Hỗn loạn thị trường phân bón

Các nhà máy đạm Ninh Bình, Hà Bắc, Đình Vũ, Lào Cai… đang phải giảm công suất, giá bán sản phẩm và thua lỗ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng trong thời gian qua. Nguyên nhân của thực trạng này được các chuyên gia trong ngành chỉ ra do tình trạng phát triển thiếu quy hoạch, phân bón giả tràn lan, sức ép nhập khẩu…

Nhà máy thua lỗ do áp thuế VAT

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), quy định áp thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào 6,5-7% đối với các DN sản xuất phân bón đã tác động lớn đến nhập khẩu phân bón. Từ tháng 1-2015 đến nay, nhập khẩu ure tăng 652.000 tấn, tăng hơn 3 lần so với năm 2014. Riêng trong 7 tháng năm nay nhập khẩu phân ure tăng gần 360.000 tấn, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ 2015.

Thực trạng hỗn loạn của ngành phân bón Việt Nam, đặc biệt là tình trạng lợi ích nhóm đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết về việc lập lại trật tự thị trường phân bón trong nước. Bởi nếu không có các biện pháp mạnh mẽ triệt hạ phân bón giả, kém chất lượng, sẽ gây thiệt hại lớn cho hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam.

Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

Điều này đã đẩy nhiều nhà máy sản xuất phân đạm trong nước vào tình cảnh khó khăn. Chẳng hạn, Nhà máy đạm Ninh Bình phải giảm công suất từ 550.000 tấn/năm xuống còn 150.000 tấn/năm, trong khi sản phẩm không bán được vì giá cao hơn đạm nhập khẩu. Thiệt hại 6 tháng đầu năm của nhà máy Đạm Ninh Bình lên đến 2.042 tỷ đồng. Tương tự, Công ty Phân đạm Hà Bắc phải giảm 40% công suất và để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, giá đạm ure của nhà máy phải giảm 20%. Ước tính thiệt hại của công ty trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm nay lên đến 889 tỷ đồng.

Trước sức ép nhập khẩu và tăng VAT đầu vào, các nhà máy DAP Đình Vũ, Lào Cai có công suất 660.000 tấn/năm phải giảm sản lượng 40% và giảm giá thành sản phẩm 18%... Thiệt hại của các nhà máy DAP Đình Vũ khoảng 120 tỷ đồng, DAP Lào Cai khoảng 125 tỷ đồng. Các nhà máy sản xuất phân bón Ninh Bình, Đình Vũ, Lào Cai, Hà Bắc đều thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đang chiếm 70% tổng lượng phân bón ure, DAP, NPK, lân super, lân nung chảy và một số loại phân bón khác trên cả nước. Tuy nhiên, các DN này đang thua lỗ năng nề, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ đẩy các nhà máy đến nguy cơ đóng cửa.

Việc áp VAT cũng khiến nhiều nhà máy phân đạm khác trên cả nước thiệt hại. Trong đó Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí thiệt hại khoảng 180 tỷ đồng, các thiệt hại khác khoảng 340 tỷ đồng. Tăng thuế VAT đầu vào cũng khiến Công ty Super phosphat Lâm Thao giảm sản lượng bán ra thị trường. Trước khi áp thuế, công ty bán được khoảng 3.000 tấn phân bón/năm, nay giảm xuống còn 2.000 tấn; đồng thời cũng khiến một số DN khác như Công ty Phân bón miền Nam, Công ty Phân bón Bình Điền, Tổng công ty Sông Gianh… thiệt hại nặng nề.

Phân bón giả tràn lan

Theo ông Nguyễn Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện Bộ Công Thương cấp phép hơn 5.000 loại phân bón vô cơ, Bộ NN-PTNT cấp phép khoảng 500 loại phân bón hữu cơ. Việc có quá nhiều loại phân bón trên thị trường khiến nông dân không biết lựa chọn loại nào. Nhiều sản phẩm chất lượng không đảm bảo vẫn được sản xuất và quảng cáo rùm beng. “Kết quả kiểm tra cho thấy chỉ 65% sản phẩm phân bón đang bán trên thị trường đảm bảo chất lượng. Hiện có đến 95% DN sản xuất cả phân bón hữu cơ và vô cơ. Thậm chí có DN đưa ra 2 loại phân bón khác nhau nhưng lại có thành phần giống hệt nhau” - ông Cường cho biết.

Tình trạng phân bón kém chất lượng, nhất là phân bón giả đang gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp và nông dân. Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó Chủ tịch FAV, cho biết dù đến nay đã có 6 nghị định, 8 thông tư về quản lý hoạt động sản xuất và phân phối phân bón, nhưng tình hình phân bón giả, kém chất lượng vẫn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng tại 48 tỉnh, thành phố. Các trường hợp điển hình như CTCP Quốc tế Đông Trung (Lâm Đồng) đăng ký sai hàm lượng dinh dưỡng trên giấy phép, bao bì, ghi tỷ lệ NPK 53% nhưng thực tế chỉ 8,2%. Hay Công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai) đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên bao bì ghi tỷ lệ NPK 53% nhưng khi kiểm tra chỉ đạt 7,2%. Một trường hợp khác là CTCP Đầu tư khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Pháp Hà Nội, qua kiểm tra đã phát hiện 600 tấn phân bón NPK in bao bì giả mạo nhãn mác các thương hiệu đạm uy tín như Bình Điền, Lâm Thao, Phú Mỹ, Cà Mau… Theo kết quả giám định mẫu tại Viện khoa học hình sự (Bộ Công an), thành phần dinh dưỡng chính là NPK chỉ đạt tỷ lệ 1,9%, còn lại là bột đá vôi.

Năm 2015 Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tiến hành 3.091 vụ kiểm tra chất lượng phân bón trên cả nước, đã phát hiện và xử phạt 878 cơ sở sản xuất, tiêu thụ phân bón giả số tiền 10,6 tỷ đồng; thu giữ hơn 276 tấn phân bón, khoảng 132.000 gói, 10.000 chai… phân bón giả với giá trị ước khoảng 39,7 tỷ đồng. Trong 7 tháng năm 2016, Cục đã kiểm tra 1.356 vụ, phát hiện và xử lý 399 cơ sở sản xuất và phân phối phân bón giả, xử phạt hành chính hơn 3,9 tỷ đồng; thu giữ 20 tấn phân đạm Trung Quốc, tiêu hủy 12,5 tấn phân NPK giả và buộc tái chế 3,5 tấn NPK kém chất lượng.

Phân bón Đầu Trâu của Bình Điền là 1 trong các thương hiệu thường bị giả mạo.

Lợi ích nhóm?

Theo Cục Quản lý thị trường, các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả được phát hiện chủ yếu là không thực hiện công bố hợp quy, sản xuất, kinh doanh phân bón không đúng chất lượng công bố, không đạt chỉ tiêu chất lượng quy định bắt buộc theo quy chuẩn, trên bao bì, nhãn mác có thông tin không đúng sự thật, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phân bón.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc mỗi năm có khoảng 4.000 vụ vi phạm bị xử phạt vì sản xuất, kinh doanh phân bón giả chỉ là phần nổi của tảng băng này, khi tình hình sản xuất phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn ra tràn lan, gây bức xúc dư luận. Câu hỏi đặt ra là có hay không tình trạng bảo kê, lợi ích nhóm trong hoạt động phi pháp này? Theo ông Phạm Ngọc Hùng, nhiều vụ cơ sở sản xuất phân bón giả khi bị điều tra, chủ cơ sở sản xuất đóng cửa, bỏ trốn rõ ràng phải có người báo. “Bảo kê cho thực trạng này đã khiến các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả chìm xuống… đúng quy trình” - ông Hùng bức xúc. TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia về phân bón, cũng đồng quan điểm khi cho rằng thực trạng hiện nay trên thị trường phân bón là có vấn đề của lợi ích nhóm. Bởi lẽ, việc sản xuất phân giả tại nhiều nơi không đến từ các nhà máy kém chất lượng mà có những DN đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng vào máy móc để sản xuất phân bón giả. “Nếu không có lợi ích nhóm họ đã không dám làm thế, thậm chí có DN còn tiết lộ họ có chống lưng tại Hà Nội” - TS. Nghĩa nói.

Điển hình cho những vi phạm trên thị trường phân bón hiện nay được FAV nêu ra là trường hợp của Công ty Thuận Phong (Đồng Nai). Sản phẩm của công ty này đã được Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ NN-PTNN, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia... kiểm tra và xác định là phân bón giả. Nhưng không hiểu lý do gì, hơn 1 năm vụ việc xảy ra và chưa được Thủ tướng Chính phủ kết luận, tỉnh Đồng Nai cho dỡ niêm phong và chỉ xử lý hành chính. Hoặc vụ Công ty Tân Trường Sinh (Hải Dương) bị Bộ Công an bắt quả tang sản xuất phân bón giả. Dù Bộ Công an quyết định khởi tố, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quyết định chuyển vụ án về Công an tỉnh Hải Dương, nhưng đến nay vụ việc đã có dấu hiệu chìm xuồng.

Quang Minh - Đăng Tuân

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161001/hon-loan-thi-truong-phan-bon.aspx