-nguoi-lam-dep-cho-ha-noi