Hợp tác phòng chống tội phạm công nghệ cao

VH- Phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia như tội phạm buôn bán trái phép ma túy, buôn người và đặc biệt tội phạm công nghệ cao là các nội dung quan trọng được bàn thảo tại Kỳ họp lần thứ 80 Đại hội đồng INTERPOL được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 31.10 - 3.11.2011 với sự tham dự của hơn 630 lãnh đạo ngành cảnh sát và quan chức cao cấp ngành hành pháp từ 142 nước. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự khai mạc và có bài phát biểu chào mừng.

Thách thức toàn cầu

Hoạt động các ngành Công an trên thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn như tội phạm có tổ chức, khủng bố, cướp biển, buôn bán người, lạm dụng tình dục, tội phạm trực tuyến trên mạng internet...

Chúng ta đang tăng cường hội nhập quốc tế cho nên loại tội phạm công nghệ cao diễn biến rất phức tạp. Trong nhiều năm qua, phải nói rằng chúng ta đã điều tra khám phá rất nhiều các vụ án mà các đối tượng lợi dụng công nghệ cao. Chúng ta phối hợp rất tốt với cảnh sát các nước ASEAN và các nước trên thế giới (Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ)

Trong đó, tội phạm công nghệ cao được xác định là một trong nhiều thách thức mới nổi toàn cầu, gây thiệt hại cho thế giới 400 tỉ USD mỗi năm. Theo số liệu của Interpol, cứ 14 giây lại có một nạn nhân của loại tội phạm này.

Phân tích của Interpol cho thấy mạng internet có vai trò rộng lớn đối với người dân trên thế giới và cả Việt Nam và tội phạm công nghệ cao ngày càng phổ biến. “Hoạt động của các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ngày càng diễn biến rất phức tạp.

Chúng đã mở rộng địa bàn hoạt động, triệt để lợi dụng sự khác nhau về hệ thống pháp luật, sự chênh lệch về trình độ khoa học - công nghệ và kinh nghiệm của các cơ quan thực thi pháp luật giữa các nước để tiến hành các hoạt động phạm tội, nên hậu quả do tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia gây ra rất nghiêm trọng, không chỉ ở từng quốc gia mà còn liên quan đến nhiều nước”, Trung tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam nhận định.

Trả lời phỏng vấn của báo chí Việt Nam, ngài Khu Bun Hui - Chủ tịch Interpol cho biết, Việt Nam cùng các nước thành viên của Interpol trong khu vực đã tích cực tham gia chuyên án SOGA đấu tranh chống cá độ bóng đá trong khu vực.

Từ năm 2007- 2010, các chuyên án SOGA của Interpol đã thu được hơn 26 triệu USD tiền mặt, triệt phá thành công các tụ điểm cá độ trái phép với số tiền cá độ lên đến hơn 2 tỷ USD.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam cùng với các cơ quan thực thi pháp luật châu Á đã tham gia chuyên án xuyên biên giới của Interpol (STORM), tập trung vào các đối tượng, băng nhóm tội phạm chuyên sản xuất, phân phối 4 loại thuốc giả gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng như thuốc chống bệnh sốt rét, bệnh lao, HIV và thuốc kháng sinh, đặc biệt là thuốc trị viêm phổi và một số bệnh liên quan đến trẻ em….

Hợp tác chống tội phạm

Tại cuộc họp, những người đứng đầu Interpol luôn khẳng định an ninh và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống tội phạm phải được theo dõi và đôn đốc ở cấp độ cao nhất của chính phủ. Interpol cũng đánh giá quan hệ giữa Interpol và Việt Nam đang rất hiệu quả, chặt chẽ và gặt hái được nhiều thành công.

Đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả của Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống tội phạm, với vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực phòng chống tội phạm ngày càng được nâng cao, Interpol mong muốn thúc đẩy mối quan hệ này chặt chẽ hơn nữa. “Chúng ta không thể chống tội phạm xuyên quốc gia một mình.

Interpol đang có hơn 180 quốc gia thành viên và sẽ có 190 quốc gia thành viên trong thời gian tới. Chúng ta đã xây dựng một trung tâm chia sẻ dữ liệu tại Singapore, nâng cao sự hỗ trợ đối với quốc gia thành viên trong việc để xử lí những mối đe dọa của tội phạm thế kỉ XXI chẳng hạn như các loại tội phạm trên internet.

Tại kì họp này, chỉ huy cảnh sát cùng nhau thảo luận chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp giải quyết những vấn đề cấp bách của thời đại ngày nay cũng như dự báo những vấn đề của tương lai”, ngài Chủ tịch Interpol chia sẻ.

Nói về sự hợp tác với Interpol trong tương lai, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam cho biết Công an Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác đào tạo sĩ quan cảnh sát và tiếp thu khoa học kỹ thuật, phối hợp với cảnh sát quốc tế phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, điển hình là tội phạm ma túy, tội phạm buôn bán người và tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Đây là một trong những thách thức đối với Việt Nam và cả thế giới. Đánh giá chung về sự hợp tác toàn cầu nói chung và với Việt Nam nói riêng, đại diện Interpol cho biết trong những năm qua, hằng năm Interpol đã ưu tiên đào tạo nâng cao năng lực hàng ngàn sĩ quan cảnh sát trên thế giới để có thể ứng phó với nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác nhau.

Interpol cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn để các cơ quan thực thi pháp luật xác định, xác minh nhanh hơn tội phạm cũng như các đối tượng bị truy nã quốc tế. Interpol có một mạng lưới thông tin dữ liệu rất rộng để từ đó có thể tra cứu tài liệu, hộ chiếu để xác định xem đó có phải là giấy tờ bị đánh cắp hay không khi các đối tượng lợi dụng hộ chiếu đó để nhập cảnh, phát hiện, truy tìm tội phạm lẩn trốn trên khắp thế giới. Đồng thời Interpol cũng sẵn sàng chào đón và tạo điều kiện để các quan chức và sĩ quan cảnh sát Việt Nam tới làm việc tại Ban Thư kí và trụ sở liên hợp của Interpol tại Pháp và Singapore.

Quốc Hùng

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/chinhtrixahoi/40432.vho