Hợp tác xã sẽ được mua cổ phần doanh nghiệp khác?

(ANTĐ) - Ngày 4-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi và dự án Luật Lưu trữ.

Một trong những nội dung của dự án Luật Hợp tác xã được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm là việc có nên cho phép HTX, Liên hiệp HTX thành lập công ty TNHH một thành viên hoặc mua cổ phần của công ty khác hay không. Dự thảo luật không quy định cụ thể vấn đề này nhưng vẫn đề cập đến khái niệm “doanh nghiệp trực thuộc HTX”. Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền, nếu đã xem HTX là tổ chức kinh tế tự chủ, bình đẳng với các loại hình kinh tế khác trong cơ chế thị trường thì không thể không cho phép HTX thành lập công ty trực thuộc hoặc góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến trong UB Kinh tế đề nghị không cho phép HTX thành lập công ty TNHH một thành viên nhằm bảo đảm HTX thành lập là để phục vụ nhu cầu của thành viên, tránh rủi ro cho HTX. Việc cho phép mua cổ phần của doanh nghiệp khác cũng dễ gây nên xung đột giữa việc HTX đầu tư sinh lời với mục tiêu phục vụ thành viên. Theo số liệu mới cập nhật, đến nay cả nước ta có 14.500 HTX đang hoạt động, trong đó có hơn 600 HTX thành lập trước năm 1997 chưa chuyển đổi. Các HTX tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc và Tây Nguyên có số lượng HTX ít hơn cả. Liên quan tới dự án Luật Lưu trữ, UB Pháp luật đề nghị, cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ hơn cơ sở của việc quy định thời hạn giải mật là 40 năm, 60 năm. Bởi mục đích của việc lưu trữ tài liệu là để sử dụng. Vì thế, việc quy định hợp lý thời hạn được khai thác, sử dụng (giải mật) là hết sức cần thiết. Hiện nay, có tình trạng nhiều tài liệu lưu trữ có nội dung mật nhưng không được đóng dấu mật, ngược lại có tài liệu lưu trữ nội dung không còn mật nhưng không có cơ chế để giải mật. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc rà soát, giải mật nên việc khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, đề nghị cần nghiên cứu để xác định cụ thể cơ chế giải mật và quy định thời gian giải mật ngắn hơn (khoảng 30 năm) cho phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế. Đồng thời, với những trường hợp đặc biệt, giao cho cơ quan có thẩm quyền kéo dài thời gian bảo mật.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=83653&channelid=6