Họp báo Thành ủy Hà Nội: Câu hỏi về vụ PV Quang Thế không được trả lời

Vụ việc cảnh sát hình sự xô xát với phóng viên Quang Thế làm “nóng” phần cuối cuộc họp báo thường kỳ của Thành ủy Hà Nội chiều 4/10.

Đại diện của Công an Hà Nội có mặt tại cuộc họp là Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội (PC67).

Ngoài ông Hùng trên bàn đại biểu là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Chủ tịch UBND huyện Đông Anh.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng có mặt tại cuộc họp báo nhằm thông tin về hai vụ tai nạn do xe tự chế, thô sơ gây ra tai nạn nghiêm trọng tại quận Hoàng Mai và quận Hà Đông, Hà Nội vào ngày 23/9 và 25/9 vừa qua.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh trả lời tại cuộc họp báo

Tuy nhiên, với chức trách của lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, phóng viên đặt câu hỏi với Thiếu tá Hùng liên quan đến việc xử lý hành chính phóng viên Quang Thế với hành vi “để xe trên cầu” và bị xử phạt 350.000 đồng.

Đây là một trong 6 hành vi mà phóng viên Quang Thế bị xử phạt hành chính liên quan đến vụ xô xát giữa cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh với phóng viên Quang Thế xảy ra ngày 23/9 trên cầu Nhật Tân.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, với những mảng liên quan, theo quy chế phân công phát ngôn, ông xin phép không trả lời câu hỏi của các phóng viên đưa ra liên quan đến hành vi “để xe trên cầu” đối với phóng viên Quang Thế.

Trước trả lời của ông Hùng, phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi liên quan đến hành vi “để xe trên cầu”. Phóng viên cho rằng, nếu nói về quy chế phát ngôn với tư cách Phó phòng PC67, ông có thể đưa ra câu trả lời về việc xử lý hành chính hành vi “để xe trên cầu”. Tuy nhiên, câu hỏi này không có hồi đáp.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội "chữa cháy" khi cho rằng, nội dung này ông Hùng chưa kịp chuẩn bị.

Phóng viên đặt câu hỏi với ông Phạm Văn Châm - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, với tư cách là người đứng đầu huyện Đông Anh, ông đánh giá thế nào về video clip liên quan đến hành vi của cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh. “Ông có thể cho biết, đấy là gạt trúng má hay là đấm?”, phóng viên đặt câu hỏi.

Ông Phạm Văn Châm trả lời: “Về vụ việc này, sau khi được theo dõi thông tin trên báo chí, chúng tôi đã chỉ đạo Công an Đông Anh xác minh, báo cáo Công an thành phố và Công an thành phố đã có kết luận, tôi không có bình luận gì khác”.

Phóng viên của báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về quan điểm của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc phóng viên báo Tuổi Trẻ bị hành hung trên cầu Nhật Tân, như việc xử phạt có đúng quy định pháp luật… Lãnh đạo TP Hà Nội có chỉ đạo gì về việc vụ việc?

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra của phóng viên báo Tuổi Trẻ và một số phóng viên tại buổi họp báo không được trả lời.

Theo diễn biến vụ việc, sáng 23/9, sau khi nhận được thông tin ở khu vực cầu Nhật Tân có vụ tài xế taxi tử vong bên dưới chân cầu, phóng viên Quang Thế được sự chỉ đạo của lãnh đạo báo Tuổi Trẻ đến tìm hiểu sự việc.

Khi đến nơi, phóng viên Quang Thế không thấy có biển thông báo cấm chụp ảnh, ghi hình, lực lượng chức năng cũng không căng dây bảo vệ hiện trường.

Rất nhiều người dân hiếu kỳ đứng trên cầu tìm hiểu, dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh vụ việc.

Phóng viên Quang Thế cho biết, khi anh đưa máy ảnh ra chụp ảnh thì có một chiến sĩ công an mặc cảnh phục ra nói không được chụp.

Anh Thế đã trình giấy tờ liên quan chứng minh mình đang đi tác nghiệp. Sau đó, anh Thế đi ra cách xa hiện trường khoảng 30m và chụp ảnh thì bị một nhóm người, trong đó có chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát Hình sự - Công an huyện Đông Anh mặc thường phục lao vào cản trở và hành hung (Công an Hà Nội phát ngôn cho rằng là sự xô xát giữa hai bên).

Sau đó, phóng viên Quang Thế đến Công an xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh trình báo sự việc.

Chiều cùng ngày, Đội trưởng Đội cảnh sát Hình sự Công an huyện Đông Anh, Hà Nội đã có buổi làm việc với đại diện báo Tuổi Trẻ và có lời xin lỗi. Sau sự việc Giám đốc Công an Hà Nội đã có chỉ đạo làm rõ sự việc.

Hội Nhà báo Việt Nam cũng có công văn gửi cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ sự việc.

Chiều 29/9, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc phát biểu với báo chí cho biết, liên quan đến vụ việc, hai chiến sỹ liên quan bị khiển trách và kiểm điểm, riêng phóng viên Quang Thế bị phạt 6 lỗi hành chính. Đối với va chạm giữa phóng viên và cảnh sát hình sự, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, do cảnh sát hình sự gạt tay vào người phóng viên Quang Thế nhưng trúng má, giơ cao chân nhưng không trúng.

Phát biểu của Đại tá Nguyễn Duy Ngọc bị dư luận phản ứng. Việc phạt phóng viên Quang Thế cũng bị cho rằng không đúng quy định của pháp luật. Nhiều luật sư, đại biểu Quốc hội cũng như đề nghị xem xét lại vụ việc.

Ngày 3/10, phóng viên Trần Quang Thế đã có đơn khiếu nại gửi Giám đốc Công an Hà Nội và Trưởng Công an quận Tây Hồ về việc xem xét lại quyết định xử phạt hành chính trong vụ việc mà dự luận gọi là vụ “gạt tay trúng má”.

Trong đơn khiếu nại, phóng viên Quang Thế cho rằng, quyết định xử phạt hành chính của Công an quận Tây Hồ là thiếu căn cứ pháp luật và không tuân theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính.

Cùng ngày, Báo Tuổi Trẻ TP.HCM cũng có các công văn gửi Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an; ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo Công an Hà Nội xem xét lại quyết định xử phạt hành chính đối với phóng viên Quang Thế.

Theo công văn của báo Tuổi Trẻ, việc Đại tá Nguyễn Duy Ngọc – Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội phát biểu với báo chí cho rằng chiến sĩ cảnh sát hình sự huyện Đông Anh “gạt tay trúng má phóng viên Quang Thế” và ra quyết định xử phạt hành chính phóng viên của Báo Tuổi Trẻ 6 lỗi là không khách quan, không đúng bản chất sự việc, không đúng quy định của pháp luật.

Báo Tuổi Trẻ đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại quyết định xử phạt hành chính đối với phóng viên Quang Thế để đảm bảo công bằng, khách quan. Đồng thời nhìn nhận rõ bản chất vụ việc là cản trở hoạt động báo chí tại nơi công cộng, hành hung gây thương tích nhà báo./.

An Khanh-Việt Đức/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/tin-nong/hop-bao-thanh-uy-ha-noi-cau-hoi-ve-vu-pv-quang-the-khong-duoc-tra-loi-556867.vov