Họp Quốc hội khóa XIV: Gỡ 'nút thắt' trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức lớn với “nút thắt” trong tái cơ cấu ngành.

Bên lề Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ với phóng viên BNEWS về chương trình hành động của ngành trong thời gian tới để tháo gỡ “nút thắt” trên.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông Thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời phỏng vấn bên lề họp Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN

BNEWS: Trong vai trò là tân Bộ trưởng, xin ông cho biết nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường : Trọng tâm của ngành trong thời gian tới là tập trung vào tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.

Đối với tái cơ cấu ngành, trước những thách thức đang gặp phải đòi hỏi ngành phải tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung hàng hóa hiệu quả và chuỗi giá trị.

Đây là chương trình lớn nhất mà bộ sẽ tập trung chỉ đạo trong thời gian tới.

Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, đây là một chương trình tương đối toàn diện về phát triển kinh tế xã hội, an ninh ở vùng nông thôn.

Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta lượng hóa ra một chương trình xây dựng nông thôn mới với những tiêu chí cụ thể.

Đến nay, cả nước đã phấn đấu được 22% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong tổng số 8.900 xã của các nước. Con số này thể hiện quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị trong thời gian qua.

Tuy nhiên trong thời gian tới, nhiệm vụ này là rất nặng nề, bởi các xã đạt chuẩn nông thôn mới đều tập trung ở thiết chế về hạ tầng, còn các mục tiêu cốt lõi như nâng cao đời sống nhân dân thông qua tổ chức lại sản xuất, môi trường, an ninh… vẫn ở mức chưa cao.

Bên cạnh đó, 68% số xã còn lại đều nằm ở vùng kinh tế khó khăn, do đó việc huy động xã hội hóa rất khó. Có rất ít doanh nghiệp và nhà đầu tư khác tập trung vào khu vực này, tôi cho rằng đây là một nội dung rất nhiều khó khăn.

Muốn làm được điều này phải có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, phải có những giải pháp mới mang tính đột phá thì mới giải quyết được vấn đề.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn coi đây là 2 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và cần sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương của các Bộ, ngành liên quan.

BNEWS: Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện vẫn còn thấp, vậy để thu hút doanh nghiêp đầu tư vào lĩnh vực này cần có giải pháp gì, thưa ông?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường : Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, những đầu tư từ ngân sách cho lĩnh vực này theo số tuyệt đối thì ngày một tăng.

Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bởi lẽ, nông nghiệp sau 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu đáng kể. Từ một đất nước nông nghiệp, mỗi năm phải nhập khẩu 2 triệu tấn lương thực.

Đến nay, Việt Nam đã vươn lên thành 1 nước lo đủ lương thực, thực phẩm cho 92 triệu dân. Không những thế, chúng ta còn dành một phần để xuất khẩu. Đó là thành công rất lớn.

Để có một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, chuỗi giá trị hiệu quả, hội nhập được với toàn cầu thì đòi hỏi phải có sự đầu tư hơn nữa. Chúng ta cũng nên nhớ rằng, đầu tư ở đây là ở phạm trù rộng.

Cho nên cần phải có chính sách tốt để thu hút tổng nguồn lực xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Muốn đạt được điều đó, chúng ta cần phải có những chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư.

BNEWS: Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nhưng tốc độ được đánh giá là vẫn chậm. Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân và ngành sẽ có giải pháp nào để gỡ “nút thắt” này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Sau 3 năm thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ đã xây dựng 6 chương trình tái cơ cấu chuyên ngành, đặc biệt là các địa phương hiện nay đang tập trung cho chương trình riêng của mỗi tỉnh.

Đến nay, bước đầu đã có sự chuyển biến, đã có rất nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ví dụ, tại Đồng Tháp chương trình tái cơ cấu nông nghiệp được tỉnh tập trung vào 5 ngành hàng mũi nhọn có tính chất lợi thế của địa phương như trái cây, cá, lúa, gạo, vịt. Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu, Đồng Tháp đã thu được hiệu ban đầu.

Hay như Lâm Đồng tập trung vào nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để khai thác lợi thế như rau, hoa.

Đến nay, Lâm Đồng đã có 24% diện tích canh tác được thâm canh và ứng dụng công nghệ cao. Do đó, đưa giá trị canh tác trên một diện tích đạt trên 245 triệu đồng/ha…

Nhiều mô hình trong chăn nuôi bò sữa của các Tập đoàn TH True Milk, Vinamilk đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể nói, về mặt công nghệ các mô hình này đạt đẳng cấp thế giới.

Nhìn một cách tổng thể thì có nguyên nhân chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Đến nay mới có 3.100 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Như đã biết, nếu trong sản xuất nông nghiệp mà không có doanh nghiệp thì chúng ta ko thể giải quyết được câu chuyện ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức chuỗi sản xuất, chế biến, đặc biệt là gắn sản xuất với tiêu dùng.

Do đó, cần phải nghiên cứu hoàn chỉnh chính sách làm sao để thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hơn nữa.

Nguyên nhân thứ 2, nếu cứ sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay thì rõ ràng sức cạnh tranh thấp. Ngay trong việc tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là thương thảo đầu ra… những việc đó một người nông dân không thể làm được.

Hiện cả nước chỉ có trên 1.000 hợp tác xã kiểu mới. Do đó, thời gian tới, chúng ta phải tổ chức chỉ đạo nhanh hơn, hình thành nhiều hơn các hợp tác xã kiểu mới. Giai đoạn tới cần phải đẩy mạnh hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách, cho ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tập trung hơn về công tác chỉ đạo, thực tiễn chứng minh rằng, ở tỉnh nào quan tâm vấn đề này thì hợp tác xã kiểu mới ở tỉnh đó phát triển. Đây chính là nút thắt quan trọng mà ngành nông nghiệp cần tập trung giải quyết.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần rà soát lại các chương trình, dự án để xây dựng thương hiệu quốc gia có tính chất định hướng chung, tập trung khai thác lợi thế cho từng vùng.

Tôi cho rằng, với những biện pháp đó sẽ tạo điều kiện thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp nhanh hơn và chỉ có con đường tái cơ cấu nông nghiệp thì Việt Nam mới thích nghi được trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/hop-quoc-hoi-khoa-xiv-go-nut-that-trong-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep/20985.html