Hồn trầu Bà Điểm

Giữa hàng dài những thúng trầu trong buổi chợ sớm, người mua dễ dàng nhận ra trầu Bà Điểm nhờ lá mỏng, vàng bóng mỡ gà...

Một thuở người dân Bà Điểm đã sống no ấm nhờ những vườn trầu tươi tốt, và ở một khía cạnh khác họ đã gìn giữ được một nét văn hóa truyền thống của người Việt. Về Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP.HCM) bây giờ không còn bạt ngàn những giàn trầu như nhiều năm về trước nữa. Ông Cao Văn Hai, Ban quản lý khu di tích Ngã ba Giồng (Hóc Môn) chia sẻ: “Giá như chúng ta kịp tổ chức các câu lạc bộ hay trò chơi truyền thống để giới trẻ sau này có cơ hội được nhìn thấy cái nghề của ông cha một thời thì tốt biết mấy”. Để lưu giữ nghề trồng trầu, tháng 8.2010, Ban quản lý khu di tích Ngã ba Giồng đã cho trồng một vườn trầu với diện tích khoảng 1.200m2 cạnh nghĩa trang. Vườn trầu được chăm sóc bởi những người dân đã từng gắn bó với công việc này. Nhìn những dây trầu xanh mướt khỏe khoắn trong nắng sớm, ít ai ngờ nó là kết quả của một quá trình đòi hỏi rất cao sự công phu, tỉ mỉ. Đất lý tưởng để trồng trầu là loại đất đen pha cát, đất phân chuột, có độ tơi xốp cao. Bao nhiêu năm trầu Bà Điểm làm say lòng người với những lá trầu mượt vàng mỡ gà, mỏng, vị cay nồng một phần là nhờ nơi đây có loại đất đặc biệt ấy. Cứ mỗi gốc trầu sẽ được trồng cạnh một nọc trầu để làm chỗ dựa cho thân trầu. Cứ năm nọc thì có một nọc chính (còn gọi là văng hay róng). Các nọc sẽ được cố định với nhau bằng dây kẽm. Lúc trước người dân Bà Điểm thường dùng cây sú có thân chắc, thẳng để làm nọc. Giàn trầu thường có chiều cao từ 4 - 6m. Ngọn trầu được trồng, khi vươn lên, trổ được 4-5 lá cũng là lúc trầu cần được búng ngọn để cho ra nhiều nhánh. “Khi trầu được khoảng 3 đến 3 tháng rưỡi thì thân đã đủ dài để đôn (trầu thường mọc thẳng lên đỉnh giàn, nhưng sẽ được đặt cho dây mọc dài ngược trở lại xuống đất để tạo thành giàn). Đôn trầu đòi hỏi người làm vườn phải khéo léo chọn đúng chiều thân trầu để vắt ngược lại, chỉ cần sơ ý một chút thân trầu sẽ bị nứt và chết liền. Trong lúc đôn trầu cũng cần chú ý nhẹ tay để không làm lá trầu bị dập”, chú Hai Thảo (ấp Trung Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), người từng gắn bó gần 30 năm với vườn trầu cho biết. Người trồng hay ví trầu như một cô gái mới lớn nhõng nhẽo khó tính. Chỉ cần vô ý bón phân sát gốc, để ngập chút nước thôi, trầu sẽ chết rất nhanh. Trầu chỉ ưa các loại phân xanh chứ không hợp với phân hóa học. Lá trầu có ba loại chính là trầu tấn, trầu tấn liền và trầu liền. Nhiều nhất là trầu tấn, nhưng các cụ sành ăn trầu luôn tấm tắc thích thú với trầu liền. Lá trầu liền thường nằm ở cao, gần sát với phần ngọn trầu, lá mỏng vàng, thường nhỏ hơn trầu tấn. Khi ăn lá trầu liền cũng dai, cay nồng và ngon hơn rất nhiều. Thuở trước khi trời còn tờ mờ sáng người ta đã nghe tiếng nói chuyện cười đùa trong các vườn trầu. Đó là lúc các gia đình hái trầu để giao cho các thương lái hoặc mang ra chợ bán. Người ta có thể khen chê, mặc cả giá với trầu ở các vùng khác nhưng với trầu Bà Điểm thì dường như điều đó không có. Thanh Quý

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/tnotuansan/pages/201105/20110127141801.aspx