Hợp phát vì sự ổn định và phát triển bền vững

KTĐT - Sự kiện nổi bật của thế giới tuần qua là Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc (LHQ) kiểm điểm việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) diễn ra tại New York (Mỹ).

Sau 3 ngày họp, Hội nghị đã bế mạc ngày 22/9 với việc thông qua văn kiện đề cập mọi vấn đề của thế giới dựa trên 8 mục tiêu MDG. Vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng và cơ chế gìn giữ hòa bình cũng được các đại biểu đặt ra nhằm tăng cường sức mạnh của LHQ trong việc thực hiện các mục tiêu mà nhân loại đã ủy thác. Trước đó, hôm 21/9, bên lề Hội nghị cấp cao LHQ, hơn 100 nước đã ký kết, phê chuẩn hoặc thừa nhận Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) và các nghị định thư bổ sung của văn kiện này. Điều này giúp Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) có quyền tiếp cận lớn hơn với chương trình phát triển hạt nhân của các nước. Ngày 24/9, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ hai đã diễn ra tại New York (Mỹ) dưới sự đồng chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trên cương vị Chủ tịch ASEAN cùng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Hôm 25/9, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã bắt đầu hội nghị 2 ngày tại thành phố Sendai (Nhật Bản) để thảo luận về tính khả thi thiết lập Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) - một chủ đề lớn chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh thường niên APEC vào tháng 11 tới. Ngày 22/9, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã kêu gọi cải thiện mối quan hệ giữa nước này và Mỹ, đồng thời khẳng định vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ không làm mất cân bằng quan hệ thương mại giữa hai nước. Một ngày sau, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã hội đàm trao đổi về các vấn đề đang làm gia tăng căng thẳng ở Tây Thái Bình Dương. Hai bên đã tái khẳng định quan hệ đồng minh trên nhiều lĩnh vực như vấn đề xung quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Iran; vấn đề tái thiết Afghanistan và giúp Pakistan khắc phục hậu quả lũ lụt. Cùng ngày, trong bài phát biểu tại LHQ, Tổng thống Mỹ Obama đã kêu gọi Israel kéo dài thời hạn ngừng xây dựng khu định cư Do Thái tại Khu Bờ Tây và khuyên các nhà lãnh đạo Chính quyền Dân tộc Palestine (PLA) không rút khỏi bàn đàm phán cho đến khi hòa đàm có kết quả. Trong một diễn biến khác, hôm 24/9, ông Obama tuyên bố quân đội Mỹ sẽ ở lại Afghanistan "cho đến khi công việc hoàn tất", bất chấp cam kết rút một số lực lượng chiến đấu của Mỹ tại chiến trường này vào tháng 7/2011. Tuần qua, lo lắng về khủng hoảng lương thực đã tạm lắng sau khi Tổ chức Lương-Nông của Liên hợp quốc (FAO) hôm 25/9 đã bác bỏ khả năng này mặc dù giá lúa mì trên thị trường thế giới đã tăng khoảng 60% - 80% và giá ngô tăng khoảng 40% kể từ tháng Bảy vừa qua. Tuần qua, căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" bất chấp việc thuyền trưởng tàu cá đã được phía Nhật trả tự do hôm 25/9. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố yêu cầu xin lỗi và bồi thường của Trung Quốc về vụ tàu cá là "vô căn cứ" và "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Nhiều vụ tấn công nghiêm trọng xảy ra trong tuần cũng làm dấy lên lo ngại về tình hình bất ổn tại một số khu vực trên thế giới. Hôm 22/9, một vụ đánh bom xảy ra ở thị trấn Mahabad (Tây Bắc Iran) khiến 10 người thiệt mạng và 57 người bị thương, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Ngày 23/9, nhóm phiến quân Hồi giáo Al-Shabab có quan hệ với al-Qaeda ở Somalia đã tấn công chớp nhoáng vào thủ đô Mogadishu, gây ra nhiều vụ nổ khiến ít nhất 19 thường dân thiệt mạng, 86 người bị thương. Cùng ngày, tổ chức cực đoan Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công cuối tuần trước tại Tajikistan khiến 28 binh sỹ nước này thiệt mạng. Tại Los Angeles (Mỹ), an ninh cũng được thắt chặt sau khi xảy ra một vụ xả súng hôm 25/9 khiến 1 người thiệt mạng và 7 người bị thương… Gia Hân

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=17&newsid=244903