Họp khẩn ứng phó với cúm gia cầm

Chiều 20/2, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã họp khẩn bàn biện pháp ứng phó với dịch cúm gia cầm H7N9 và H5N1.

Từ đầu năm 2017 đến nay, nước ta đã phát hiện một số ổ dịch cúm gia cầm. Ảnh internet

Tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết dịch cúm A/H7N9 đang bùng phát mạnh mẽ tại nước láng giềng Trung Quốc. Sau ca bệnh đầu tiên được phát hiện từ năm 2013 đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 1.200 ca. Số ca mắc trên người gia tăng nhanh chóng từ tháng 10/2016 đến nay với hơn 426 trường hợp mắc được ghi nhận, tập trung chủ yếu tại 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), giáp biên giới Việt Nam.

Trong khi đó, theo đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận dịch cúm A/H7N9 trên gia cầm, tuy nhiên từ đầu năm 2017 đến nay, trong nước đã phát hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm. Ổ dịch cúm gia cầm mới nhất được phát hiện trong ngày 20/2 tại xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Trước đó, cũng trong tháng 2/2017, ngành chức năng cũng phát hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tỉnh Bạc Liêu và Nghệ An. Cũng trong thời gian này, đã ghi nhận ổ dịchcúm gia cầm H5N6 tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Trước nguy cơ dịch cúm lây lan trên người, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các viện pasteur khu vực miền Trung, miền Nam và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cần tăng cường chẩn đoán trên các mẫu có nghi ngờ tại những địa phương giáp biên giới các nước đang xảy ra dịch. “Ngoài những ca bệnh có biểu hiện viêm đường hô hấp nặng cần xét nghiệm cả các trường hợp có triệu chứng nhẹ để kịp thời phát hiện ca bệnh”- ông Long yêu cầu.

Để chủ động phòng chống cúm A/H5N1, H7N9… ở người, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

“Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời”, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cơ quan này đã có công điện khẩn gửi các bộ, ngành và các tỉnh địa phương về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A/H7N9 từ Trung Quốc; các chủng vi rút cúm khác xâm nhiễm vào Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các cơ quan liên quan nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và khu vực dân cư biên giới; tuyên truyền, giám sát, phát hiện đấu tranh và không tiếp tay cho hoạt động buôn bán tiêu thụ; khẩn trương rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo chống dịch về người, lực, kinh phí ứng phó khi có dịch cúm gia cầm xảy ra; giám sát, phát hiện kịp thời sự xâm nhiễm của vi rút A/H7N9...

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hop-khan-ung-pho-voi-cum-gia-cam.aspx