Họp báo giới thiệu sách "Người tình báo thầm lặng" của tác giả Tống Quang Anh.

Sáng 30/9, Tổng Công ty Phát hành sách TP.HCM (FAHASA) đã tổ chức họp báo giới thiệu và phát hành tác phẩm “Người tình báo thầm lặng” của tác giả Tống Quang Anh.

Tác giả Tống Quang Anh chia sẻ: “Lịch sử Việt Nam trong hai cuộc chiến gần đây, chống Pháp và Mỹ, có rất nhiều sự kiện phức tạp. Chính vì vậy, mà các nhà làm sử không thể ghi chép đầy đủ được. Tôi nghĩ, nếu ai có khả năng thì ráng giúp cho “mảnh áo lịch sử” giảm bớt những lỗ thủng khách quan. Tôi viết quyển “Người tình báo thầm lặng” với mục đích bổ sung cho lịch sử những gì còn thiếu sót, vì vậy trong quyển sách này không có các sự kiện hư cấu...

Nhiều người đã đóng góp rất nhiều cho hai cuộc kháng chiến nói trên nhưng bị lãng quên, do hoàn cảnh khách quan. Họ cần được vinh danh để lịch sử biết đến. Tôi viết quyển sách này cũng với mục đích vinh danh họ, nên hầu hết các nhân vật đều để tên thật, trừ một, hai người tôi không biết tên, nên phải gán tên mới cho họ. Tất nhiên, có trường hợp, nếu gán tên cho nhân vật thì sẽ vô lý nên vẫn để khuyết danh...”

Bìa cuốn sách "Người tình báo thầm lặng" của Tống Quang Anh

Tống Quang Anh theo cha đi tập kết ra Bắc vào cuối năm 1954, lúc đó ông vừa tròn 7 tuổi. Thân sinh của ông chính là Tống Văn Trinh – nhân vật chính trong tác phẩm “Người tình báo thầm lặng”.

Tác giả Tống Quang Anh đã dựa vào hồi ký của cha mình, dựa vào những tài liệu được công bố...để viết thành truyện. Ông nói: “Cuốn sách này được xem như là một việc báo đền công ơn nuôi dạy của nhân dân, đảng và chính phủ, đồng thời cũng là để báo hiếu cho cha mẹ của tôi. Quyển sách này còn nhằm để thay cha đền ơn đáp nghĩa cho đồng đội, bè bạn, nhân dân hai nước Việt, Lào đã giúp đỡ cha tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao trong suốt hai cuộc kháng chiến”

Cuốn sách “Người tình báo thầm lặng” của Tống Quang Anh gồm 300 trang, chia thành 21 chương, viết về cuộc đời phi thường của Tống Văn Trinh - một chiến sĩ quân báo thời kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp. Khi đất nước bị chia cắt, người chiến sĩ quân báo này tập kết ra miền Bắc, sau đó gia nhập Cục 2, được huấn luyện trở thành người tình báo chiến lược với mật danh N113.

“Người tình báo thầm lặng” được thể hiện với văn phong khá độc đáo. Nửa như tiểu thuyết hư cấu, nửa như chuyện về người thật việc thật. Thủ pháp cũng đi theo hướng chủ đạo khác: không dùng thủ pháp mô tả trực diện để tăng phần ly kì hồi hộp nhằm mục đích câu khách, cũng không sa đà vào những chi tiết vụn vặt hoặc rối rắm để tạo một mê hồn trận làm rối trí người đọc. Tống Quang Anh viết theo cách riêng của mình. Cuốn sách này như một câu chuyện chân thật được kể lại thật giản dị.

Ngoài ra, trong sách tác giả Tống Quang Anh còn kể lại một vài chiến công của quân báo Nam Bộ, những bước thăng trầm của ông Tống Văn Trinh đã trải qua trong thời chống Pháp. Từ đấy nêu lên nền tảng để ông trở thành nhà tình báo chiến lược.

Tống Văn Trinh, sinh năm 1923, quê nội ở Thạnh Trị, Sóc Trăng, quê ngoại ở Châu Đốc. Để tránh nêu tên thật, tác giả đã lấy tên ông thời còn nhỏ, tức Hai Tỷ (cũng là tên thật). Ông Hai Tỷ thực ra không hẳn có một lai lịch rõ ràng. Lý lịch của ông được lưu tại Trung tâm cục tình báo. Ngay họ Tống của ông cũng không rõ là họ người Hoa hay người Việt. Tên đó là do bố ông, ông Hai Minh (tức Hai Chiêu) khi lưu lạc tới Châu Đốc lập gia đình sinh ông và đặt cho.

Cuộc đời ông kể từ thời niên thiếu cho đến khi trưởng thành chỉ được chắp nối từ những ký ức rời rạc. Từ cậu học trò nhỏ mảnh mai được học hành, đến trưởng thành là một công chức mẫn cán có công ăn việc làm thu nhập khá giả. Rồi khi Cách mạng tháng Tám thành công, được giác ngộ đi theo cách mạng, phụ trách nhóm quân báo của tỉnh, sau được bố trí sang Lào làm một điệp viên.

Rồi khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nước khi chiến tranh kết thúc, được tín nhiệm giao tiếp các chức vụ quan trong của Sở Tư Pháp tỉnh Hậu Giang.

Xoay quanh cuộc đời của Tống Văn Trinh còn có một nhân vật quan trọng không kém, đó chính là vợ Hai Tỷ, người phụ nữ miền Nam có chồng tập kết ra Bắc, sống trong cảnh trên đe dưới búa, luôn phải gồng mình chống chọi với những vây bủa của chính quyền Sài Gòn và cạnh đó là những chịu đựng đời thường của một phụ nữ trẻ đã phải sống xa chồng: Con lớn theo cha, một mình phận đàn bà vừa phải làm mẹ vừa phải làm chồng và vừa phải làm người đồng đội; Rồi mật thám luôn rình mò trù dập người kháng chiến cũ… Đặc biệt có những chi tiết như vợ Hai Tỷ làm giao liên cho bộ đội, khi đi phải mang theo đứa con nhỏ còn bế ẵm, qua đồn địch phải chuẩn bị một chiếc khăn ướt đề phòng nhỡ con thức giấc khóc thì sẽ bịt miệng nó để khỏi lộ… Bịt miệng con bằng khăn ướt sẽ chắc làm con ngạt thở có thể dẫn đến cái chết. Chị hiểu điều đó nhưng vẫn làm. Chi tiết này đã gây được sự xúc động mạnh mẽ cho độc giả. Đó là một hành động hy sinh vô cùng to lớn. Để đảm bảo được thắng lợi cuối cùng, người phụ nữ đã phải sẵn sàng hy sinh cả tính mạng con mình.

Cuốn sách còn nhắc đến những việc làm rất tình người của “Người tình báo thầm lặng - Tống Văn Trinh”: Nuôi dạy con của đồng đội hy sinh. Xác nhận cho nhiều người từng tham gia hay ủng hộ kháng chiến được hưởng quyền lợi của họ trong đó có rất nhiều Việt kiều ở Lào. Thường xuyên viết thư thăm hỏi tri ân những người dân Lào đã từng cưu mang đùm bọc ông, đã tạo điểu kiện để ông hoàn thành nhiệm vụ những năm xa Tổ Quốc… Tất cả những việc làm này đều chứng tỏ thêm về một con người khác trong Hai Tỷ: Một con người thủy chung, ân nghĩa, hết lòng vì đồng đội.

Nhà văn Kao Sơ nhận xét về tác phẩm “Người tình báo thầm lặng” như sau: “ Độc giả sẽ thấy rõ chân dung của một chiến sĩ tình báo, những đóng góp, những gian khó mà người chiến sĩ phải chịu đựng, qua đó hiểu được những hy sinh to lớn của người lính cho Tổ Quốc trở nên rõ ràng hơn. Đồng thời người đọc còn bám sát được những sự việc thật, những con người thật, những địa danh thật... Bên cạnh việc tri ân những con người cùng những đóng góp của họ cho đất nước, cho dân tộc. Vượt lên khỏi một cuốn truyện bình thường, phần nào cuốn sách đã đạt được tới tầm vóc của một biên niên sử về hoạt động kháng chiến nói chung cũng như nói riêng về những hoạt động tình báo những chiến sĩ hoạt động ở một vùng đất vốn được coi là cái nôi của kháng chiến chống Mỹ miền Nam trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của cách mạng.

Hà Đình Nguyên

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/hop-bao-gioi-thieu-sach-nguoi-tinh-bao-tham-lang-cua-tac-gia-tong-quang-anh-d46990.html