Họp nhóm Bộ Tứ Normandy, Putin có thắng lợi cho riêng mình

Bất chấp cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine của nhóm Normandy hôm 19/10 rơi vào bế tắc, chuyến đi của ông Putin vẫn mang lại một số lợi ích nhất định.

Đúng như các dự đoán từ trước, cuộc họp của 4 nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Đức và Pháp tại Berlin hôm 19/10 tiếp tục đi vào bế tắc. Đã không có thêm giải pháp nào trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine.

Cuộc họp nhóm Normandy có sự tham gia của lãnh đạo 4 nước Nga, Pháp, Ukraine, Đức, được tổ chức tại thủ đô Berlin, Đức vào hôm 19/10.

Nga và Ukraine tiếp tục cáo buộc lẫn nhau về việc không bên nào tuân thủ đúng Hiệp định Minsk. Trong khi điện Kremlin chỉ xác nhận sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ một ngày trước cuộc đàm phán.

Trước đó nhà lãnh đạo Nga đã bày tỏ hoài nghi về tính hiệu quả trong nghị trình lần này.

Kiev cũng tỏ ra không kỳ vọng, khi Konstantin Yeliseyev, một quan chức cao cấp của chính phủ Ukraine thừa nhận mọi thứ sẽ vẫn đình trệ: "Chúng ta không nên nghĩ rằng một phép lạ sẽ xảy ra", ông nói.

Khi kết thúc cuộc đàm phán kéo dài năm giờ đồng hồ, không có tài liệu được ký kết. Các bên chỉ thông báo rằng trong vòng một tháng sẽ có thêm một "lộ trình mới" để giải quyết tình hình ở Donbass.

Mặc dù đã có những đánh giá lạc quan từ các bên tham gia, khi Tổng thống Putin thừa nhận các nhà lãnh đạo đã cam kết theo đúng hiệp định Minsk, thì ngược lại Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh những bất đồng cơ bản giữa Moscow và Kiev vẫn còn.

"Mối quan hệ Nga-Ukraine tiếp tục được căng thẳng và nếu biết trước Kiev tiếp tục quan điểm của riêng mình, Moscow có thể đã từ chối tham gia cuộc họp," Sergei Karaganov, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế và chính trị tại Đại học Kinh tế Moscow nói với RBTH.

Theo Karaganov, Poroshenko không thể và không muốn thực hiện một phần trong hiệp định Minsk liên quan đến việc tổ chức các cuộc bầu cử địa phương ở Donbass và ân xá cho người ly khai.

Timofei Bordachev, giám đốc chương trình thảo luận quốc tế Valdai, đồng ý với Karaganov khi cho rằng Ukraine không sẵn sàng đối thoại.

"Phía Ukraine đã công khai nói rằng họ đang chờ đợi người chủ mới của Nhà Trắng và hy vọng vị tổng thống này sẽ là Hillary Clinton, người giúp kịch bản chuyển hướng sang đối đầu với Nga một lần nữa", Bordachev nói RBTH.

Hỗ trợ cho Merkel và làm hòa với Hollande

Ông Putin đã có cuộc nói chuyện với Thủ tướng Angela Merkel hôm 19/10.

Theo giới quan sát Nga, mục đích chính của ông Putin trong chuyến đi Berlin không hẳn là kết nối với người đồng cấp Ukraine.

"Cuộc họp này không dành cho Poroshenko. Ông Putin đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo châu Âu, về một loạt các vấn đề liên quan không chỉ đến Ukraine mà cả về mối quan hệ Nga-Syria-châu Âu", nhà phân tích chính trị Sergei Mikheyev cho biết.

Học giả Ukraine Mikhail Pogrebinsky nói trên kênh Kommersant FM rằng, một trong những mục tiêu của ông Putin là hỗ trợ cho thủ tướng Đức Angela Merkel - người chủ trì cuộc họp lần này.

"Ông quyết định cứu vãn cho uy tín của bà Merkel sau các kế hoạch đã thất bại. Tuy nhiên đổi lại, Putin muốn có cho mình một vài thứ", Pogrebinsky nói.

Ngoài ra, chuyến đi lần này sẽ là dịp để ông Putin nói chuyện với Tổng thống Pháp François Hollande sau khi hoãn chuyến thăm Paris hồi cuối tuần trước.

Pogrebinsky nhận định cuộc họp là "một lý do tốt cho Putin và Hollande gặp gỡ, xóa bỏ hiểu lầm đang nảy sinh giữa họ".

Sau cuộc họp bốn bên liên quan đến Ukraine, Tổng thống Putin cùng Thủ tướng Merkel và Tổng thống Hollande đã một lần nữa thảo luận về các vụ không kích ở Aleppo, thực hiện bởi các lực lượng không quân Nga và quân chính phủ Syria.

Đức và Pháp cho biết có thể sẽ có thêm lệnh trừng phạt mới đối với Nga nếu nước này không dừng lại các cuộc không kích ở Syria.

Về phần mình, Moscow thông báo đã mở rộng các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Aleppo và kêu gọi "phe đối lập ôn hòa" theo cách gọi của Mỹ sớm tách ra khỏi khủng bố.

Ông Sergei Karaganov bày tỏ hoài nghi về triển vọng đối thoại với các nhà lãnh đạo châu Âu về vấn đề Syria, nhưng hoan nghênh thực tế là các cuộc đàm phán đã diễn ra.

"Pháp và Đức không có đòn bẩy thực sự gây ảnh hưởng đến tình hình ở Syria, nơi mà vai trò quan trọng vốn thuộc về Mỹ. Nhưng một cuộc thảo luận sẽ chẳng gây ra tác hại gì? Đó là một cơ hội không nên bỏ lỡ", ông nói với RBTH.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/hop-nhom-bo-tu-normandy-putin-co-thang-loi-cho-rieng-minh-a303546.html