Hơn 90% lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu

Cuộc khảo sát mới đây của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy hơn 90% người lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu và cho rằng họ đã thực hiện trách nhiệm đầy đủ với quỹ và đảm bảo cân đối quỹ là trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH).

Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục tại cơ quan BHXH quận Hà Đông, Hà Nội - Ảnh minh hoạ: Thuỳ Dung

Tại buổi toạ đàm về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội diễn ra hôm 22-8 tại Hà Hội, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa thực hiện một đợt khảo sát với 5.000 phiếu gửi người lao động tại ba miền Bắc, Trung, Nam về độ tuổi nghỉ hưu mà người lao động mong muốn. Kết quả, có tới hơn 90% số phiếu khẳng định họ mong muốn Nhà nước giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, không kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu.

Về việc nâng tuổi nghỉ hưu và tăng mức đóng để đảm bảo ổn định Quỹ BHXH, thông qua khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, nhiều người lao động cho rằng đây là bài toán mà cơ quan BHXH Việt Nam phải tính toán thông qua nhiều giải pháp như mở rộng thu hút thêm nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện, không thể bắt người lao động phải làm thêm để “nuôi” quỹ này.

Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng tham gia cũng không dễ dàng gì. Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó ban chính sách BHXH Việt Nam, đến hết tháng 6-2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,17 triệu người, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2016; BHXH tự nguyện là 241.000 người, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Dù số lượng tham gia có tăng nhưng vẫn chỉ chiếm khoảng ¼ lực lượng lao động và để đạt được mục tiêu đến năm năm 2020 có khoảng 50% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là cả một khối công việc lớn phải làm.

Ông Thọ cho rằng, khó khăn trong việc mở rộng đối tượng BHXH là nhiều lao động rút khỏi quá trình tham gia bảo hiểm để hưởng chính sách một lần, nhiều doanh nghiệp khó khăn nên cắt giảm lao động…

“Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 600.000-700.000 lao động rút khỏi BHXH, cho nên nhìn tổng quan thì số đối tượng tham gia BHXH tăng lên nhưng trừ đi số rút khỏi thì số thực tăng không đáng bao nhiêu”, ông Thọ cho biết.

Không chỉ vậy, nhiều ý kiến phản ánh rằng, thủ tục tham gia BHXH còn rườm rà, phức tạp, thái độ cán bộ tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp còn thiếu thân thiện. Bên cạnh đó, Luật BHXH 2014 sửa đổi theo hướng giảm mức hưởng và tăng thời gian đóng của người tham gia BHXH nên cũng khiến nhiều người không mặn mà tham gia.

Lương hưu sẽ giảm từ năm 2018

Theo công thức tính lương hưu cũ (Luật BHXH năm 2006), người lao động có 15 năm đóng BHXH sẽ có mức lương hưu được tính bằng 45% mức lương bình quân đóng BHXH và sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH thì lao động nam được cộng thêm 2 điểm phần trăm và nữ cộng thêm 3 điểm phần trăm. Mức hưởng tối đa là 75%.

Tuy nhiên, trong Luật BHXH 2014, lương hưu của người lao động sẽ giảm đáng kể. Theo đó, đối với lao động nam, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi, phải có 16 năm đóng BHXH mới được hưởng tương đương với 45% mức lương bình quân đóng BHXH; nghỉ hưu năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH mới bằng được hưởng 45% mức bình quân tiền lương.

Đối với lao động nữ, Luật BHXH điều chỉnh giảm bằng tỷ lệ thay thế. Tức là từ năm 2018, 15 năm đóng BHXH vẫn tính bằng 45% mức lương bình quân đóng BHXH nhưng sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH tiếp theo được tính cộng thêm bằng 2 điểm phần trăm thay vì 3 điểm phần trăm như hiện nay.

Như vậy, theo nhiều chuyên gia tính toán, lương hưu của lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 có 20 năm đóng BHXH, thấp hơn so với người nghỉ hưu năm 2017 là 10%. Đối với lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 sẽ hưởng mức lương hưu thấp hơn người lao động nữ nghỉ hưu năm 2017 là 5%.

Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163866/hon-90-lao-dong-khong-muon-tang-tuoi-nghi-huu.html